Doanh nhân
Người khổng lồ khoác áo hợp tác xã
Quý Hưng - 14/10/2015 12:06
Doanh nhân Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Rạch Gầm với tâm huyết và triết lý kinh doanh đã biến một hợp tác xã vận tải sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long thành hợp tác xã điển hình châu Á - Thái Bình Dương, mô hình tham khảo cho các hợp tác xã nhiều nước.

Từ quyết định xê dịch...

Vuốt mái tóc đầy chất thi sỹ, doanh nhân Trần Đỗ Liêm đắm mình vào câu chuyện của đời mình. Ông đưa tôi trở lại cái ngày cách đây gần 40 năm, sau khi tốt nghiệp Trường trung học Giao thông,  ông đã quyết định giã từ đất Bắc vào mảnh đất sông nước Tiền Giang lập nghiệp. 

Chuyện xê dịch này bây giờ thì thường thôi, nhưng vào năm 1976, ngay sau khi đất nước vừa thống nhất, là một quyết định táo bạo, nhưng đầy định mệnh. Từ đó, ông Liêm đã gắn cả cuộc đời, sự nghiệp với vùng đất này, với Hợp tác xã (HTX) Vận tải đường sông Rạch Gầm, sau này là HTX Rạch Gầm, mà khi đặt chân nhận việc ở Sở Giao thông – Vận tải Tiền Giang, ông đã được giao nhiệm vụ xây dựng đề án thành lập. Ông muốn nói nhiều về HTX này hơn là chuyện của mình.

Doanh nhân Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch HĐQT HTX Rạch Gầm

Cũng đáng nói về một HTX 36 năm tuổi, không những sống được qua thời cơ chế chuyển đổi, khi hàng loạt HTX phải giải thể vì không làm ăn được, mà còn phát triển mạnh mẽ, trở thành HXT trong tốp đầu cả nước và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

“Thời gian đầu, HTX chỉ độc nghề vận chuyển. Tình hình thị trường thay đổi, buộc phải sống, chúng tôi dần chuyển thành đa ngành vận chuyển vật liệu xây dựng, đóng, sửa chữa tàu, sà lan, kinh doanh xăng dầu, xây dựng công trình giao thông…”, ông Liêm kể.

Từ chỗ chỉ có 29 ghe vỏ gỗ, 32 đò khách lèo tèo và văn phòng vỏn vẹn 16 m2,  nay HTX Vận tải đường sông Rạch Gầm đã có  8 đoàn sà lan vận tải hàng hóa đường sông với 286 tàu thuyền, sà lan tổng trọng tải tới 130.194 tấn;  đã có 1 nhà máy đóng tàu hiện đại, 1 xí nghiệp xây dựng với đủ các phương tiện, 1 tổng kho và 7 trạm kinh doanh xăng dầu, 6 cửa hàng dịch vụ sắt thép và 3 trạm bốc xếp kinh doanh cát đá… Tổng nguồn vốn kinh doanh lên đến  630 tỷ cùng đội quân lao động lành nghề 1.250 người, với gần 600 thuyền trưởng, máy trưởng quốc gia.

“Chúng tôi được ghi nhận là HTX điển hình châu Á - Thái Bình Dương, mô hình tham khảo cho các HTX nhiều nước”, ông hồ hởi kể.

Bây giờ nghe thì đơn giản, nhưng là người trải qua chặng đường chuyển đổi từ cơ chế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường, tôi hiểu được phần nào những vui, buồn, thất bại, thành công mà ông và các thành viên HTX Rạch Gầm đã trải qua. Dẫu vậy, tôi cũng chỉ là người ngoài cuộc.

“Thời gian đầu chuyển sang cơ chế tự hạch toán, tự cân đối thu chi, tự tìm khách hàng, tự lo đời sống người lao động, tôi có cảm giác như toàn chuyện từ trên trời rơi xuống, nhiều khi quyết liều, nhưng nếu không thế thì chết”, ông Liêm nhớ lại thời mà nhiều doanh nhân gọi là cơ chế “đi dây”. Ví như việc “bốc xếp chui” và “mua hộ”…, toàn là xé rào để kiếm thêm, cũng nhiều lời ra tiếng vào. Hay như HTX Rạch Gầm đi trước, tự xây dựng điều lệ cho  mình, tự tạo cơ chế cho xã viên làm ăn trong nền kinh tế thị trường.

Đây cũng là HTX tiên phong thực hiện cơ chế khoán như khoán 10 trong nông nghiệp tới từng phương tiện, phân xưởng và hộ thành viên, từ đó tăng cường trách nhiệm cá nhân trong quản lý tài sản, phương tiện và khai thác nguồn hàng.

Rồi HTX có nguồn đầu tư, đổi mới phương tiện liên tục. Nếu từ năm 1990 đến năm 1993, mục tiêu HTX là “Ghe tàu tốt hơn, trọng tải lớn hơn”, thì  giai đoạn 1999-2005 đã chuyển lên “Sắt hóa đội tàu”, và từ năm 2010 đến nay đã “sà lan hóa, trẻ hóa đội tàu, trọng tải, kết cấu phù hợp” với việc đóng và cho ra đời những đội sà lan đa dạng, hùng hậu. 

