Thời sự
Nguy cơ miền Nam thiếu điện ngay trong năm 2017
Thanh Hương - 15/09/2016 08:09
Theo ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ năm 2017, EVN sẽ phải huy động cao các nguồn điện chạy dầu ở miền Nam, khoảng 5 tỷ kWh; riêng năm 2018 và 2019 phải huy động tối đa các nguồn điện dầu theo khả năng phát, khoảng 8,5 tỷ kWh/năm.
TIN LIÊN QUAN

Trước đó, EVN đã xây dựng kế hoạch cung cấp điện giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, tăng trưởng nhu cầu điện bình quân là 11,6%/năm theo phương án cơ sở và 13%/năm theo phương án cao. Tính toán cân bằng cung - cầu điện toàn quốc đối với phương án cơ sở trong giai đoạn 2017 - 2020, hệ thống điện miền Bắc và miền Trung luôn bảo đảm cấp điện cho các phụ tải trong khu vực và có dự phòng.

Khẳng định thực tế đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cho hay, miền Nam luôn phải nhận điện từ miền Bắc, miền Trung qua hệ thống truyền tải điện từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam, với nhu cầu khoảng 15 tỷ kWh năm 2017 và dự kiến tăng tới 21 tỷ kWh vào năm 2019. “Nếu phát điện bằng dầu sẽ đắt hơn 2 lần so với than và chắc chắn sẽ phải bù lỗ rất lớn”, ông Hưng cho biết.

.

Đáng nói là, năng lực truyền tải điện vào miền Nam hiện chỉ đáp ứng được 18,5 tỷ kWh/năm (đạt ngưỡng giới hạn truyền tải Bắc - Nam), do khả năng truyền tải từ miền Bắc vào miền Trung chỉ đạt tối đa 14 - 15 tỷ kWh/năm.

Do đó, đại diện EVN đã đề xuất xây dựng ngay đường dây 500 kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku, nhằm tăng khả năng truyền tải điện từ miền Bắc vào Trung thêm khoảng 5 tỷ kWh/năm.

“Trường hợp kịp đưa vào vận hành năm 2019, đường tải điện này sẽ giảm thiểu được tình trạng thiếu điện tại miền Nam và giảm được sản lượng phải huy động các nhà máy nhiệt điện dầu”, ông Dương Quang Thành nói.

Trước đó, hàng loạt dự án điện đã được triển khai tại khu vực miền Nam với mục tiêu có nguồn cung ngay tại chỗ. Tuy nhiên, tiến độ nhiều dự án đã không đúng như kế hoạch ban đầu. Trong số đó, có thể kể tới 2 dự án do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư là Nhiệt điện Long Phú 1 và Nhiệt điện Sông Hậu 1 (cùng có công suất 1.200 MW).

Được khởi công lần đầu vào tháng 1/2011, Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 có kế hoạch phát điện Tổ máy 1 vào năm 2014, Tổ máy 2 vào đầu năm 2015, với tổng thầu là Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC). Sau đó, kế hoạch phát điện của Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 đã phải điều chỉnh, với Tổ máy 1 sẽ vận hành vào năm 2015 và Tổ máy 2 vận hành trong năm 2016.

Dẫu vậy, tiến độ Dự án vẫn không thể đẩy nhanh. Sau khi chuyển đổi tổng thầu từ PTSC sang Liên danh Power

Machines (Liên bang Nga) - BTG (Slovakia) - PTSC, trong đó, Công ty Power Machines là thành viên đứng đầu Liên danh chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng của Dự án và điều phối, kế hoạch mới lại được thay đổi là phát điện Tổ máy 1 vào năm 2018, Tổ máy 2 vào năm 2019.

Đối với Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1, kế hoạch hiện nay là phát điện Tổ máy 1 trong tháng 10/2018 và phát điện Tổ máy 2 trong tháng 2/2019. Các bên nhà thầu thi công lo ngại việc áp dụng cơ chế thanh toán “thực thanh - thực chi” tại dự án này tiềm ẩn rủi ro, gây chậm tiến độ, bởi việc thanh toán từng hạng mục cụ thể phụ thuộc vào Ban quản lý và chủ đầu tư dự án sau khi xem xét, phê duyệt. Nếu những người làm trực tiếp về thanh toán không khẩn trương hay có những thay đổi thiết kế so với ban đầu thì nhà thầu sẽ khó lòng đẩy nhanh được tiến độ thi công.

Trước nguy cơ thiếu điện miền Nam ngay trong năm 2017, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, trong chuyến thị sát Trung tâm Điện lực Trà Vinh mới đây, đã yêu cầu Bộ Công thương, EVN, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (Vinacomin), PVN thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tập trung sớm hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng đường dây 500 kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku. Bên cạnh đó, phải đẩy nhanh việc thực hiện các dự án nhiệt điện khu vực miền Nam, kể cả khu vực miền Trung.

“Tập trung đẩy nhanh quá trình chuẩn bị, triển khai thực hiện để sớm đưa vào khai thác các nhà máy nhiệt điện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Duyên Hải, Long Phú, Sông Hậu, Tân Phước, Long An, Bạc Liêu, Vĩnh Tân... Những nhà máy đã xây dựng xong thì đưa vào sử dụng càng sớm càng tốt, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai để hạn chế đến mức thấp nhất việc dùng dầu chạy các nhà máy nhiệt điện”, Phó thủ tướng yêu cầu.

Về xây dựng cảng trung chuyển than cho các nhà máy nhiệt điện vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Vinacomin tiếp tục hoàn thiện Dự án Cảng than tại khu vực Duyên Hải (Trà Vinh), trong đó có các phương án bảo đảm an toàn trong khai thác; thực hiện đánh giá tác động môi trường một cách cẩn trọng, khoa học.

“Phải tiến hành mời tư vấn quốc tế có kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, thiết kế, phát triển cảng than để phản biện. Đơn vị tư vấn, nghiên cứu chủ động mời người dân địa phương, các cơ quan báo chí đi tham quan, chứng kiến những cảng than có điều kiện tương tự ở các nước tiên tiến để từ đó tạo niền tin, đồng thuận trong nhân dân”, Phó thủ tướng nói.

Tin liên quan
Tin khác