Doanh nghiệp
Nguy cơ "hô biến" đường lậu thành đường nhập khẩu chính ngạch
Thế Hải - 03/11/2020 15:49
Mặt hàng đường nhập khẩu đang tăng mạnh tại các cửa khẩu biên giới đường bộ, đường sông khiến gia tăng nguy cơ dùng hồ sơ nhập khẩu đường chính ngạch để hợp thức hóa đường lậu.
Cơ quan hải quan cảnh báo hiện tượng dùng hồ sơ nhập khẩu đường chính ngạch để hợp thức hóa đường lậu.

Thông tin từ Hải quan các tỉnh biên giới Tây Nam cho biết, hiện nay mặt hàng đường đang nhập khẩu tăng mạnh tại các cửa khẩu biên giới đường bộ, đường sông, gia tăng nguy cơ dùng hồ sơ nhập khẩu đường chính ngạch để hợp thức hóa đường lậu.

Các doanh nghiệp mở tờ khai nhập khẩu đường, hưởng thuế ưu đãi đặc biệt 5% theo Thông tư số 23/2019/TT-BCT của Bộ Công thương quy định việc không áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường có xuất xứ từ các nước ASEAN. Theo đó, những trường hợp nhập khẩu có C/O mẫu D sẽ được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 5%, (thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi MFN là 40%).

Số liệu của Bộ Công thương, 8 tháng đầu năm 2020, lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam gần 7 lần so với năm 2019, đạt gần 950.000 tấn, trong đó, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đạt gần 860.000 tấn, (so với cùng kỳ năm 2019 là 145.000 tấn và cả năm 2019 là 300.000 tấn), đồng thời cao hơn 12,1% so với sản lượng đường mía sản xuất trong nước.

Theo các đơn vị Hải quan miền Tây Nam bộ, điều đáng lo ngại hiện nay là nguy cơ tình trạng sử dụng bộ hồ sơ hải quan nhập khẩu mặt hàng đường tinh luyện để hợp thức hóa những lô đường nhập lậu hoặc doanh nghiệp sau khi nhập khẩu, mua bán lòng vòng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, lò đường phèn ở dọc tuyến biên giới để hợp thức hóa cho đường cát thẩm lậu.

Việc làm này gây nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát chống buôn lậu cho các lực lượng chức năng trong quá trình bắt giữ, xử lý hành vi vi phạm. Tình trạng này đã xảy ra trước đây trong các vụ buôn lậu đường do Hải quan cũng như các lực lượng chức năng bắt giữ.

Việc nhập khẩu đường theo đường chính ngạch gia tăng các nguy cơ sử dụng hành vi hợp thức hóa đường lậu bằng hồ sơ đường nhập khẩu cũng đã được Cục Hải quan một số tỉnh biên giới báo cáo gửi Tổng cục Hải quan. Thực tế trên tuyến biên giới Tây Nam, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn lậu hàng trăm tấn đường, có tang vật là bao bì ghi địa chỉ sản xuất tại Campuchia. Mới đây nhất là vụ Công an An Giang bắt giữ vụ nhập lậu 100 tấn đường có dấu hiệu hợp thức hóa như nói trên.

Trước tình hình trên, các đơn vị hải quan đã có chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc phải triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát nhằm vừa đảm bảo mọi hoạt động xuất nhập khẩu thuận lợi, nhanh chóng, đúng quy định pháp luật; đồng thời kiên quyết phòng chống mọi trường hợp cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng chính sách, lợi dụng địa hình phức tạp để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, nhất là việc lợi dụng hồ sơ đường nhập khẩu để hợp thức hóa đường lậu.

Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa đường kết tinh qua biên giới đã tồn tại quá dài do nhiều nguyên nhân, gây khó khăn trong công tác giám sát, kiểm soát, chống buôn lậu qua biên giới. Giờ đây, tình trạng gia tăng nhập khẩu đường tinh luyện qua các cửa khẩu chính sẽ càng gia tăng nguy cơ các đối tượng buôn lậu dùng hồ sơ nhập khẩu để hợp thức hóa đường lậu.

Thực hiện cam kết của Việt Nam trong ASEAN liên quan tới việc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo WTO, Việt Nam đã bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường cho các nước ASEAN kể từ ngày 1/1/2020.

Kể từ đây, thị trường đường trong nước đã có một cuộc cạnh tranh vốn đã không cân sức từ đường nhập lậu, thì nay, đường nhập chính ngạch ùn ùn đổ về thị trường nội địa, khiến hàng sản xuất trong nước càng thêm điêu đứng. 8 tháng đầu năm 2020, lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam gần 7 lần so với năm 2019, đạt gần 950.000 tấn, trong đó, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đạt gần 860.000 tấn, (so với cùng kỳ năm 2019 là 145.000 tấn và cả năm 2019 là 300.000 tấn)

9 tháng 2020, lượng đường nhập khẩu ước tính đã lên tới 1 triệu tấn (chưa kể một lượng lớn đường nhập lậu) và dự kiến cả năm 2020 sẽ vượt 1,2 triệu tấn. Do không cạnh tranh được với đường nhập, niên vụ 2019/2020 đã có tới 1/3 nhà máy đường Việt Nam phải đóng cửa.

Tin liên quan
Tin khác