Thưa ông, ông đánh giá thế nào về khả năng hợp tác giáo dục của Việt Nam và New Zealand trong thời gian qua?
Tôi nhận thấy hợp tác về giáo dục giữa hai nước chúng ta đang được xây dựng rất tốt đẹp và lâu bền. Điều này thể hiện qua con số du học sinh Việt Nam sang học tại New Zealand ngày càng tăng cao. Ngược lại, chúng tôi cũng khuyến khích học sinh nước mình sang du học châu Á và Việt Nam qua các chương trình học bổng của chính phủ. Bên cạnh đó, chúng ta còn có các chương trình hợp tác giáo dục giữa các trường của hai nước, cấp bằng liên thông, trao đổi giảng viên…
New Zealand đang tiếp nhận sinh viên quốc tế đến từ khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả 2.200 sinh viên Việt Nam. Đặc biệt trong 09 tháng đầu năm 2017, số lượng học sinh sinh viên Việt Nam đến New Zealand đã tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Grant Mcpherson, Tổng giám đốc điều hành Tổ chức Giáo dục New Zealand (ENZ) |
Công nghiệp 4.0 sẽ mang lại nhiều thay đổi đầy hứng khởi nhưng cũng sẽ tạo ra nhiều thách thức cho tất cả chúng ta. Công nghiệp 4.0 sẽ thay đổi ngành giáo dục ra sao trong những năm tới, thưa ông?
Cách mạng Công nghiệp 4.0 chắc chắn đã có tác động đến tất cả các hệ thống giáo dục. Riêng đối với New Zealand, chúng tôi chấp nhận và đã chuẩn bị từ lâu cho những chuyển biến này, đồng thời cũng đạt được những thành công đáng kể khi đối mặt với các thách thức của nó. Điều tiên quyết của nền giáo dục là cần đảm bảo cho sinh viên được trang bị một cách đầy đủ và tốt nhất cho các ngành nghề tương lai, đồng thời trang bị những kỹ năng mềm cho họ để có thể thích ứng và học hỏi những vấn đề mới một cách nhanh chóng. New Zealand tự hào dẫn đầu thế giới về khả năng đào tạo những sinh viên tốt nghiệp có thể liên tục dự đoán và thích nghi với yêu cầu không ngừng thay đổi của nền kinh tế toàn cầu. Bằng chứng là hệ thống giáo dục của New Zealand được xếp hạng nhất trên thế giới trong việc trang bị cho học sinh, sinh viên (HSSV) những kỹ năng thành công trong tương lai, theo Chỉ số Giáo dục chuẩn bị cho Tương lai (Educating for Future Index) của Economist Intelligence Unit.
New Zealand đã trang bị cho thế hệ trẻ những gì trước thách thức của công nghiệp 4.0?
Hơn bao giờ hết, những thay đổi về mặt công nghệ đem đến những thách thức chưa từng có, buộc thế hệ trẻ phải thích nghi để có thể vươn tới thành công, không những hôm nay mà còn trong thế giới ngày mai.
Năng lực giờ đây không chỉ được đánh giá qua kiến thức về các môn học truyền thống. Khi thế giới ngày càng số hóa, thế hệ học sinh, sinh viên ngày nay cần phải làm chủ kỹ năng giải quyết vấn đề, cần phải có tư duy phản biện và kỹ năng thích nghi linh hoạt.
Cách tiếp cận "Think New - Tư duy mới" của giáo dục New Zealand đặt trọng tâm vào khả năng học hỏi của học sinh và phương pháp dạy và học theo dự án, cung cấp cho người trẻ lựa chọn học tập linh hoạt, và được xây dựng trên hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục đẳng cấp thế giới. Nền tảng trên cùng với các khoản đầu tư công vào giáo dục với mục tiêu rõ ràng đã tạo điều kiện phát triển mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Học sinh, sinh viên (HSSV) sau khi tốt nghiệp vừa có bằng cấp giá trị quốc tế vừa được trang bị các kỹ năng thực tiễn trong ngành.
Ngoài ra, đầu tư của chính phủ vào hạ tầng kỹ thuật số đã đảm bảo rằng các thế hệ tiếp theo của sinh viên tốt nghiệp ở New Zealand không chỉ sẽ là những người am hiểu về
kỹ thuật số, mà sẽ còn trở thành những chuyên gia công nghệ. Với những nỗ lực tập trung như vậy, một số trường đại học ở New Zealand đã được lọt vào Bảng xếp hạng QS Graduate Employability Rankings năm 2017. Danh sách này xếp hạng 300 trường đại học hàng đầu thế giới dựa trên 5 tiêu chí nhằm đánh giá tình trạng việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Để sinh viên thành công trong thế giới ngày càng “phẳng”, các hệ thống giáo dục cũng cần phải cởi mở hơn để sẵn sàng tiếp nhận những ý tưởng mới từ toàn cầu. Hệ thống giáo dục của New Zealand đã làm rất tốt ở mặt này, đưa New Zealand trở thành điểm đến giáo dục quốc tế uy tín và được xếp hạng là quốc gia nói tiếng Anh yên bình nhất thế giới (theo Chỉ số Hòa bình Toàn cầu) trong 8 năm liên tiếp.
