Sợ nhưng vẫn phải ăn
Đầu tháng 10 vừa qua, trong quá trình kiểm tra các hộ chuyên kinh doanh thực phẩm đông lạnh nhập khẩu tại chợ Phùng Khoang, quận Nam Từ Liêm, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - CATP Hà Nội và Thanh tra Sở NN&PTNT đã phát hiện 3 hộ kinh doanh tim lợn nhập khẩu nhưng không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Điều đáng nói là số tim lợn đang được bày bán công khai này đã ở trong tình trạng có màu đen, mốc xanh và có dấu hiệu cấp đông lại, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Được biết, các hộ kinh doanh đã mua loại tim lợn đông lạnh 25.000 đồng/kg, rồi bán lại với giá từ 35.000-50.000 đồng/kg cho người tiêu dùng. Trong khi đó, giá tim lợn tươi bán trên thị trường là từ
200.000-250.000 đồng/kg.
Vụ việc trên chỉ là một trong hàng chục vụ vận chuyển, kinh doanh nội tạng động vật bẩn bị phát hiện trong thời gian gần đây. Cách đây không lâu, khi làm nhiệm vụ trên Quốc lộ 1A, kiểm tra một xe ô tô khách có biểu hiện vi phạm an toàn giao thông, CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện trên xe có 13 thùng xốp, bên trong chứa 900kg nội tạng động vật không rõ nguồn gốc đang trong quá trình phân hủy, do một chủ hàng gửi từ tỉnh Quảng Nam ra Hà Nội tiêu thụ. Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục QLTT tỉnh Ninh Bình) cũng phối hợp với Công an tỉnh Ninh Bình bắt giữ một chiếc xe giường nằm lưu thông hướng Đà Nẵng - Hà Nội chở trên 500kg nội tạng động vật đã bốc mùi hôi thối.
Những vụ việc trên khiến không ít người tiêu dùng lo lắng. Bà Nguyễn Thị Hòa ở phố Kim Mã Thượng, quận Ba Đình chia sẻ, trước đây bà hay mua tim, cật, lòng lợn… tại chợ gần nhà về sử dụng. Tuy vậy, từ hôm nghe tin cơ quan chức năng bắt gần 1 tạ tim lợn mốc, thối, bà Hòa “chuyển hướng” chỉ đặt mua của người quen. “Vẫn biết ăn nội tạng động vật nhiều không tốt cho sức khỏe, nhưng do đây là món khoái khẩu của cả nhà nên thỉnh thoảng tôi vẫn mua về chế biến. Dù đã đặt mua của người quen nhưng thú thực chất lượng cũng chẳng biết thế nào. Thôi thì, tin nhau là chính” - bà Hòa thở dài.
Ham rẻ sẽ vớ phải của ôi
Dạo một vòng qua các chợ Linh Lang, Mỹ Đình, Đại Từ và một số chợ khác ở khu vực ngoại thành…, chúng tôi thấy nội tạng động vật như lòng, gan, tim, cật… vẫn được bày bán khá nhiều. Số nội tạng này thường được bán chung với thịt động vật và được bày trên bàn với số lượng hạn chế. Khi khách hàng tỏ ý băn khoăn về chất lượng, tất cả những người bán hàng đều khẳng định như đinh đóng cột “hàng mới 100%, mỗi con chỉ có 1 bộ nội tạng chưa bán đã hết thì lấy đâu ra hàng đông lạnh”. Tuy vậy, khi khách hỏi mua với số lượng lớn, hầu hết chủ hàng đều có thể đáp ứng chỉ sau vài phút?! Bên cạnh đó, giá nội tạng động vật tại các chợ cũng không thống nhất, thường chênh lệch từ 30.000-50.000 đồng/kg.
Về dấu hiệu phân biệt thực phẩm tươi ngon với ôi thiu, theo anh Đào Mạnh Hà - chủ một doanh nghiệp chuyên cung cấp thực phẩm sạch ở quận Tây Hồ, điểm khác biệt cơ bản chính là giá cả. Giá thực phẩm ôi, thiu, đông lạnh thường thấp hơn khá nhiều so với thực phẩm thông thường, nên người tiêu dùng không nên ham rẻ mà với phải của ôi. Một dấu hiệu nữa là nội tạng, thực phẩm để đông lạnh trong thời gian dài thường bốc mùi rất khó chịu, nếu đã xử lý qua hóa chất có thể có mùi hăng của hóa chất. Bên cạnh đó, thực phẩm đông lạnh khi cắt ra thường nhão, màu nhợt nhạt, ấn tay vào gần như không có độ đàn hồi, thường chảy nước, có nhớt, màu sắc các mạch máu bị mờ...
