Chọn kênh chợ đen vì giá rẻ
Gần một tháng sau khi YouTube mở kênh đăng ký chính thức dịch vụ trả phí cho người dùng Việt Nam, việc mua bán tài khoản YouTube Premium giá rẻ vẫn tràn lan. Chỉ cần vài clik vào các diễn đàn hoặc tìm kiếm trên Facebook, không khó để tìm mua tài khoản YouTube Premium giá rẻ. Theo đó, tài khoản YouTube Premium được rao bán với giá 25.000 - 35.000 đồng cho chu kỳ 6 tháng, hoặc 50.000 - 70.000 đồng/năm.
Nguyên nhân khiến YouTube Premium “lậu” vẫn được ưa chuộng ở thị trường chợ đen Việt Nam vẫn là giá rẻ. Giá YouTube Premium khi Youtube bắt đầu cung cấp dịch vụ rẻ nhất thế giới là Ấn Độ (1,56 USD/tháng), tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ (1,61 USD/tháng)... Những người kinh doanh YouTube Premium chợ đen đăng ký tài khoản ở thị trường này với gói dùng chung, sau đó bán lại cho người dùng Việt Nam hưởng chênh lệch.
Ví dụ, những người kinh doanh đang mua gói Premium gia đình từ Thổ Nhĩ Kỳ. Giá quy đổi của gói YouTube Premium Thổ Nhĩ Kỳ là khoảng 73.000 đồng/6 tài khoản/tháng, tương đương 12.220 đồng/tài khoản/tháng. Tuy nhiên, chỉ có 5 tài khoản được đem bán vì cần một tài khoản để quản lý, nên số tiền sẽ chia 5 sẽ là 14.600 đồng/tài khoản. Để có mức giá tốt, người bán phải tìm đủ 5 người để chia tài khoản và phải sắp xếp thời gian gói hợp lý.
Trước đó, ngày 12/4, Google bất ngờ ra mắt dịch vụ này tại Việt Nam mà không hề báo trước với mức giá từ 79.000 đồng/tháng cho gói cá nhân. Người dùng có thể đăng ký gói gia đình Premium Family Plan với giá 149.000 đồng/tháng. Ngoài ra, sinh viên có thể đăng ký gói Premium Student Plan có giá 49.000 đồng/tháng đối với bản web hoặc các thiết bị Android. Với YouTube Music Premium, dịch vụ cung cấp nhạc không quảng cáo, phát trong nền và tải xuống trên YouTube Music sẽ có giá từ 65.000 đồng/tháng. Gói Music Premium Family Plan dành cho gia đình có giá 99.000 đồng/tháng và gói Music Premium dành cho sinh viên từ 35.000 đồng/tháng.
Với YouTube Premium, người dùng sẽ không bị quảng cáo gián đoạn lúc xem, có thể phát nội dung trong nền nhằm thực hiện đa tác vụ thuận tiện hơn, có thể nghe bài giảng hoặc video giáo dục trong khi làm các hoạt động khác…
Còn với YouTube Music, đây là ứng dụng dành riêng cho việc trải nghiệm âm nhạc, nơi tập hợp các tác phẩm âm nhạc, album, danh sách phát, buổi biểu diễn trực tiếp, bản cover của MV. Với dịch vụ này, người dùng có thể nghe những bản hit mới nhất, tìm kiếm các bài hát yêu thích, hoặc nghe các bản nhạc mới… YouTube Music miễn phí đầy đủ các tính năng trên, tuy nhiên, để không phải khó chịu vì quảng cáo, thì phải đăng ký phiên bản có phí YouTube Music Premium.
Việt Nam là thị trường màu mỡ
Việt Nam hiện đang là thị trường béo bở cho Google. Theo tài nguyên quảng cáo của Google vào đầu năm 2023, YouTube có 63 triệu người dùng tại Việt Nam. Phạm vi tiếp cận quảng cáo của YouTube tại Việt Nam vào đầu năm 2023 tương đương với 63,9% dân số. Để dễ hình dung, quảng cáo trên YouTube đã đạt 80,8% tổng số người dùng Internet của Việt Nam vào tháng 1/2023.
