Bến xe buýt trên đường Phạm Hùng (Hà Nội) khi nhiệt độ lên tới 40 độ C. Ảnh: Giang Huy. |
Cơ quan khí tượng ghi nhận, nhiệt độ cao nhất ngày 28/5 tại đồng bằng Bắc Bộ đã vượt qua đỉnh nóng năm 2014 - vốn được đánh giá là nắng nóng. Nho Quan (Ninh Bình) đã cận kề 41 độ C, cao hơn năm trước hơn một độ C. Các điểm đo khác nhiệt độ đều cao hơn từ 0,5 đến 2 độ C.
Hà Nội do tập trung nhiều nhà cao tầng, mật độ cây xanh thấp nên trở thành tâm điểm của nắng nóng. Trừ huyện Hoài Đức xấp xỉ 40 độ C, bốn điểm đo Ba Vì, Sơn Tây, Láng, Hà Đông đều bằng hoặc trên 40 độ C, trong đó trung tâm thủ đô 40,3 độ C.
So với đỉnh nắng nóng năm 2014, nhiệt độ hôm qua đã cao hơn khoảng nửa độ C. Đây là mức nhiệt cao nhất trong nhiều năm, nhưng chưa phải là cao nhất lịch sử, bởi vào năm 1926 Hà Nội từng nóng 42 độ C.
Miền Trung hôm qua nhiệt độ nhiều nơi cũng cao hơn đỉnh nóng năm ngoái. Cao nhất là Tây Hiếu (Nghệ An) 41,5 độ C, kế đó là Như Xuân (Thanh Hóa) 41,4, Quỳ Hợp (Nghệ An) 41,2 độ C. Hàng loạt điểm khác bằng hoặc hơn 40 C như: Tĩnh Gia, Quỳ Châu, Con Cuông, Đô Lương, Hương Khê, Đông Hà.
Số ngày liên tục nắng nóng trên 35 độ C ở miền Trung đã kéo dài gần một tháng và cận kề bằng năm ngoái (năm 2014 có 33 ngày nóng liên tục diễn ra trong tháng 5-6), trong khi vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Kỷ lục miền Trung là 42,7 độ C, vào năm 1966.
Dự báo hôm nay miền Bắc bước vào đỉnh điểm của đợt nóng. Nhiệt độ cao nhất tại Hà Nội có thể cao hơn mức 40,3 độ C. Ngày 31/5 và 1/6 nắng nóng Bắc Bộ sẽ tạm thời gián đoạn do tác động của một bộ phận không khí nhỏ tràn xuống. Từ ngày 1/6, nắng nóng sẽ trở lại với nền nhiệt cao nhất phổ biến 35-37 độ C.
Nắng nóng, đông nghịt người kéo nhau ra biển Bãi Cháy (Quảng Ninh). Ảnh: Minh Cương. |
Tại miền Trung, nắng nóng gay gắt tiếp diễn với nhiệt độ phổ biến 37-40 độ C, vùng núi trên 40 độ C. Từ ngày 31/5 nhiệt độ ở các tỉnh Trung Bộ có xu hướng giảm nhẹ, nhưng cao nhất ngày vẫn phổ biến 35-38 độ C. Sau đó, từ ngày 3/6, nhiệt độ lại có xu hướng tăng lên từ 1-2 độ C.