Theo bác sỹ Nguyễn Thu Hà - Bệnh viện Bạch Mai, nội tạng động vật như tim, gan, lòng… bị thối, mốc là do các vi sinh vật hoạt động, gây ra độc tố. Người tiêu dùng ăn phải loại thực phẩm này có thể bị ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa, gan, thận, thậm chí cả sức khỏe sinh sản, về lâu dài có thể gây ung thư. Thực tế đã có một số trường hợp ngộ độc, tử vong do ăn phải thực phẩm nhiễm khuẩn. Do vậy, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và người thân, người tiêu dùng không nên mua, sử dụng nội tạng động vật nói riêng và thực phẩm nói chung không có nguồn gốc rõ ràng.
Phát hiện 2 thùng tim gà thối tại chợ Trung Văn
Chiều 6-10, tổ công tác CAP Trung Văn và Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, CAQ Nam Từ Liêm phát hiện một xe tải đang giao hàng cho các ki-ốt trong chợ Trung Văn, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm.
Nhận thấy số lượng hàng lớn, chở hàng thực phẩm đông lạnh nhưng không dùng xe tải chuyên dụng, tổ công tác nghi vấn có hàng không đảm bảo vệ sinh ATTP nên đã kiểm tra hành chính. Tại thời điểm kiểm tra, trên thùng xe ô tô có 46 thùng carton đựng hơn 500kg các sản phẩm đông lạnh nhập khẩu giá trị khoảng 30 triệu đồng.
Lái xe kiêm chủ hàng là anh Lê Văn Toàn (SN 1987) trú tại tổ dân phố Sơn Cầu Nam, thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc xuất trình được phiếu xuất kho và giấy tờ kiểm dịch của 44 thùng hàng được anh mua tại Công ty cổ phần thực phẩm An Việt ở huyện Mê Linh, nhưng không có giấy chứng nhận kiểm dịch trong vận chuyển liên huyện.
Theo quy định của cơ quan chức năng, hàng hóa là thực phẩm sau khi thông quan được kiểm dịch, chia nhỏ giao cho đại lý phải kiểm dịch lại lần nữa. Điều đáng nói, trong 2 thùng hàng còn lại chứa toàn tim gà đông lạnh có trọng lượng 36,28kg đã quá hạn sử dụng, bốc mùi hôi thối.
CAQ Nam Từ Liêm đã lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt 6,4 triệu đồng đối với Lê Văn Toàn về các lỗi không kiểm dịch liên huyện; phương tiện vận chuyển không đảm bảo; kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng đồng thời yêu cầu kiểm dịch lại đối với 44 thùng hàng đông lạnh, tịch thu, tiêu hủy 2 thùng tim gà theo đúng quy định.
Chiều 6-10, tổ công tác CAP Trung Văn và Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, CAQ Nam Từ Liêm phát hiện một xe tải đang giao hàng cho các ki-ốt trong chợ Trung Văn, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm.
Nhận thấy số lượng hàng lớn, chở hàng thực phẩm đông lạnh nhưng không dùng xe tải chuyên dụng, tổ công tác nghi vấn có hàng không đảm bảo vệ sinh ATTP nên đã kiểm tra hành chính. Tại thời điểm kiểm tra, trên thùng xe ô tô có 46 thùng carton đựng hơn 500kg các sản phẩm đông lạnh nhập khẩu giá trị khoảng 30 triệu đồng.
Lái xe kiêm chủ hàng là anh Lê Văn Toàn (SN 1987) trú tại tổ dân phố Sơn Cầu Nam, thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc xuất trình được phiếu xuất kho và giấy tờ kiểm dịch của 44 thùng hàng được anh mua tại Công ty cổ phần thực phẩm An Việt ở huyện Mê Linh, nhưng không có giấy chứng nhận kiểm dịch trong vận chuyển liên huyện.
Theo quy định của cơ quan chức năng, hàng hóa là thực phẩm sau khi thông quan được kiểm dịch, chia nhỏ giao cho đại lý phải kiểm dịch lại lần nữa. Điều đáng nói, trong 2 thùng hàng còn lại chứa toàn tim gà đông lạnh có trọng lượng 36,28kg đã quá hạn sử dụng, bốc mùi hôi thối.
CAQ Nam Từ Liêm đã lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt 6,4 triệu đồng đối với Lê Văn Toàn về các lỗi không kiểm dịch liên huyện; phương tiện vận chuyển không đảm bảo; kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng đồng thời yêu cầu kiểm dịch lại đối với 44 thùng hàng đông lạnh, tịch thu, tiêu hủy 2 thùng tim gà theo đúng quy định.