Doanh nghiệp
Nguy cơ thiếu điện do thiếu than hiện hữu, cơ quan quản lý và doanh nghiệp cùng nóng
Thế Hải - 15/04/2022 09:55
Bộ Công thương và các doanh nghiệp đang cố gắng tìm kiếm mở rộng nguồn than nhập khẩu để bù đắp phần thiếu hụt phục vụ nhu cầu sản xuất điện. Nam Phi là một kênh được kỳ vọng.
Việt Nam đẩy mạnh nhập khẩu than từ Nam Phi, đáp ứng nguồn cung than cho các hoạt động sản xuất trong nước.

Tìm thêm than cho điện

Bộ Công thương tiếp tục phối hợp với Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, Phòng Thương mại và Công nghiệp Durban tổ chức Diễn đàn giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu than Việt Nam và Nam Phi.

Các doanh nghiệp nhập khẩu than hàng đầu của Việt Nam như Vinacomin, EVN và Tổng công ty Đông Bắc đều có mặt. Theo các doanh nghiệp, họ đã làm việc với 6 doanh nghiệp xuất khẩu than của Nam Phi như Công ty An Nam Trading, The Commodities Inc, GC Consulting, Best Ever Trading, Picogenix và Ngân hàng Standard Bank – Johannesburg để trao đổi, giới thiệu nhu cầu nhập khẩu, năng lực sản xuất, khả năng cung ứng than và tiềm năng hợp tác giữa các bên trong thời gian tới.

Mục tiêu là đẩy nhanh việc nhập than từ thị trường này nhằm đáp ứng đủ than cho nhu cầu sản xuất điện, phân bón và công nghiệp tại Việt Nam.

Bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công thương) cho biết, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu than tăng dần để phục vụ cho sản xuất điện và sản xuất công nghiệp trong nước trong thời gian tới.

Năm 2021 Việt Nam nhập 36 triệu tấn than các loại, nhưng dự báo sẽ tăng lên 46,5 triệu tấn than trong năm 2025 và đến năm 2045 là 123,7 triệu tấn. Việt Nam đã nhập khẩu than từ Nam Phi nhiều năm qua và trở thành một trong 5 đối tác nhập khẩu than lớn nhất của Nam Phi trong năm 2019 và 2020.

Theo thống kê của Cơ sở dữ liệu thống kê thương mại của Liên hợp quốc (UN Comtrade), Việt Nam đã nhập khẩu từ Nam Phi khoảng 126.000 tấn than (tương đương với 7,6 triệu USD) vào năm 2019; khoảng 2,6 triệu tấn năm 2020 (tương đương với 123,4 triệu USD) và khoảng 7,5 triệu tấn vào năm 2021 (tương đương với 360 triệu USD).

Nam Phi có trữ lượng than rất lớn, vào khoảng 50 tỷ tấn và là một trong 5 nước xuất khẩu than lớn nhất trên thế giới. Than Nam Phi có các chỉ tiêu kỹ thuật cơ bản tương đương với than khai thác tại Việt Nam, phù hợp cho sản xuất điện và các ngành sản xuất của Việt Nam. 

Ông Hector Mphohoni, Bí thư thứ nhất phụ trách Chính trị, Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam khẳng định sẽ hỗ trợ kết nối ở mức cao nhất để giải quyết khó khăn trong hoạt động nhập khẩu than của Việt Nam nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ sản xuất điện và sản xuất công nghiệp trong nước.

Nguy cơ thiếu điện vì thiếu than hiện hữu 

Mặc dù các đơn vị cung cấp than đã có nhiều nỗ lực trong việc khắc phục khó khăn để khai thác than từ các mỏ trong nước và nhập khẩu than để pha trộn, nhưng thông tin từ các đơn vị cung cấp than cho biết, tình hình cung cấp than còn tiếp tục có nhiều khó khăn trong thời gian tới. Như vậy, nguy cơ thiếu than dẫn đến thiếu điện từ tháng 4 trở đi là rất hiện hữu.

EVN cho biết, các nhà máy nhiệt điện đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất vì thiếu than. Số liệu tổng hợp được cập nhật đến ngày 30/3 cho thấy, tình hình cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện của EVN vẫn đang tiếp tục có nhiều khó khăn và thiếu hụt rất lớn so với hợp đồng cung cấp than đã ký. 

Trong quý I/2022, tổng khối lượng than đã được cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện của EVN là 4,49 triệu tấn trên tổng số 5,85 triệu tấn theo hợp đồng đã ký, tương ứng tỷ lệ 76,76%. Như vậy, lượng than được cung cấp đã thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng.

Do lượng than cung cấp thiếu và tồn kho ở mức thấp nên đến cuối tháng 3/2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát. Cụ thể: các nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 hiện nay chỉ đủ than vận hành 1 tổ máy ở mức 60 – 70% công suất. Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng chỉ đủ than vận hành cho 1 trong 4 tổ máy.

Do đó, toàn hệ thống điện quốc gia thiếu hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than do thiếu than cho sản xuất điện. Nguy cơ thiếu than dẫn đến thiếu điện từ tháng 4 trở đi cũng rất hiện hữu.

Trong thời gian tới đây, nhất là vào thời điểm nắng nóng cao điểm của mùa khô năm 2022, công tác sản xuất điện từ nhiên liệu than đóng một vai trò hết sức quan trọng cho đảm bảo cung cấp điện, đặc biệt là các tháng 4, 5, 6, 7 tại khu vực miền Bắc.

Tin liên quan
Tin khác