Quốc tế
Người Mỹ nặng nỗi lo lạm phát
Lê Quân - 13/02/2022 08:16
Giá cả tiếp tục tăng và người Mỹ ngày càng lo các chính sách kinh tế của Washington sẽ không phát huy nhiều tác dụng đối với họ.
Niềm tin người tiêu dùng Mỹ xuống mức thấp trong bối cảnh lạm phát tăng nóng. Ảnh: AFP

Kết quả khảo sát nhanh tâm lý người tiêu dùng Mỹ do Đại học Michigan vừa thực hiện đã nói lên điều đó. Cụ thể, theo báo cáo được Đại học Michigan công bố hôm 11/2, kể từ đầu năm đến nay tâm lý của người tiêu dùng Mỹ đã suy giảm nhiều hơn dự báo, xuống còn 61,7 điểm - mức thấp nhất trong một thập kỷ. Mức điểm này đã giảm hơn 8% so với tháng 1.

Người Mỹ lo ngại về tình hình tài chính gia đình trong bối cảnh lạm phát tăng nóng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 của Mỹ đã tăng lên 7,5% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong gần 40 năm.

Những người trả lời khảo sát của Đại học Michigan cho rằng triển vọng dài hạn của kinh tế Mỹ đang kém thuận lợi nhất trong một thập kỷ qua.

Ông Thomas Simons, chuyên gia phân tích tiền tệ tại Ngân hàng đầu tư Jefferies (JEF) cho rằng: "Ngoài lạm phát, không có lý do nào khác khiến tâm lý người tiêu dùng xuống mức thấp như vậy, dù nền kinh tế đang cho thấy sức mạnh".

Mặc dù khả năng cao Cục Dự trữ liên bang (Fed) sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 3 tới, nhưng niềm tin người tiêu dùng Mỹ vẫn xuống thấp và nỗi lo đeo bám họ rằng các chính sách kinh tế của Washington có thể không phát huy nhiều tác dụng.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Jared Bernstein phát biểu trên đài CNN rằng chương trình cạnh tranh - một chính sách được chính quyền Mỹ thiết kế nhằm hạ nhiệt giá cả - đã giúp kéo giảm giá thịt trong tháng 1.

Tuy nhiên, số người Mỹ đồng tình với các chính sách kinh tế là không cao. Cứ 10 người Mỹ thì có gần 6 người không tán thành việc Tổng thống Joe Biden thực thi chức trách của mình, theo kết quả thăm dò được đài CNN được công bố giữa tuần này.

Người Mỹ cho rằng ông Biden có thể gặp khó khăn khi đối phó với tình hình kinh tế. Nền kinh tế Mỹ vốn dựa vào chi tiêu của người tiêu dùng nên đó là lý do tại sao dữ liệu như chỉ số tâm lý người tiêu dùng lại trở nên rất quan trọng trong việc dự báo con đường phục hồi kinh tế sẽ tiến triển ra sao trong những tháng tới.

Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 phức tạp do biến thể Omicron đã gây thêm áp lực lên người Mỹ. Nhiều nhà kinh tế đã phải điều chỉnh dự báo tăng trưởng quý I.

Ông Richard Curtin, chuyên gia kinh tế trưởng tại Trung tâm nghiên cứu khảo sát, Đại học Michigan cho biết: "Sự sụt giảm gần đây có nghĩa là chỉ số tâm lý báo hiệu sự khởi đầu cho sự suy giảm liên tục trong chi tiêu tiêu dùng". Đó có thể là một tin xấu cho sự phục hồi kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, tiết kiệm hộ gia đình vẫn tăng lên do nhiều người Mỹ đã thay đổi thói quen chi tiêu trong thời đại dịch và điều này có thể giúp hỗ trợ chi tiêu của họ trong tương lai.

Lạm phát Mỹ được dự báo sẽ sụt giảm trong năm nay do một số áp lực của đại dịch, bao gồm cả các thách thức chuỗi cung ứng. Mức lạm phát 7,5% trong tháng 1 có phải là đỉnh điểm hay chưa thì vẫn còn phải xem xét, nhưng lạm phát tăng nóng đã gia tăng áp lực buộc Fed phải hành động quyết liệt hơn để kiểm soát giá cả.

Ông James Bullard, Chủ tịch Fed tại thành phố St. Louis cho biết ông ủng hộ Fed tăng lãi suất 1 điểm phần trăm cho đến ngày 1/7. Do từ nay đến ngày 1/7 chỉ có 3 cuộc họp chính sách, nên điều này dẫn đến khả năng cao rằng Fed sẽ phải tăng lãi suất nửa điểm phần trăm trong một cuộc họp, thay vì tăng 0,25 điểm phần trăm như thường lệ. Thực tế, Fed đã không tăng nửa điểm phần trăm lãi suất kể từ năm 2000.

Các nhà đầu tư cho rằng 99% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất nửa điểm phần trăm tại cuộc họp chính sách tháng 3 tới, theo nền tảng cập nhật chính sách tiền tệ FedWatch của CME Group.

Tin liên quan
Tin khác