1.
Hỏi kỹ mới biết, cô nàng quyết định thay đổi công việc và môi trường, chuyển từ việc tư vấn thị trường sang làm cho một chủ đầu tư bất động sản phía Nam. Điều đặc biệt, ngày kết thúc công việc ở công ty cũ ngoài Hà Nội và ngày bắt đầu công việc mới ở TP.HCM chỉ là hôm trước, hôm sau. Tức cô nàng sẽ tay xách, nách mang hành lý và niềm hào hứng đến với một thành phố cách xa Thủ đô trên 1.000 km mà chưa hề có chỗ ở.
Người trẻ giờ bạo thật!
Người ta dám tự quăng mình vào một thành phố lạ, bắt đầu một công việc mới, kể cả vừa làm, vừa tìm chỗ thuê nhà. Dĩ nhiên, thời buổi này cơ bản mà nói, cái gì cũng dễ dàng hơn, miễn bạn có một cái thẻ ngân hàng với số dư tài khoản tương đối, mọi thứ sẽ ổn thỏa. Nhưng nghĩ về chuyện này, tôi vẫn thán phục nhiều.
19 năm trước, khi lần đầu tôi đi xa, ngày đó máy bay là điều xa xỉ, điện thoại không có chứ đừng nói đến dùng mạng internet, thông tin cũng chẳng nhiều như bây giờ. Tôi đi chơi, dù rất háo hức, nhưng trong cả chặng đường đi và về từ Hà Nội vào Gia Lai, cảm giác nơm nớp lo sợ một điều vô hình, cảm giác đề phòng là luôn thường trực, lớn hơn nhiều, át cả niềm vui được đi đây đó.
Giờ, mọi thứ đều có trên mạng để có thể tìm hiểu, đi lại thì dễ hơn xưa, những việc như móc túi hay ăn cắp vặt trên tàu xe cũng gần như không còn nữa. Và giờ, nếu có đủ giấy tờ, hộ chiếu và một chiếc thẻ ngân hàng, người ta có thể đi cả năm mà chẳng cần chuẩn bị gì ngoài bộ quần áo mặc trên người.
Người Việt ta vốn vẫn coi trọng chuyện ăn ở, trong đó chỗ ở luôn cực kỳ được đề cao. Và dù đi đâu, làm gì, chỗ cần có và ổn định trước tiên vẫn là chỗ ở. Nhưng có vẻ, với những người trẻ và bạo, điều này không còn đúng 100%. Họ tự tin và được quyền như thế, rằng mình sẽ có thể xoay sở nhanh chóng về chỗ ở. Giờ homestay, Airbnb, căn hộ dịch vụ hay chung cư cho thuê đầy ra ở các thành phố lớn. Vấn đề là trong menu đó, bạn chọn cho mình món gì.
2.
Cách đây vài tháng, khi biết tôi vào TP.HCM công tác, anh bạn nhắn nhủ: Cái M đang trong đó đấy. Ông rảnh thì alo em nó cà phê, xem công việc thế nào?
M là cô em nhà ông chú tôi, năm rồi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, cũng loại khá, loại giỏi gì đó. Ra trường, nàng quyết chí xin vào TP.HCM để tìm thử thách. Học về quản trị kinh doanh, nhưng cô nàng lại xin vào làm chân phát triển thị trường cho một nhãn hàng tiêu dùng. Nói phát triển thị trường cho oai, thực ra là đi tiếp thị sản phẩm đến các cửa hàng ở khu quận 3. Cô bé lý sự, em muốn hiểu được ngọn ngành công việc, từ việc giao hàng, bán hàng thế nào, nay mai có làm quản lý mới không bị nhân viên qua mặt.
Trong buổi cà phê ở thành phố lạ, cô bé nói khá nhiều về những vất vả mà mình đang phải trải qua hàng ngày. Chỉ riêng con nắng phương Nam đã khiến một đứa trắng trẻo trở nên đen đi nhiều. Nhưng trong câu chuyện bữa đó, quan trọng hơn là việc cô em bảo, bố mẹ bảo chỉ cho em vào thử sức vài tháng cho biết, rồi sẽ vào “nhấc” em ra.