Được biết, Chính phủ New Zealand đã xây dựng một kế hoạch chiến lược khoa học - xã hội dưới tên gọi "Quốc gia của những bộ óc tò mò". Ông có thể chia sẻ thêm về chiến lược này?
Về cơ bản, vào năm 2014, Chính phủ New Zealand đã đưa ra một chiến lược có tên "Quốc gia của những bộ óc tò mò". Chiến lược này được thiết kế để khuyến khích tất cả người dân quan tâm và đóng góp nhiều hơn về khoa học và công nghệ trên tất cả các lĩnh vực của xã hội New Zealand, với mục tiêu trong 10 năm kế tiếp sẽ đưa New Zealand trở thành một siêu cường về công nghệ.
Kết quả chúng tôi hướng đến là:
- Có nhiều hơn HSSV chọn học tập trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, nhiều người trẻ lựa chọn con đường sự nghiệp liên quan đến lĩnh vực STEM - khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.
- Công chúng tham gia đóng góp nhiều hơn về khoa học công nghệ, và ngược lại, khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi vào xã hội.
- Xây dựng lực lượng lao động có tay nghề cao hơn, đáp ứng tốt hơn những yêu cầu của khoa học và công nghệ hiện đại.
Chúng tôi hiểu được sâu sắc về những ảnh hưởng của công nghệ tới cuộc sống. Do đó, chúng tôi khuyến khích HSSV đi sâu tìm hiểu và nắm bắt chặt công nghệ mới. Điều đó sẽ giúp khoa học – công nghệ được nhìn nhận một cách tích cực, đồng thời tạo điều kiện sáng tạo và đổi mới cho sự phát triển của đất nước.
Theo ông, giáo dục bền vững là gì? New Zealand có đang phát triển theo định hướng này?
Bền vững luôn là một vấn đề quan trọng đối với New Zealand, không những trong giáo dục, mà còn ở các khía cạnh môi trường, kinh tế, văn hoá hay chính trị, xã hội. Chúng ta cần phải học cách sống thông minh hơn để giảm tác động của con người tới môi trường vì thế hệ tương lai.
Tại New Zealand, khung chuẩn giáo dục quốc gia tập trung vào việc học tập trong thế kỷ 21, đảm bảo người trẻ được trang bị đầy đủ kỹ năng để đóng góp cho xã hội nơi mình sống nói riêng và thế giới nói chung. Một khía cạnh quan trọng trong đó là khuyến khích sinh viên quan tâm đến các vấn đề nổi bật trong tương lai như là tính bền vững. Điều này đòi hỏi phương pháp giảng dạy và học tập phải được thiết kế trên nền tảng sư phạm vững chắc, hiệu quả và trao quyền cho học sinh hành động vì một tương lai bền vững.
Đây là lý do tại sao một số lượng lớn học sinh Việt Nam đã chọn New Zealand là điểm đến du học ngay từ những năm trung học.
Kỹ thuật số sẽ được đưa vào chương trình học của New Zealand vào năm 2018. New Zealand đã chuẩn bị để thực hiện kế hoạch này như thế nào?
Chúng tôi đã chuẩn bị từ lâu và quá trình này đã được bắt đầu từ vài năm trước với các ứng dụng trong công nghệ số hóa. Chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với toàn bộ hệ thống trường học và các trung tâm đào tạo trên cả nước. Một con số rất cao là đến 98% các cơ sở đã được kết nối vào hệ thống trực tuyến. Hệ thống này phủ sóng đến tận từng giáo viên và từng sinh viên. Điều này cũng thay đổi cách sinh viên tiếp cận bài học, thay đổi phương thức giáo dục và giúp sinh viên trở nên yêu thích và thành thạo hơn về công nghệ.
Ông đánh giá thế nào về cơ hội tiếp cận của giáo dục New Zealand tại Việt Nam?
Đầu tiên, tôi mong muốn tăng cường sự hiểu biết của người Việt Nam đối với nền giáo dục tiên tiến của New Zealand. Hiện New Zealand có 8 trường đại học và tất cả các trường này đều nằm trong top 3% trường đại học tốt nhất thế giới. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn tìm các chương trình hợp tác giáo dục để hợp tác với các trường của Việt Nam.
Ngoài ra, chúng tôi cũng cần tìm hiểu về các điều kiện đầu tư, các mô hình phù hợp với học sinh Việt Nam, cũng như tìm đối tác phù hợp để cùng phát triển.
Tìm hiểu thông tin du học New Zealand tại website: www.studyinnewzealand.govt.nz/