Hà Nội "bội thu" ngân sách từ nhà, đất
Tại báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2024, UBND TP. Hà Nội cho biết, năm nay, Thủ đô lần đầu tiên thu ngân sách vượt 500.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm ngoái - cao nhất cả nước.
Đáng chú ý, nguồn thu từ nhà, đất tăng hơn 29% so với năm trước, đạt trên 48.590 tỷ đồng. Con số này vượt dự toán 14%. Riêng khoản thu từ tiền sử dụng đất đóng góp gần 75% với 36.100 tỷ đồng, tăng 40,5% so với năm ngoái.
Thị trường bất động sản Hà Nội đã có một năm đầy sôi động, thanh khoản tăng ở nhiều phân khúc. Ảnh: Thanh Vũ |
Cũng theo UBND TP. Hà Nội, tính tới đầu tháng 11/2024, tổng số tiền trúng đấu giá của các địa phương trên địa bàn thành phố đạt trên 11.000 tỷ đồng. Trong khi đó, vào năm 2023, khoản thu chỉ dừng ở mức 9.200 tỷ đồng.
Các quận, huyện có mùa đấu giá đất “bội thu” trong năm qua gồm có quận Long Biên khi thu tới 5.242 tỷ đồng vượt 94,74% kế hoạch; huyện Mê Linh với 1.324,21 tỷ đồng, vượt 144% kế hoạch với 1.324,21 tỷ đồng; huyện Phú Xuyên thu hơn 331 tỷ đồng, cao hơn 15,4% so với kế hoạch đề ra.
UBND thành phố cho biết thời gian qua, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên lập Tổ công tác biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án bất động sản. Đến nay, thành phố đã rà soát, lập danh mục 829 dự án chậm triển khai để thanh tra, đôn đốc thực hiện.
Cụ thể, 420 dự án được đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai, với diện tích trên 9.000 ha. Khoảng 292 dự án được đẩy nhanh tiến độ. Có 8 dự án (quy mô gần 259 ha) bị thu hồi vì vi phạm pháp luật, không đưa đất vào sử dụng để hoang hóa, lãng phí.
Năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu có 47.280 căn nhà ở, trong đó 87% là chung cư (41.135 căn), còn lại 23% nhà đất. Con số này tăng gấp 3 lần so với năm nay khi thị trường Thủ đô chỉ có hơn 15.600 căn nhà mới được hoàn thành.
Về nhà ở xã hội, thành phố vẫn đặt mục tiêu khiêm tốn khi dự kiến có thêm 4.670 căn trong năm sau, thấp hơn khoảng 1.600 căn so với số liệu ước tính năm 2024.
So với Hà Nội, nguồn thu từ đất đai tại TP.HCM thấp hơn đáng kể. Trong 10 tháng qua, TP.HCM chỉ ghi nhận nguồn thu đất đai vào khoảng 17.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023. Dự kiến khi kết thúc năm 2024, nguồn thu vẫn sẽ chỉ ở mức 22.000 tỷ đồng. Con số trên được tính từ các khoản thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các khoản chuyển nhượng bất động sản, lệ phí cấp giấy chứng nhận và phí thẩm định hồ sơ...
Dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng để Nam tiến
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, ông Nguyễn Quốc Anh cho biết, từ năm 2020 tới nay, một lượng vốn khổng lồ đang “luẩn quẩn” và chưa thoát khỏi thị trường miền Bắc, đặc biệt là tại Hà Nội. Mặt khác, xu hướng Nam tiến của dòng tiền hiện vẫn chưa thực sự rõ ràng, khi những động thái ban đầu mới chỉ xuất phát từ một số nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ.
“Thị trường miền Bắc và cụ thể là Hà Nội trở nên sôi động từ giai đoạn 2020 - 2022, trong đó phân khúc đất thổ cư là loại hình tăng giá chủ đạo. Sau đó, thị trường dần chững lại. Tình hình chỉ bắt đầu thay đổi và dần khởi sắc vào cuối năm 2023, khi phân khúc chung cư ‘nhóm lại lửa’ cho thị trường”, ông Nguyễn Quốc Anh phân tích.
Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam, trong giai đoạn tới, Hà Nội sẽ thay thế TP.HCM để trở thành thị trường bất động sản chủ lực. Trong khi TP.HCM vẫn đang chật vật phục hồi thì thị trường Hà Nội liên tục “tăng nhiệt”, biểu hiện cụ thể nhất ở nguồn cung, thanh khoản và giá.
Còn với TP.HCM, xét về nhu cầu nhà ở, đặc biệt là nhà vừa túi tiền, vẫn còn dư địa phát triển. Tuy nhiên, rào cản của khu vực này nằm ở nguồn cung và vấn đề hạ tầng đầu tư công.
"Thị trường TP.HCM vẫn cần thêm thời gian, ít nhất là 2 - 3 năm để thẩm thấu các thay đổi về chính sách, có động lực phục hồi và lấy lại vị thế đầu tàu", ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt bình luận.
Đánh giá về xu hướng thị trường địa ốc hai tại hai khu vực, ông Phan Lê Thành Long, CEO AFA Group, đồng sáng lập Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) cho rằng, phân khúc chung cư, nhà liền thổ tại TP.HCM đã có những cú bứt tốc trong giai đoạn năm 2019 – 2020. Tuy nhiên, đà tăng sau đó đã dần giảm xuống và gần như đi ngang, thậm chí là suy giảm.
"Tôi nghĩ từ nay đến năm 2025, giá nhà ở Hà Nội vẫn tiếp tục leo cao nhưng khả năng tăng đột biến sẽ không còn. Điều này cũng tương tự như TP.HCM, khi giá đủ cao thì sẽ không còn tăng nữa", vị chuyên gia nhận định.
Bên cạnh đó, ông Long còn chỉ ra rằng, hiện nhiều nhà đầu tư tại TP.HCM đã có xu hướng dịch chuyển dòng vốn ra khu vực vệ tinh. Kịch bản tương tự có thể sẽ sớm diễn ra tại Hà Nội.