Thưa ông, để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tiếp theo, Chính phủ đã nhất quán xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển và liêm chính. Theo ông, đâu là điểm mấu chốt để có thể thực hiện thành công kế hoạch này?
Như tôi đã nhiều lần từng nói, ở Việt Nam hiện nay, có hiện tượng người thực thi có thể vì lợi ích cá nhân mà lợi dụng kẽ hở để hành doanh nghiệp. Một bộ phận trong bộ máy công quyền của chúng ta vẫn nghĩ tới việc “quản”, mà không nghĩ rằng khi đổi mới thể chế kinh tế, chúng ta phải chuyển từ bộ máy quản trị, quản lý xã hội sang bộ máy phục vụ. Người dân, doanh nghiệp chính là những người làm ra của cải xã hội, nộp thuế để bộ máy công quyền có kinh phí hoạt động. Do vậy, bộ máy phải phục vụ người dân và doanh nghiệp, cũng có nghĩa là phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Chúng ta phải chuyển từ Nhà nước điều hành, quản lý, sang Nhà nước kiến tạo phát triển.
. |
Điểm mấu chốt nhất để chuyển sang Nhà nước kiến tạo phát triển chính là xây dựng hành lang pháp lý minh bạch, ổn định và cơ chế chính sách ở tầm vĩ mô để tạo thuận lợi nhất cho mọi thành phần kinh tế hoạt động và phát triển. Chính phủ kiến tạo là Chính phủ chỉ định hướng chứ không làm thay doanh nghiệp, cũng không can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp.
Vậy còn chuyện tái cơ cấu nền kinh tế để tạo động lực tăng trưởng mới cho giai đoạn phát triển tiếp theo, thưa ông? Hiện nay, Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đang được xây dựng. Là một trong những “kiến trúc sư trưởng” của đề án tái cơ cấu kinh tế giai đoạn trước, theo ông, để thành công trong tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn tới đây, chúng ta phải làm gì?
Phải thừa nhận một điều, sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế (2013 - 2015), với ba mũi nhọn là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, chúng ta cũng đã làm được một số việc nhưng chưa được như kỳ vọng. Có thể nói, chúng ta chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho quá trình tái cơ cấu trước đây, những điểm hạn chế và nguyên nhân cũng đã được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chỉ ra khi dự thảo đề án mới. Đó là chưa thực sự đổi mới về tư duy, chưa có quyết tâm chính trị đủ lớn, nguồn lực cho tái cơ cấu còn hạn chế, cơ chế quản lý nhà nước đối với phân bổ và sử dụng các nguồn lực quốc gia chậm được đổi mới…
Đây chính là những bài học cho tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Sau những chậm trễ trong thực hiện ở giai đoạn trước, khi mà nền kinh tế ngày càng bộc lộ rõ những điểm yếu, thì tôi cho rằng, cần phải thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế. Tôi cho rằng, Chính phủ cần phải coi đề án tái cơ cấu nền kinh tế lần này như là một văn kiện quan trọng để phát triển đất nước, và phải tập hợp được những chuyên gia hàng đầu, những nhà lãnh đạo hàng đầu để mổ xẻ, phân tích làm rõ cần phải tập trung làm những gì. Cá nhân tôi cho rằng, để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế thành công thì phải làm bằng được việc phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc thị trường.
Phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc thị trường cụ thể là thế nào, thưa ông?
Nguồn lực mà chúng ta nhắc đến đó là tài nguyên khoáng sản, đất đai và cả nguồn vốn. Xưa nay nguồn lực này đang được phân bổ lệch. Nhưng nếu theo nguyên tắc thị trường, không phải cứ dầu khí là thuộc quyền khai thác của Tập đoàn Dầu khí, không phải cứ quặng sắt là quyền khai thác của Tổng công ty Thép Việt Nam và không phải cứ appatit là thuộc quyền của Tập đoàn Hóa chất… Thay vì thế, ai đứng ra cam kết sử dụng hiệu quả những nguồn tài nguyên này sẽ được tiếp cận và sử dụng nguồn lực này. Đất nước mới là người quản lý tài nguyên, đất nước mới là người quản lý nguồn lực. Để làm được điều đó, cần phải có cơ chế đấu giá xem ai đem lại hiệu quả cao nhất, bất kể đó là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, như vậy mới gọi là phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường. Đây là nguyên lý phải làm và phải được thống nhất, nếu bộ nào, ngành nào, địa phương nào làm trái phải xử lý.