Tất cả đã tạo sự phát triển kỳ diệu, chỉ tính trong 8 năm, từ 1998 đến năm 2006, các chỉ tiêu đều tăng gấp 3,5 lần.

“Nhưng mục tiêu của chúng tôi luôn là sự giàu có của xã viên mới làm nên sự giàu có của hợp tác xã. Chính điều này đã xóa tan những hiểu lầm, rồi sóng cũng yên, biển lặng. HTX dần đi lên”, ông Liêm trầm ngâm.  

... đến những cội nguồn giá trị

Mục tiêu và logic phát triển kinh tế mà ông Liêm và HTX Rạch Gầm đeo đuổi không mới, vì đó là nguyên tắc chung của tổ chức HTX quốc tế. Nhưng chính việc chọn đúng điểm tựa này đã khiến Rạch Gầm tồn tại, không bị “quốc doanh hóa, tập thể hóa”, không triệt tiêu vai trò chủ thể của các thành viên. Đây là giá trị cốt lõi tạo ra sức mạnh chung, lợi thế cạnh tranh, uy tín trên thị trường đồng thời giảm chi phí hoạt động, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của mô hình HTX hiện đại mà Rạch Gầm đã trở thành đơn vị tiên phong.

Ông Liêm nói, ngay từ những ngày khó khăn, các thành viên HTX đã ngồi với nhau để tìm giá trị cốt lõi của mình.

“Chúng tôi đã nhìn thấy lợi thế của một HTX vận tải ở vùng sông nước Cửu Long. Nhưng cũng là bất lợi khi người người ở đây đều giỏi nghề sông nước. Mấu chốt để phát triển là phải tìm ra sản phẩm độc đáo, tận dụng được lợi thế”, ông Liêm chia sẻ

Cũng có điểm lợi, các xã viên HTX Rạch Gầm đều là người Nam Bộ, đậm chất phóng khoáng miền sông nước. Khi đã “ngồi cùng thuyền”, khi đã có được niềm tin, bạn có thể tin họ.

Ông Liêm rất vui khi kể 36 năm qua, mặc dù hoạt động trên các tuyến sông biển rộng lớn, đa ngành nghề, nhưng Rạch Gầm không để xảy ra tiêu cực, nhất là trong lĩnh vực tài chính. Đây là kết quả việc thực hiện  dân chủ, công khai,  minh bạch ngay từ những ngày đầu. Vì như ông nói, mọi con tàu, đội tàu, mọi lĩnh vực ngành nghề đều hướng về một bến, về ngôi nhà chung mang tên HTX Rạch Gầm.

“Tôi đã học được nhiều khi cùng đội tàu với những thành viên của HTX Rạch Gầm. Rằng, một doanh nhân có tiền chưa phải là giỏi, mà phải tập hợp được đội ngũ nhiều người giỏi. Để làm được điều đó, chỉ có tâm thì mới thu giữ được người tài, chí có bền mới vững vàng trước khó khăn. Chúng tôi đã có được giá trị này để HTX  Rạch Gầm tiếp tục vượt sóng”, doanh nhân Trần Đỗ Liêm chia sẻ kinh nghiệm.

Hiện tại, ông Liêm đang tiếp tục cùng với Rạch Gầm hướng về phía trước. Chặng đường tới cũng không ít sóng gió, nhưng ông nói, lòng tin vào con người, vào giá trị cốt lõi mà ông và đồng nghiệp đã cùng gây dựng mấy chục năm qua đã trở thành điểm tựa vững bền.

 

Triết lý của doanh nhân Trần Đỗ Liêm

Đường đời: “Hãy đặt trên con đường đời của bạn những cột mốc và lần lượt chinh phục nó”.

Làm việc: “Không làm việc gì mà không có triết lý rõ ràng”. “Hãy khắc phục vấn đề trước khi truy vấn nguồn gốc”.

Trân trọng: “Đừng coi thường những vật bạn đang có trong tay, cùng với thời gian và sự nghiệp của bạn có thể nó sẽ trở thành vô giá”.

Phấn đấu: “Hãy làm cho mình giàu có về văn hóa cùng với việc trở thành tỷ phú”.

Nguồn vốn quan trọng: “Nguồn vốn quan trọng của doanh nhân là tiền, của thi nhân, văn nhân là ngôn từ”.

Danh dự: “Danh dự cần được duy trì từ nhỏ”. “Trí tuệ, danh dự, lao động cần đồng hành trong cuộc đời”.

Giá trị: “Giá trị vật chất của một vật có thể lượng định, nhưng khi cộng giá trị tinh thần của nó thì không còn giới hạn”.

Đi: “Đi nhiều nơi đã tốt, nhưng đi để hiểu biết sâu sắc nhiều nơi sẽ tốt hơn”.
Tin liên quan
Tin khác