Mặc dù sốt xuất huyết điều trị được nhưng có thể xuất hiện những biến chứng nặng đe dọa đến tính mạng, đặc biệt là đối với người bệnh đái tháo đường, người bệnh cao tuổi.
Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. |
Thời gian vừa qua, Bệnh viện Nội tiết Trung ương thường xuyên tiếp nhận nhiều ca bệnh sốt xuất huyết nặng kèm bệnh nền đái tháo đường, tiểu cầu giảm sâu, nguy cơ xuất huyết cao. Điển hình, bệnh nhân nữ Lê T.N., 66 tuổi có địa chỉ tại quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, sốt nóng đột ngột kèm đau mỏi người, đau cơ xương khớp.
Bệnh nhân có hiện thượng chảy máu chân răng, tiểu cầu thấp 6 G/L (bình thường từ 150-400 G/L), bệnh nhân được chẩn đoán xác định Sốt xuất huyết Dengue. Khai thác tiền sử được biết, bệnh nhân điều trị Đái tháo đường typ 2, cao huyết áp, rối loạn lipid máu trên 10 năm.
Theo ThS.BS. Phạm Hồng Quảng, phụ trách khoa Bệnh nhiệt đới, bác sĩ điều trị bệnh nhân cho biết, tiểu cầu của bệnh nhân giảm rất sâu trong quá trình điều trị.
Do vậy, kíp điều trị phải theo dõi sát sao đồng thời cân nhắc kỹ chỉ định việc truyền tiểu cầu vì những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình truyền như gây dị ứng, sốc, lây nhiễm mầm bệnh truyền nhiễm thông qua truyền máu.
Mặc khác, bệnh nhân còn mắc đái tháo đường typ 2, huyết áp cao nên việc bù dịch gặp khó khăn, sức đề kháng của người bệnh kém nên sẽ chậm hồi phục, việc điều chỉnh đường huyết sẽ càng gặp khó khăn hơn do tình trạng nhiễm trùng làm tăng đường máu.
Bác sĩ Quảng cũng cho biết thêm, số lượng tiểu cầu càng thấp thì nguy cơ xuất huyết càng cao, hệ miễn dịch suy giảm dễ dẫn tới bội nhiễm như viêm phế quản, viêm phổi…
Với sự tích cực trong quá trình theo dõi, điều trị cùng sự phối hợp tốt của người bệnh, hiện tại, bệnh nhân Lê T.N, đã hết sốt, hết chảy máu chân răng, ăn uống ngon miệng, người khỏe, đường máu, huyết áp ổn đinh. Tiểu cầu trên 100 G/L và có thể xuất viện.
Các bác sĩ khuyến cáo, hiện nay không có phương pháp điều trị Sốt xuất huyết đặc hiệu, vì vậy những người bệnh đái tháo đường cần có các biện pháp phòng tránh mắc bệnh cũng như ngăn ngừa bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng hơn như xuất huyết, hội chứng sốc Dengue, nếu không may mắc bệnh.
Bác sĩ Quảng cũng khuyến cáo thêm, đối với những người bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà.
Cũng về sốt xuất huyết, nhiều bệnh viện trên địa bàn Thủ đô cũng đang kín giường điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.
Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, hiện mỗi ngày riêng Đơn nguyên Truyền nhiễm, phải tiếp nhận 15-18 bệnh nhân sốt xuất huyết, lúc cao điểm lên tới 25 bệnh nhân.
Các bệnh nhân sốt xuất huyết mà Đơn nguyên Truyền nhiễm tiếp nhận trong đợt dịch này chủ yếu trong độ tuổi 20-50 tuổi (Đơn nguyên chỉ tiếp nhận bệnh nhân trên 16 tuổi).
Có đến 20% các bệnh nhân tiếp nhận diễn biến nặng, chủ yếu trong độ tuổi 30-40 tuổi. Người béo phì nguy cơ cao hơn.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tuyến cuối điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại miền Bắc, hiện đang điều trị cho hơn 200 bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhiều khoa khác nhau.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, chỉ trong tuần qua đã có hơn 2.000 ca sốt xuất huyết mới được ghi nhận. Cộng dồn từ đầu năm đến nay toàn thành phố ghi nhận 23.314 ca mắc, 4 ca tử vong.
Số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022. Hơn 2.000 ca mắc trong một tuần. Bệnh nhân phân bổ tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 572/579 xã, phường, thị trấn.
Các địa phương ghi nhận có nhiều bệnh nhân như: Hoàng Mai (1.558 ca), Phú Xuyên (1.548 ca), Hà Đông (1.533 ca), Thanh Trì (1.309 ca), Đống Đa (1.252 ca), Thanh Oai (1.230 ca), Cầu Giấy (1.224 ca), Nam Từ Liêm (1.162 ca)...
Từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 1.419 ổ dịch sốt xuất huyết, hiện còn 239 ổ dịch đang hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã.
Theo ông Bùi Văn Hào, Giám đốc CDC Hà Nội, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, thành phố đã thành lập các đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các địa phương.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát tại các quận, huyện thì vẫn còn bộ phận người dân còn lơ là, chủ quan, chưa thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch, vệ sinh môi trường.
Các quận, huyện chưa phát huy được hiệu quả tối đa đội xung kích và tổ giám sát tại cộng đồng, việc phát hiện ổ dịch còn chậm, muộn dẫn đến số ca mắc gia tăng.
Theo CDC Hà nội, tình hình dịch sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng trong các tuần tới. Do đang vào cao điểm mùa mưa nên số ca mắc tiếp tục có diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại các địa phương.
Trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần lưu ý xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch cụ thể, chi tiết hơn đối với từng nội dung hoạt động làm sao triển khai một cách hiệu quả.