Ở một khía cạnh khác, thị trường cũng có nghĩa là chúng ta phải tính đúng, tính đủ giá trị của các dịch vụ, sản phẩm của xã hội. Dù chúng ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng giá điện, nước, dịch vụ y tế… vẫn phải tính đúng, tính đủ, hỗ trợ hay bao cấp như thế nào, cho người nghèo ra sao lại là một chuyện khác. Đấy chính là cách để chúng ta xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại. Không được để tồn tại chuyện nhóm lợi ích, hay cơ chế xin - cho trong phân bổ nguồn lực. Chúng ta phải có cơ chế để kiểm soát điều này, chứ nếu cứ bình quân chủ nghĩa, phân bổ cho ông này một tý, ông kia một tý thì sẽ không hiệu quả.
Ngoài câu chuyện phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc thị trường, theo ông, tới đây, để nền kinh tế có thể tăng trưởng nhanh và bền vững, chúng ta phải dựa vào động lực nào?
Phải dựa vào tăng năng suất lao động. Mức tăng năng suất lao động của Việt Nam đã liên tục sụt giảm từ cuối những năm 1990 đến nay, khiến năng suất lao động Việt Nam ở mức rất thấp so với các quốc gia trong khu vực. Điều đặc biệt, năng suất lao động ngay cả khu vực tư nhân của Việt Nam cũng đang liên tục sụt giảm và ở mức rất thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của Việt Nam rất lạc hậu. Có tới hơn 44% lao động trong tổng số lao động của đất nước làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, khu vực tạo ra giá trị gia tăng thấp. Lao động trong khu vực phi chính thức cao hơn nhiều so với trong khu vực chính thức. Phi chính thức tức là làm việc không có bảo hiểm, hợp đồng. Đó là những người bán rong ngoài chợ, làm dịch vụ cắt tóc gội đầu. Tất nhiên cái nào cũng tốt, xã hội nào cũng cần, nhưng tỷ lệ người làm trong khu vực chính thức ít quá và không thể có năng suất lao động cao.
Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia chính là cách thức để cải thiện tình hình về năng suất lao động của Việt Nam. Chúng ta cũng cần phải có hội đồng năng suất lao động của quốc gia.
Để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, ông đã từng nhắc rất nhiều tới chuyện thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp. Điều này nên được đặt ra như thế nào trong giai đoạn phát triển tới đây của đất nước, thưa ông?
Khởi nghiệp là vấn đề rất lớn của quốc gia, nó chính là chuyện phân bổ nguồn lực. Xưa nay, người dân có tiền thường gửi hết vào trong ngân hàng, ngay cả một số doanh nghiệp cũng gửi vào ngân hàng để lấy lãi, không kinh doanh và cũng chả tạo ra việc làm. Nhưng phong trào khởi nghiệp đã mang lại một xu hướng mới. Chúng ta đã nói nhiều đến quốc gia khởi nghiệp. Một quốc gia khởi nghiệp là phải khiến cho mọi đồng tiền nhàn rỗi trong dân được đưa vào sản xuất, với những ý tưởng táo bạo nhất. Để làm được điều đó, Nhà nước phải tạo điều kiện, phải có cơ chế, chính sách để người dân có thể thực hiện ý tưởng sáng tạo của mình, thành lập doanh nghiệp mới, hay phát triển sản phẩm, dịch vụ có ích cho xã hội, tạo ra công ăn việc làm, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.