Theo thống kê, đến nay Hà Nội đã được phân bổ hơn 4 triệu liều vắc-xin trên tổng số 11.375.541 liều dự kiến.
Nguồn cung khan hiếm, liệu Hà Nội có tiêm được cho 100% dân số trước ngày 15/9? |
Tính đến nay, tổng cộng thành phố đã triển khai tiêm được 2.405.585 mũi (gồm 2.157.559 mũi 1; 248.026 mũi 2), tương đương với 35% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm chủng.
Phó Giám đốc CDC Hà Nội Lã Thị Lan cho biết, dù đã đề ra kế hoạch và mục tiêu rõ ràng, tốc độ tiêm chủng tại Hà Nội vẫn bị ảnh hưởng nhiều bởi nguồn vắc-xin phòng Covid-19 được phân bổ còn hạn chế.
Theo tính toán của ngành Y tế Hà Nội, nếu tới đây Bộ Y tế phân bổ thêm cho Thành phố hơn 1,5 triệu liều vắc-xin theo cam kết thì vẫn chưa đủ để phủ mũi một cho người dân 10 quận, huyện thuộc “vùng đỏ” hiện nay.
Để phủ xong mũi một tại các quận, huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai, Hà Nội vẫn cần thêm 800.000 liều vắc-xin. Còn nếu tiêm đủ mũi một cho toàn Thành phố, Hà Nội cần thêm 2,5 triệu liều chờ Bộ Y tế phân bổ.
Trong bối cảnh nguồn cung vắc-xin còn khan hiếm theo Phó chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn, Hà Nội cần xác định lại đối tượng ưu tiên để phát huy hiệu quả cao nhất lượng vắc-xin được phân bổ.
"Lực lượng chống dịch phải ưu tiên số một, nhưng sau đó, là tiêm cho người già, người có bệnh nền để hạn chế ca bệnh nặng, bệnh nhân tử vong khi F0 tăng", ông Hùng nói.
Đồng quan điểm, theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cần thiết phải ưu tiên tiêm vắc-xin cho người cao tuổi để hạn chế thấp nhất tử vong.
Chuyên gia cho hay, vừa qua, chính sách tiêm chủng của Bộ Y tế chưa hợp lý, sau đó đã điều chỉnh lại, vì vậy các địa phương cần chủ động hơn nữa trong việc sàng lọc đối tượng tiêm và dành ưu tiên cho người cao tuổi và người mắc bệnh nền sau nhóm ưu tiên cao nhất là nhân viên y tế chống dịch.
Hà Nội thực hiện áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 bắt đầu từ ngày 24/7, đến nay đã được 6 tuần. Đây là đợt dịch kéo dài và căng thẳng nhất từ trước đến nay ở Thủ đô.
Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu tháng 9, số ca mắc Covid-19 phát hiện mới trên địa bàn tiếp tục ở mức cao, duy trì 50-70 ca/ngày. Số lượng F0 chủ yếu ở khu cách ly tập trung, khu vực đã được phong tỏa. Tuy nhiên, ca dương tính ngoài cộng đồng vẫn xuất hiện thông qua sàng lọc.
Từ thực tế nêu trên cho thấy dịch ở Hà Nội được kiểm soát nhưng chưa giảm và đang ở ngưỡng không an toàn để nới lỏng các biện pháp phòng dịch.
Với việc Hà Nội khó có thể đưa số ca dương tính về 0 trong thời gian sắp tới, theo các chuyên gia Hà Nội cần khẩn trương tìm phương án giảm tải cho hệ thống y tế, bố trí thêm vật tư, thuốc men, nhân lực bởi đây là cuộc chiến rất dài hơi.
Trước việc số ca mắc vẫn còn cao, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, Thành phố cần chuyển trọng tâm, tiếp cận khác so với những đợt dịch trước khi mức độ lây lan gần như không giảm sau 6 tuần giãn cách xã hội.
"Một tuần có 200-300 ca mắc mới, kéo dài liên tục hơn một tháng qua, khả năng quá tải hệ thống y tế hoàn toàn có thể xảy ra. Thành phố đã thực hiện tốt mô hình 3 tầng điều trị, song cần tính đến những trường hợp xấu và rất xấu", PGS.TS Nguyễn Việt Hùng nói.
Nhận định các bệnh viện của Trung ương, Thành phố, bệnh viện tư trên địa bàn đều đang căng sức chia nhân lực điều trị bệnh nhân Covid-19, ông Hùng dự báo nếu diễn biến dịch không cải thiện, thể lực của đội ngũ chủ lực này sẽ bị bào mòn.
Chuyên gia đề nghị Hà Nội nghiên cứu kỹ, sẵn sàng cho phương án điều trị F0 tại nhà, tránh trường hợp khi dịch bùng phát mới bắt đầu chuẩn bị sẽ lúng túng.
Bên cạnh đó, ngành Y tế cần khẩn trương đào tạo, tập huấn cho đội ngũ y tế cấp huyện, xã phác đồ điều trị bệnh nhân nhẹ để áp dụng ngay nếu điều kiện cấp bách.
Đối với công tác xét nghiệm, nói về kế hoạch xét nghiệm 10% cho người dân Thành phố mà Hà Nội đặt ra theo ông Hùng, vừa qua Hà Nội đã có nhiều lần xét nghiệm diện rộng, nhưng chưa đạt hiệu quả cao. Một số chùm ca bệnh phức tạp chưa thể được phát hiện kịp thời.
“Vì vậy thay vì xét nghiệm diện rộng, chuyển sang sàng lọc nhiều lần khu vực có nguy cơ cao. Đặc biệt, tránh xét nghiệm tràn lan gây lãng phí”, chuyên gia nêu ý kiến.
Vị chuyên gia cũng cho rằng khi Thành phố đã giãn cách xã hội kéo dài mà diễn biến dịch chưa thực sự cải thiện, cần tính đến việc chung sống với dịch bằng cách nới lỏng giãn cách ở các vùng xanh.
"Giãn cách có thể giúp cho chúng ta an toàn được 1, 2 tháng nhưng hoàn toàn không phải biện pháp tối ưu để áp dụng mãi. Nếu F0 tiếp tục phát sinh, Thành phố có thể giãn cách đến khi nào?", chuyên gia lo ngại.