Hiện chưa có số liệu về doanh thu, lợi nhuận của Google tại thị trường Việt Nam vì Google vẫn chưa đặt pháp nhân tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo Kantar Media Việt Nam, doanh thu quảng cáo trên các nền tảng Facebook, Youtube và Tiktok trong năm 2022 là 2,5 tỷ USD. Năm 2023, dự kiến con số này là khoảng 3,4 tỷ USD.
Với việc cung cấp dịch vụ YouTube Premium tại thị trường Việt Nam, Google đã không giấu diếm ý định tăng thu ở thị trường này. Ông Paul Smith, Giám đốc vùng châu Á - Thái Bình Dương Youtube Music cho hay: “Trước đây, chúng tôi chỉ có quảng cáo và YouTube thúc đẩy doanh thu từ loại hình ấy. Nhưng giờ đây dựa trên các lượt đăng ký Premium, Việt Nam sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hành trình tăng trưởng của YouTube. Mặt khác, chúng tôi vẫn đề cao mặt nội dung, bất kể nội dung được hỗ trợ bởi quảng cáo hay từ YouTube Premium, tất cả đều phải tuân theo nguyên tắc cộng đồng của YouTube. Đó là cách chúng tôi có thể đảm bảo rằng, mình có bảo vệ và duy trì hệ sinh thái YouTube an toàn, lành mạnh trong tương lai”.
Việc Google cung cấp dịch vụ YouTube Premium đã gặp phải phản ứng của doanh nghiệp quảng cáo. Ông Lucas Phạm, Giám đốc điều hành Mango Digital đánh giá, YouTube sau khi kiếm được lượng lớn doanh thu từ nhà quảng cáo, lại muốn thu thêm từ phía người dùng. Việc YouTube Premium ra mắt với chi phí rất rẻ dự báo sẽ gián tiếp làm giảm độ phủ của quảng cáo và gia tăng chi phí đầu tư cho quảng cáo của các nhãn hàng tại Việt Nam.
“Chỉ cần khoảng 40% lượng khách hàng tiềm năng mua tài khoản YouTube Premium, thì việc tiếp cận với 60% khách hàng còn lại sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều vì chi phí quảng cáo tăng, đặc biệt nếu có nhiều nhãn hàng cùng muốn tiếp cận nhóm này”, ông Lucas Phạm cho biết.
Không chỉ các nhà quảng cáo phản ứng, người dùng ở nhiều quốc gia khác như Mỹ, Canada cũng phản đối việc Google thu phí xem video 4K và tăng phí hàng tháng gói YouTube Premium lên 25% từ tháng 10/2022. Theo đó, sau một thời gian thử nghiệm thu phí giá rẻ, Youtube đã có mức điều chỉnh tăng giá của gói Premium ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Điển hình ở Mỹ, Youtube tăng giá từ 17,99 USD/tháng lên 22,99 USD/tháng cho gói gia đình 6 tài khoản, ở Canada tăng từ 17,99 CAD/tháng lên 22,99 CAD/tháng, Vương quốc Anh từ 17,99 Bảng Anh/tháng lên 19,99 Bảng Anh/tháng… Đặc biệt, ở Argentina, Youtube còn tăng mức giá cao hơn 6 lần, gói cá nhân từ 199 ARS/tháng lên 389 ARS/tháng - gói gia đình từ 179 ARS/tháng lên 699 ARS/tháng.
Việc tăng giá khiến khách hàng của Youtube ở nhiều quốc gia phản đối mạnh mẽ. Họ cho rằng, Youtube không chỉ đẻ thêm dịch vụ để tận thu, mà còn tăng giá dịch vụ, gây ảnh hưởng đến khách hàng.
Liệu Google có áp dụng chiến lược cho thử nghiệm giá rẻ rồi tăng giá tại Việt Nam như đã từng làm hay không?
Trên thế giới đã có hơn 51 triệu kênh YouTube được tạo mới trong năm 2022, tương đương mức tăng trưởng 36%. Trong đó, 306.000 kênh YouTube đạt hơn 100.000 người đăng ký, 29.000 kênh có hơn 1 triệu người đăng ký và 700 kênh có hơn 10 triệu người đăng ký. Số lượng tài khoản khổng lồ này đem về cho YouTube hơn 1 tỷ giờ nội dung video được xem mỗi ngày.