Khi tôi ngồi viết những dòng này, thì cô em cũng đã yên vị ngoài Hà Nội. Chú thím tôi nhất quyết chỉ cho vào đó làm thử, trải nghiệm cho thỏa lòng mong muốn, còn làm việc, nhất định phái ngoài Hà Nội, gần nhà bố mẹ còn trông coi được.
Chuyện vào hẳn miền Nam làm việc tôi đã thoáng có lần nghĩ tới. Nhưng đó chỉ là mỗi bận có ai đó gạ gẫm, rủ rê, chứ thực tình, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ Nam tiến, mà cụ thể là vào TP.HCM lập nghiệp. Chẳng hiểu sao, tôi rất yêu thành phố này, yêu cả những con người và phong cách làm việc, giao tiếp ở đó, nhưng bảo tôi vào sống và làm việc, tôi thực không dám.
Tôi vốn là kẻ ham vui, cũng thích giao thiệp bạn bè, nên luôn sợ rằng, nhỡ vào đó lập nghiệp, thì tôi sẽ ở miết mà chẳng chịu quay trở ra. Tôi đã nhìn thấy nhiều anh chị đi trước, có người vì nhìn thấy cơ hội, có người lại vì sự thúc bách của cuộc sống, rồi tìm vào TP.HCM làm ăn, rồi thành đạt, ở miết thành quen. Từ cái thổ âm quê gốc cũng phai dần, cách nói chuyện, cách sống y như người Nam. Và một điểm chung, chẳng ai trong số họ muốn quay trở lại.
Tôi biết, nói ra điều này, nhiều người Bắc sẽ tự ái, nhưng trong 10 người đã từng vào Nam làm việc, sinh sống, tôi hỏi thì có đến 9 người (đây là tôi còn nói giảm) nói thích cách sống, cách làm việc của người Nam. Cái này, nếu là dân Bắc, lại hay di chuyển, tôi tin ít nhiều (lại nói giảm) có sự đồng lòng.
Với đứa em tôi, khi vào TP.HCM, cô và bạn cũng tìm được một phòng trọ ở quận 3 để ở và làm việc. Sáng đi, có khi tối mới về, chỗ ở không quá quan trọng. Trong khi với cô em tôi nói lúc đầu thì tiêu chí chọn chỗ ở phải là căn hộ có phòng ngủ, phòng khách và bếp riêng, để có thể nấu ăn, gặp gỡ bạn bè. Cô bảo, em không thích căn hộ dịch vụ vì nó gộp “all in one”, từ phòng ngủ, phòng khách và bếp vào làm một, rất bất tiện khi muốn rủ bạn bè đến chơi.
Và đương nhiên, với yêu cầu như vậy, việc tìm phòng sẽ khó hơn ít nhiều, nhưng rõ ràng, ở phải ra ở vẫn là quan điểm của nhiều người.
Với cái ở, mỗi người, mỗi nết. Người thì xuề xòa, ở sao cũng được, nhất là giai đoạn thuê nhà. Nhóm người này thường không quá quan tâm đến chất lượng căn hộ, các trang thiết bị cũng chỉ ở mức thiết yếu, thậm chí chỉ cần có điện nước, mạng internet. Đồ đạc cũng không có gì nhiều ngoài cái máy tính, ít quần áo và cái bàn kiểu sinh viên. Trong khi đó, một nhóm khác lại có các yêu cầu cao hơn, trang thiết bị phục vụ cuộc sống cũng nhiều hơn.
Bữa trước, tôi có ngồi với mấy anh chuyên làm về chung cư mini cho thuê. Điểm chung mà các anh này chia sẻ, đó là xu hướng khách hàng yêu thích sự tiện lợi đang lên ngôi. Tức là, các căn hộ thuê phải có đủ các đồ dùng tối thiểu như giường tủ, bàn ghế, điều hòa, bình nước nóng… để khách thuê chỉ cần xách vali đến là có thể ở ngay.
Đời người, nói to tát ra thì là công danh sự nghiệp, cuộc sống gia đình, nhưng nếu nó về những điều thiết thực mà giản dị, có lẽ chẳng gì mật thiết bằng việc ăn, việc ở. Và dường như, giờ, nhu cầu, quan niệm về cái ở của người trẻ đang rất khác.