Công ty cổ phần Sản xuất thương mại May Sài Gòn (Garmex Sài Gòn) cho biết, trước đây, những đơn đặt hàng nhập khẩu các mặt hàng nguyên, phụ liệu như chỉ may, dây kéo… từ nước ngoài về chỉ mất khoảng 7 ngày, nhưng thời gian qua, Công ty phải chờ đến hơn 30 ngày.
| ||
Một số doanh nghiệp xuất khẩu lớn trong ngành dệt may đang gặp phải nhiều trở ngại trong việc nhập khẩu nguyên phụ liệu |
Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Garmex Sài Gòn cho biết, việc chậm trễ trong nhập khẩu nguyên, phụ liệu đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện những đơn hàng xuất khẩu ký kết trước đó của Công ty.
“Lý do của những khó khăn trong quy trình nhập khẩu nguyên, phụ liệu là do thị trường nhập khẩu dệt may phục hồi, nên xuất hiện tình trạng tranh mua nguyên liệu từ các quốc gia chuyên gia công hàng may mặc xuất khẩu, trong đó có Việt Nam”, ông Hùng lý giải.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, bà Nguyễn Thị Hồng Tín, Trưởng ban truyền thông thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng xác nhận, việc tìm kiếm và nhập khẩu nguyên phụ liệu ngành may đang gặp nhiều khó khăn do có sự tranh mua nguyên liệu từ các nước chuyên gia công hàng may mặc xuất khẩu.
Thêm vào đó, các nhà cung cấp cũng lợi dụng tình trạng khan hiếm nguồn nguyên, phụ liệu để cố tình trì hoãn việc giao hàng, nhằm đẩy giá tăng lên từ 10 đến 15%. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện những đơn hàng xuất khẩu đã ký kết trước đó của các DN trong nước.
Kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may liên tục tăng, dẫn đầu trong số những ngành xuất khẩu lớn, cùng với dầu thô, da giày, thủy sản. Song, ngành dệt may hiện phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu.
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, hạn chế về cung ứng nguyên liệu tại thị trường trong nước thực sự là khó khăn lớn của ngành dệt may, nhất là khi thời điểm Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết đã gần kề. Bởi, khi tham gia TPP, để được hưởng ưu đãi về thuế, các DN phải đảm bảo nguyên tắc xuất xứ từ khâu sợi, vải trở đi, mà ngành dệt may Việt Nam lại đang yếu nhất khâu này.
Điều này cũng được ông Phạm Phú Cường, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May Nhà Bè (NBC) thừa nhận. “Để có thể tận dụng được hiệu quả về mức thuế thấp nhất của TPP, NBC vẫn không phải là DN có đầy đủ các khâu sản xuất, nếu tính từ sợi, dệt, nhuộm cho đến khi ra vải hoàn chỉnh. Bởi theo quy định của TPP, nếu muốn được hưởng thuế suất 0%, thay cho mức bình quân 17,3% như hiện nay, các DN dệt may trong nước phải sử dụng nguyên liệu do chính mình sản xuất ra hoặc sử dụng nguyên liệu từ các nước là thành viên của TPP”, ông Cường nói.
Hiện ngành dệt may Việt Nam lại nhập khẩu nhiều nguyên, phụ liệu từ các thị trường ngoài TPP, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Đài Loan…
Một khi đầu tư cho khâu nguyên, phụ liệu còn yếu, nguồn cung hạn chế, thì DN dệt may trong nước sẽ còn đương đầu với vô vàn khó khăn xung quanh câu chuyện nhập khẩu các mặt hàng này.
Dù đã có nhiều nỗ lực trong việc gia tăng đầu tư, kêu gọi các nguồn lực trong và ngoài nước bỏ vốn vào các dự án sản xuất nguyên, phụ liệu, nhưng nguồn cung trong nước vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu.
Hải Yến