Thời sự
Nguồn lực nào cho gói hỗ trợ trên 340.000 tỷ đồng?
Nguyễn Lê - 11/01/2022 15:15
Ngoài tăng bội chi, Quốc hội còn cho phép trong trường hợp cần thiết có thể được phát hành trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi triển khai.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo tiếp thu, giải trình trước khi Quốc hội biểu quyết.

Để có nguồn lực thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình, cho phép tăng bội chi ngân sách nhà nước trong 2 năm 2022 và 2023 bình quân 1-1,2% GDP/năm (tối đa 240 nghìn tỷ đồng), theo nghị quyết được Quốc hội thông qua.

Chiều 11/1, Nghị quyết Về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được 424/426 đại biểu nhấn nút tán thành, chỉ có hai vị không đồng ý. 

Với số bội chi như trên, nghị quyết yêu cầu cụ thể, năm 2022, tăng khoảng 1,1% GDP (tối đa 102,8 nghìn tỷ đồng) so với dự toán đã được Quốc hội quyết định; năm 2023, Chính phủ tổng hợp kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước chung cho cả phần tăng thêm của Chương trình và của năm 2023, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định.

Nhu cầu nguồn lực cần được tính toán cụ thể trên cơ sở tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có, các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương và khả năng giải ngân để xây dựng phương án huy động phù hợp từng thời điểm thông qua các công cụ.
Như, phát hành trái phiếu Chính phủ, bảo đảm nguyên tắc phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ và bảo đảm các cân đối lớn; phù hợp với khả năng trả nợ, giải ngân, khả năng hấp thụ của nền kinh tế, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí. Ưu tiên phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước bằng nội tệ, kỳ hạn phát hành bình quân có thể dưới 9 năm trong 2 năm 2022 và 2023. Trường hợp cần thiết phát hành bằng ngoại tệ, Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi triển khai;

Vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi nước ngoài theo hình thức hỗ trợ cân đối ngân sách;

Nghị quyết cho phép, trong trường hợp cần thiết, Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác phù hợp và hoàn trả khi có nguồn trong kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước hằng năm hoặc các nguồn khác theo quy định; cho phép phát hành trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Quốc hội cũng yêu cầu đẩy mạnh các biện pháp khác để khai thác các nguồn lực, thông qua sử dụng tối đa, hiệu quả các nguồn lực trong các kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; tiết kiệm, tiết giảm tối đa các khoản chi, điều chỉnh linh hoạt giữa các nhiệm vụ, khoản mục chi trong phạm vi thẩm quyền.

Quản lý chặt chẽ các nguồn thu, phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước; đẩy mạnh lộ trình cải cách thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; hiện đại hóa hệ thống thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, triển khai hóa đơn điện tử, tận dụng các dư địa tăng thu ngân sách nhà nước, nhất là dư địa tăng thu đối với các giao dịch số xuyên biên giới và các dịch vụ trên nền tảng số đang được cung cấp cho người tiêu dùng tại Việt Nam; triệt để thu hồi các khoản kinh phí chi thường xuyên chậm phân bổ, chậm triển khai.

Sử dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách, công cụ phù hợp để huy động thêm nguồn lực thực hiện Chương trình; xây dựng phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng để kịp thời áp dụng trong thời gian thực hiện Chương trình; đẩy nhanh việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, nguồn vốn từ tổ chức Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội; rà soát lại các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước, năng lực đầu tư của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước để có kế hoạch huy động, sử dụng phù hợp; nghiên cứu có giải pháp huy động nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương cho Ngân hàng Chính sách Xã hội; quan tâm lồng ghép hiệu quả và đẩy nhanh giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu hỗ trợ đầu tư y tế cơ sở tại các địa phương.

Nghị quyết cũng cho phép Thủ tướng Chính phủ và người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế thuộc Chương trình. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu.

Nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia thuộc Chương trình. Nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường, quản lý, giám sát việc khai thác, sử dụng mỏ khoáng sản; nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phân cấp, phân quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh của địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý và có văn bản đề xuất làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn (trừ Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025) trên cơ sở đã sử dụng tối đa năng lực của Bộ Giao thông vận tải.

Các cơ chế đặc thù nói trên chỉ được thực hiện trong  2 năm 2022 và 2023, theo quyết định của Quốc hội. 

Tin liên quan
Tin khác