Doanh nghiệp
Nguyễn Hà Minh Thông, đồng sáng lập EduBox: Kết nối dạy và học bằng nền tảng công nghệ
Hồng Phúc - 20/02/2020 10:22
Từ nền tảng ứng dụng gia sư công nghệ Edubox, Nguyễn Hà Minh Thông cùng cộng sự đang nỗ lực hoàn thiện hệ sinh thái người dùng để hướng tới xây dựng mạng xã hội giáo dục, nâng cao khả năng tự học trong mỗi học sinh, phục vụ nhu cầu học tập trực tuyến.
Ông Nguyễn Hà Minh Thông, đồng sáng lập EduBox

Nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp

“Khi tôi đỗ vào Trường đại học Công nghiệp TP.HCM, ba tôi rất vui và tự hào. Tiếc rằng, ba mất sớm, nên mới chỉ thấy tôi bước vào ngưỡng cửa đại học, mà chưa chứng kiến con trai đạt được thành tựu nào khác. Điều đó càng khiến tôi quyết tâm làm những việc có ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng”, Thông chia sẻ.

Sinh ra ở Bình Định, nhưng từ năm 7 tuổi, Thông đã theo ba mẹ vào TP.HCM lập nghiệp. Thời gian đầu vào TP.HCM, do còn nhiều khó khăn, gia đình Thông ở cùng ông bà ngoại. Cậu của Thông là người làm kinh doanh, còn ông ngoại thì hay xem thời sự về kinh tế. Được tiếp xúc và nghe nhiều về kinh tế, nên Thông nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh từ nhỏ.

Đến khi ngồi trên ghế giảng đường đại học, Thông đầu quân vào các doanh nghiệp để làm việc, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Chàng trai sinh năm 1995 rất tự tin, vì quá trình công tác đó không chỉ giúp anh có nhiều kinh nghiệm, học được cách đối nhân xử thế, mà còn tạo dựng được nhiều mối quan hệ.

Sau khi ba mất, khát khao làm được điều gì đó tạo ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng càng thôi thúc, khiến Thông mong muốn khởi nghiệp hơn. Thấy mẹ hàng ngày phải đưa đón em trai đi học một số lĩnh vực phụ đạo trên quãng đường dài vất vả, Thông tự hỏi: “Tại sao không thực hiện việc kết nối gia sư và người học như mô hình Grab?”.

Chia sẻ suy nghĩ này với người anh họ là Hà Minh Khoa, một lập trình viên đã có 10 năm kinh nghiệm, Thông nhận được sự đồng cảm. Từ đó, đều đặn mỗi sáng, hai anh em vẫn đi làm, nhưng tối đến, lại cùng nhau “tạo hình” Edubox - nền tảng ứng dụng công nghệ để kết nối học viên và giáo viên/gia sư nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí so với cách kết nối truyền thống qua trung tâm gia sư.

Từ gia sư công nghệ tới mạng xã hội giáo dục

Edubox được thành lập vào tháng 8/2018. Thông cùng các cộng sự mong muốn, thông qua ứng dụng này, đội ngũ gia sư/giảng viên có cơ hội gia tăng học viên. Ứng dụng sẽ liên tục cập nhật thông tin về môn học, địa chỉ dạy, số lượng học viên…, qua đó, phụ huynh và các học viên có thể tìm và lựa chọn gia sư cũng như các địa điểm dạy học gần nhất và phù hợp nhất.

Hiện nay, có một thực tế là, lực lượng sinh viên có học lực tốt tại các trường cao đẳng, đại học rất đông đảo, nhưng nhiều sinh viên lại chọn cách làm “xe ôm công nghệ” để kiếm thêm thu nhập. Nếu tình trạng này kéo dài, chắc chắn, những kiến thức, kỹ năng chuyên môn sẽ bị mai một và đó là sự lãng phí chất xám.

“Hiện nay, các doanh nghiệp, tổ chức tạo ra rất nhiều việc làm, nhưng nhiều sinh viên sau khi ra trường vẫn thất nghiệp, bởi kiến thức và kỹ năng mềm của họ rất yếu”, Thông bày tỏ. Vì vậy, anh hy vọng, Edubox sẽ tạo thêm cơ hội việc làm cho đội ngũ sinh viên để họ phát huy khả năng, kiến thức đã được đào tạo. Hơn thế, Edubox sẽ trở thành một sản phẩm “toàn dân”, có tính năng thương lượng chi phí giữa hai bên. Nếu làm việc cần mẫn, có trách nhiệm, hiệu quả, người dạy sẽ có được thu nhập xứng đáng với năng lực và công sức bỏ ra.

Thông qua Edubox, gia sư có thể đăng thông tin chiêu sinh lớp học hoặc bồi dưỡng kiến thức 1 - 1. Về phía học sinh, nếu muốn tìm gia sư, chỉ cần nhập các thông tin như địa chỉ, lớp, thời gian học, mô tả chi tiết…, hệ thống Edubox sẽ đưa ra danh sách gia sư ứng tuyển theo nhu cầu của từng học sinh để phụ huynh và học sinh lựa chọn.

Tỷ lệ ứng viên được xét duyệt trở thành giáo viên/gia sư của hệ thống Edubox khoảng 40%. Edubox sẽ thu 20% phí đối với gia sư cho mỗi giao dịch dạy kèm 1 - 1 được kết nối thành công.

Mức độ tín nhiệm của mỗi gia sư sẽ được phụ huynh đánh giá trên hệ thống sau khi hoàn thành khoá dạy. Đặc biệt, nếu người dạy bị đánh giá không tốt, thì sẽ bị hạ điểm tín nhiệm và phải trả mức phí cao hơn cho Edubox mỗi lần nhận lớp giảng dạy. Hiện mỗi tháng có khoảng 200 giao dịch khớp lệnh qua Edubox.

Thông cho biết, ứng dụng mới đi được khoảng 30% hành trình mà đội ngũ sáng lập đặt ra. Theo kế hoạch, trong giai đoạn đầu, đội ngũ Edubox tập trung tạo hệ sinh thái người dùng, bao gồm phụ huynh/học sinh, gia sư/sinh viên.

Khi ứng dụng có 50.000 - 100.000 người dùng, Edubox mới thu phí đối với nhóm giáo viên dạy thêm tại nhà và đây cũng là số lượng người dùng ổn định để Edubox áp dụng trí tuệ nhân tạo vào vận hành, dần hình thành mạng xã hội giáo dục. “Edubox đặt mục tiêu không chỉ kết nối người dạy và người học, mà trong tương lai, sẽ nâng cao năng lực tự học trong mỗi học sinh. Mỗi khi có thắc mắc về bất cứ vấn đề gì, học sinh có thể đăng tải các đề bài và sẽ có đội ngũ am hiểu vấn đề đó giải đáp”, Thông chia sẻ.

Tin liên quan
Tin khác