Ca bệnh thuộc chùm Bệnh viện K3 cơ sở Tân Triều là bệnh nhân N.T.T.P., nữ, sinh năm 1953 (BN3624), là người sống một mình tại địa chỉ: P709 chung cư 187 Nguyễn Lương Bằng, phường Quang Trung, quận Đống Đa.
Tình hình dịch tại 3 địa phương Bắc Ninh, Bắc Giang và Đà Nẵng khá phức tạp vì dịch đã xuất hiện, lây lan nhanh tại các khu công nghiệp. |
Bệnh nhân bị ung thư vú, đã phẫu thuật cách 4 năm. Hiện tại hàng tháng, bệnh nhân đến Bệnh viện K3 cơ sở Tân Triều khám lấy thuốc 1 lần tại khoa Ngoại vú.
Ngày 4/5, bệnh nhân tự bắt taxi đi từ nhà lên Khoa Ngoại vú khám và lấy thuốc sau đó về nhà (bắt đầu tự cách ly tại nhà từ 7/5 theo hướng dẫn của y tế).
Ngày 11/5, bệnh nhân được Trung tâm y tế quận Đống Đa lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-COV-2.
2 trường hợp nghi ngờ dương tính mới (liên quan Đà Nẵng) là bệnh nhân N.T.T.H., sinh năm 1979 (vợ) và bệnh nhân N.V.T., sinh năm 1977 (chồng). Địa chỉ: P806, ĐN2 Tòa nhà Center Point, 27 Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, có tiền sử đi du lịch tại Đà Nẵng từ 30/4-2/5.
Ngày 8/5, người vợ xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh.
Đến ngày 9/5, người vợ có đi khám sàng lọc tại Bệnh viện Thu Cúc (216 Trần Duy Hưng) nhưng bệnh viện không tiếp nhận điều trị, tư vấn đi về.
Ngày 12/5, người chồng tiếp tục xuất hiện triệu chứng, nên cả 2 vợ chồng bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô, được lấy mẫu làm xét nghiệm cho kết quả dương tính (phương pháp Gen Expert).
Hiện tại 2 mẫu bệnh phẩm của 2 trường hợp trên đã được Trung tâm y tế quận Hai Bà Trưng chuyển về CDC Hà Nội để xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR.
Trước đó, sáng cùng ngày, CDC Hà Nội cũng đã thông tin về 5 trường hợp dương tính mới. Trong đó, 1 ca là F1 thuộc chùm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đã được cách ly tập trung; 2 ca thuộc chùm Bệnh viện K3 cơ sở Tân Triều và 1 ca liên quan tới Đà Nẵng và 1 ca là nhân viên tại Bệnh viện Thanh Nhàn.
Với ca bệnh của Bệnh viện Thanh Nhàn, chiều ngày 12/5, thông tin từ Bệnh viện cho hay, trường hợp dương tính SARS-CoV-2 tại bệnh viện làm việc trong Khu điều trị bệnh nhân Covid-19, đảm bảo đúng quy trình chống dịch.
BSCKII. Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, nhân viên này là B.T.M (SN 1965) làm công việc vệ sinh trong Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 từ 22h30 ngày 7/5 đến 16h ngày 9/5 (thời gian Bệnh viện tiếp nhận 11 trường hợp dương tính của bệnh viện K chuyển sang).
Ngoài ổ dịch tại các bệnh viện theo đánh giá của Bộ Y tế, tình hình dịch tại 3 địa phương Bắc Ninh, Bắc Giang và Đà Nẵng khá phức tạp vì dịch đã xuất hiện, lây lan nhanh tại các khu công nghiệp.
Về khó khăn chống dịch tại khu công nghiệp, theo đại diện Bộ Y tế tại đây công nhân rất đông nên mật độ tiếp xúc với nhau rất gần, như thời điểm công nhân đến làm việc, nghỉ ca hay giờ ăn trưa, giờ tan ca..., như vậy, nguy cơ lây nhiễm trong khu công nghiệp rất cao.
Cả nước hiện có 369 khu công nghiệp tập trung, gần 30 khu cửa khẩu, chế xuất, tương đương 3,8 triệu lao động; gần 700 cụm công nghiệp với 600.000 lao động, với đặc thù cùng làm việc trong môi trường kín; di chuyển về các khu ký túc xá cùng thời điểm, sinh hoạt trong nhà trọ chật chội, đông đúc; các dịch vụ phục vụ đời sống sinh hoạt công nhân dày đặc, nhiều xe cộ qua lại…
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ngày 12/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị, không chỉ Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, mà tất cả các địa phương khác trên cả nước nghiêm túc vào cuộc, khẩn trương chỉ đạo các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp cập nhật việc tự đánh giá công tác phòng, chống dịch bệnh định kỳ lên Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19 (https://antoancovid.vn/).
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục quán triệt sâu sát các địa phương thực hiện nhiệm vụ này bởi nếu dịch bệnh xảy ra trong các khu công nghiệp có thể làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế đất nước.
Phó Thủ tướng nêu rõ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Hà Nội đã có sự sáng tạo trong việc kết hợp giữa xét nghiệm khẳng định Realtime-PCR với các công nghệ xét nghiệm mới, xét nghiệm nhanh để đảm bảo mục tiêu trong thời gian sớm nhất, xét nghiệm theo kịp tốc độ lấy mẫu.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Y tế đẩy nhanh việc cấp phép các công nghệ xét nghiệm mới, nhanh hơn, rẻ hơn, sàng lọc được nhiều hơn, đồng thời có hướng dẫn cụ thể các địa phương trong việc sử dụng kết hợp các loại xét nghiệm ở tình huống dịch bệnh khác nhau, tại những khu vực có nguy cơ khác nhau.
Ngoài ra, để tập trung toàn lực chống dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tất cả các địa phương thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, nhưng không được “ngăn sông, cấm chợ”; không thể để tình trạng xe đưa đón công nhân vào các khu công nghiệp bị ách tắc như báo cáo của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh.
Phó Thủ tướng yêu cầu, trước mắt, các địa phương, khu công nghiệp đang có dịch, gửi văn bản (danh sách số xe, tuyến đường…) cho các địa phương có xe đi qua để được di chuyển thuận lợi, không gây ách tắc.
“Bản thân các doanh nghiệp tích cực tham gia thực hiện xét nghiệm sàng lọc định kỳ, xét nghiệm từng bộ phận để bảo đảm sản xuất an toàn. Phải chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly tập trung; tránh tình trạng, một nhà máy có dịch, dồn tất cả công nhân vào khu cách ly chưa được chuẩn bị kỹ, dẫn đến lây nhiễm chéo. Đồng thời, tránh tình trạng cực đoan, cảm thấy nguy cơ có dịch cho tạm ngừng sản xuất để công nhân trở về địa phương, rất nguy hiểm”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.