Phát triển nguyên liệu từ rác thải
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới ưu tiên việc tái chế rác trong hoạt động sản xuất, đặc biệt là ngành sản xuất giấy.
Theo các chuyên gia, tái chế một tấn giấy tiết kiệm được 24 cây nguyên liệu, 40.000 lít nước, 4.000 kW giờ điện, 900 gam CO2..., giảm nạn phá rừng để lấy nguyên liệu, giảm đáng kể vấn đề ô nhiễm môi trường.
Công ty Giấy Lee&Man có hệ thống công nghệ hiện đại, sử dụng 90% nguyên liệu là giấy tái chế |
Tại Việt Nam, giấy phế liệu hiện mới đáp ứng khoảng 20% nhu cầu nguyên liệu cho ngành sản xuất giấy. Trong khi đó, việc phân loại phế liệu ở nước ta chưa được thực hiện chặt chẽ, hoạt động thu gom phế liệu còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa được tổ chức quy mô lớn như các nước tiên tiến.
Đơn cử, Công ty Giấy Lee&Man (tại tỉnh Hậu Giang) là một doanh nghiệp sản xuất giấy với chủ trương sử dụng 90% nguyên liệu là giấy tái chế, có năng lực tái chế tốt, hệ thống công nghệ hiện đại. Tuy vậy, lượng giấy tái chế trong nước không đủ cung ứng, buộc họ phải nhập khẩu.
Nguồn nguyên liệu cho ngành tái chế ở nước ta hiện đang bị bỏ ngỏ, do ngành công nghiệp hỗ trợ hoạt động tái chế chưa phát triển, đa số máy móc, thiết bị và hóa chất đều được tự chế hoặc nhập khẩu từ nước ngoài với chất lượng thấp, khó kiểm soát. Một khó khăn nữa đối với các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong ngành này là chưa có khung pháp lý phù hợp để hỗ trợ, đặc biệt là trong giám sát sản xuất, hiệu quả hoạt động và chất lượng sản phẩm.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp nên thay đổi cách nhìn về chất thải và tái chế chất thải. Tái chế cần được đặt ưu tiên và là một phần không thể tách rời trong chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp môi trường. Công nghệ tái chế chất thải cần được ưu tiên phát triển theo xu thế hướng đến việc xoay vòng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Mặt khác, cần khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp có năng lực tái chế tốt với kỹ thuật tiên tiến, hoạt động hiệu quả. Được biết, Nhà máy Lee&Man đã đầu tư hơn 650 triệu USD cho dây chuyền sản xuất giấy bao bì hiện đại nhất thế giới từ giấy tái chế với công suất 420.000 tấn/năm. Mức độ tự động hoá cao của nhà máy cho phép Lee&Man sử dụng ít năng lượng và tiêu thụ nước ở mức rất thấp đối với một đơn vị sản xuất giấy bao bì.
Điều đáng nói là, dù nguyên liệu đầu vào là giấy phế liệu, nhưng thành phẩm Lee&Man đưa ra thị trường lại là giấy bao bì cao cấp, đủ chất lượng xuất khẩu. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, khi lâu nay, Việt Nam chỉ mới xuất khẩu giấy tissue thành phẩm cho thị trường dễ tính và gia công cho một số thị trường khác.
Tiềm năng từ việc tái chế rác thải
Thống kê từ ISRI cho thấy, ngày càng nhiều quốc gia phát triển sử dụng rác thải như nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Những nước phát triển như Canada, Australia, Tây Ban Nha... đều là bạn hàng nhập khẩu phế liệu từ Mỹ. Thụy Điển có hệ thống nhà máy tái chế hoạt động rất hiệu quả, đã nhập khẩu hàng triệu tấn rác/năm, Canada trong năm 2016, thậm chí còn nhập nhiều phế liệu hơn cả Việt Nam.
Ngành tái chế phế liệu cũng đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia. Ví dụ, Mỹ thu khoảng 90 tỷ USD mỗi năm cho hoạt động này, con số ở Trung Quốc lên đến hàng tỷ USD.
Đặc biệt, ngành công nghiệp tái chế không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa trong việc bảo vệ môi trường, góp phần tiết kiệm tài nguyên, tạo ra năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, ngành tái chế phế liệu phát triển sẽ là nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất khác như: giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh…
Ở các nước phát triển, hiệp hội của những doanh nghiệp chuyên về thu gom và phân loại phế liệu hoạt động chuyên nghiệp, đặc biệt ở các quốc gia lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc... Riêng trong ngành giấy, không chỉ khuyến khích thu gom giấy và tái chế, chính phủ nhiều nước còn trả tiền cho những người thu gom những thứ tái chế được, để không mất thời gian và chi phí chôn lấp.
Tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng nguyên liệu phế thải cho ngành công nghiệp tái chế gia tăng từ 10-20%/năm, trong đó, ngành nhựa và ngành giấy sử dụng nguyên liệu tái chế phổ biến nhất. Theo Quy hoạch Phát triển ngành nhựa của Bộ Công thương đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, một trong những định hướng phát triển ngành nhựa là khuyến khích phát triển mạnh công nghiệp xử lý phế liệu, phế thải. Riêng trong ngành giấy, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cũng khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất giấy nên chuyển hướng sang thu gom giấy phế liệu và tái chế giấy.
Đã đến lúc, Việt Nam cần nhìn nhận rác thải như một nguồn nguyên liệu quan trọng phục vụ sản xuất. Các công ty sản xuất cần đầu tư công nghệ tái chế rác hiện đại để tận dụng tối đa nguồn “tài nguyên” vốn bị bỏ quên này, góp phần tích cực trong việc tạo ra sản phẩm, năng lượng mới, đồng thời đóng góp đáng kể vào công tác bảo vệ môi trường.