Người dân trồng rau tại vùng rau an toàn Vân Nội, Đông Anh, HN nói, nếu không phun thuốc thì không có rau mà bán và người tiêu dùng không có rau để ăn bởi sâu, dịch bệnh… Tuy nhiên, phun thuốc sâu xong bán thế nào không có ai kiểm tra, kiểm soát.
Ghi nhận của PV, mấy ngày qua tại vùng trồng rau an toàn ở xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội, người trồng rau ở đây dùng nước giếng khoan để tưới rau là khá sạch. Nhưng đi đến đâu cũng thấy rất nhiều chai lọ, bao bì thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng… nằm nhan nhản trên mặt bờ ruộng, dưới mương nước...
Bà Nguyễn Thị Bình (65 tuổi, ở thôn Trung Oai, xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội – người có kinh nghiệm hàng chục năm trồng rau) cho biết: “Rau không phun thuốc thì người trồng không có mà bán và người tiêu dùng không có rau mà ăn. Nhưng phun thuốc bán cho người tiêu dùng như thế nào cho an toàn mới là quan trọng. Người trồng rau có lương tâm họ phun 10-15 ngày thì thu hoạch và thuốc quy định phun 7-10 ngày thu hoạch bán cho người dân là an toàn”.
Tuy nhiên, theo bà Bình, nhiều khi lương tâm cũng không bằng lợi nhuận, thấy lợi nhuận cao, người trồng bất chấp tất cả tiến hành thu hoạch sớm bán cho người tiêu dùng.
"Các cơ quan chức năng có bao giờ về đây kiểm tra chất lượng rau an toàn đâu, nên người tiêu dùng chỉ biết ăn rau an toàn bằng lương tâm người trồng rau như chúng tôi thôi", bà Bình chia sẻ.
Ông Nguyễn Doãn Thúy - Trưởng đội 4, thôn Trung Oai, xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết: “Người trồng rau tất nhiên phải phun nhưng giờ chủ yếu là phun thuốc sinh học, mấy ngày sau là ăn được. Rau an toàn nguyên tắc là sau khi phun nửa tháng đến 20 ngày mới được thu hoạch nhưng phải là phun thuốc sinh học”.
Khi được hỏi ai quản lý thời gian từ khi phun đến khi thu hoạch, ông Thúy phân tích: “Đương nhiên là phải có cam kết, bảo lãnh chứ. Ví dụ tôi bán cho khách, họ yêu cầu phải có bảo lãnh, nếu rau của tôi có vấn đề thì mình phải đứng ra chịu”.
Ông Nguyễn Thành Phúc - Trưởng ban Quản Lý chợ Vân Trì, xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết: “Là người quản lý chợ nhưng nói thật bí lắm tôi mới phải mua rau của những người dân thường xuyên mang rau ra đây bán. Tôi chỉ mua rau của người dân thỉnh thoảng mới có rau mang ra bán thôi, họ trồng cho gia đình ăn không hết mang ra đây bán thì tôi mua”.
Lý do ông Phúc chọn người để mua rau an toàn “vì nhiều khi thấy họ trồng rau nhanh quá không biết thế nào. Cứ 3-4 tuần là đem đi bán, không biết kỹ thuật trồng kiểu gì mà nhanh thế. Còn ở chợ này hiện tại mỗi năm chỉ lấy mẫu 1- 2 lần. Khi lực lượng chức năng về kiểm tra, lấy mẫu thử thì có mẫu rau đạt nhưng có mẫu không đạt”, ông Phúc nói.
Một số hình ảnh tại vùng rau an toàn Vân Nội:
Các loại bao bì thuốc trừ sâu, thuốc tăng thưởng cho rau... sử dụng xong vứt nhan nhản trên bờ ruộng. |
Đa số người dân trồng rau an toàn ở xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội dùng nước giếng khoan để tưới rau. |
Một bên ruộng đang thu hoạch xu hào... |
... trong khi ruộng bên cạnh vẫn đang phun thuốc. |
Người dân khẳng định không phun thuốc sâu thì không có rau mà bán, còn việc có cách ly đủ thời gian quy định hay không là tùy mình, không có ai kiểm tra kiểm soát việc này. |
Bờ ruộng nào cũng phải phun thuốc diệt cỏ |
Nhiều loại thuốc trên bao bì ghi chữ Trung Quốc. |
Ao nước đen ngòm ở khu vực trồng rau thôn Trung Oai. |
Rau bán tại chợ Vân Trì trông rất bắt mắt. |
Bằng mắt thường, người tiêu dùng khó phát hiện ra rau nào an toàn, rau nào không an toàn! |