Tham dự đoàn công tác có ông Lê Huy Côn – Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công nghiệp (Trưởng đoàn), Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn – Nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, ông Đặng Vũ Chư – Nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương, ông Trương Đình Tuyển – Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông Trần Văn Tuấn – Nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ,…
Báo cáo với đoàn công tác, ông Vũ Văn Phi, Phó giám đốc Ban QLDA hầm Đèo Cả cho biết, dự án hầm đường bộ Đèo Cả được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu là 15.603 tỷ đồng. Công trình có tổng chiều dài 13,2 km, trong đó hầm đèo Cả dài 4.125 m, hầm đèo Cổ Mã dài 500 m, 6 cầu dài 1.200 m và đường dẫn dài 8.330 m. Quy mô toàn tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc với vận tốc thiết kế 80 km/h.
Dự án được khởi công vào tháng 11/2012 và dự kiến hoàn thành tháng 7/2017. Ban đầu, dự án được phép thu xếp vốn nước ngoài với sự bảo lãnh của Chính phủ và thực hiện theo hình thức hợp đồng tổng thầu EPC với nhà thầu nước ngoài VINCI (Pháp).
Trong quá trình thực hiện, do việc thu xếp vốn nước ngoài theo dự kiến ban đầu không thực hiện được, với sự hỗ trợ của Bộ GTVT và đồng thuận cao của Chính Phủ, nhà đầu tư đã thực hiện hàng loạt giải pháp để đảm bảo sự thành công của dự án như: Thu xếp vốn trong nước để có nguồn tài chính từ trong nước cho toàn bộ dự án; điều chỉnh hình thức thực hiện dự án, từ hợp đồng EPC với tổng thầu nước ngoài sang hợp đồng xây lắp thông thường và nhà thầu trong nước.
Đồng thời, nhà đầu tư tiến hành lựa chọn nhà thầu thi công trong nước có đủ năng lực kết hợp với việc sử dụng nhà thầu tư vấn nước ngoài (Nippon Koei Nhật Bản) để tư vấn, hướng dẫn xử lý các hạng mục phức tạp về địa chất; tổ chức việc thực hiện thi công trên công trường đồng thời với điều chỉnh thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật; cắt giảm những hạng mục không cần thiết như sử dụng đường lâm sinh làm đường công vụ, điều chỉnh kết cấu cầu thép sang cầu bê tông,…
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, cùng với sự ủng hộ và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Bộ GTVT, tổng mức đầu tư của dự án từ 15.603 tỷ đồng đã giảm xuống còn 11.378 tỷ đồng, tiết giảm hơn 4.200 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, Chính phủ và Bộ GTVT đã chấp thuận dùng nguồn vốn tiết giảm của dự án hầm Đèo Cả để làm hầm Cù Mông (địa bàn tiếp giáp giữa tỉnh Phú Yên và Bình Định), chiều dài gần 5 km (hơn 2km hầm, còn lại là đường dẫn) tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng.
Sau khi tham quan dự án, các đồng chí cán bộ lão thành, nguyên lãnh đạo chủ chốt của các bộ, ngành qua các thời kỳ bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi với quy mô và ý nghĩa của dự án đặc biệt quan trọng này. Đồng thời ghi nhận nỗ lực của nhà đầu tư, các nhà thầu thi công và toàn thể CBCNV đã và đang nỗ lực ngày đêm không nghỉ để sớm đưa dự án về đích.
Các đồng chí cán bộ lão thành, nguyên lãnh đạo chủ chốt của các bộ, ngành qua các thời kỳ cũng bày tỏ sự mong mỏi sớm đưa dự án vào khai thác sử dụng và đánh giá việc hoàn thành và đưa dự án vào khai thác vào cuối tháng 7/2017 là dấu mốc có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của các doanh nghiệp đầu tư trong nước, góp phần nâng cao năng lực vận tải, giảm thời gian lưu thông, xóa điểm đen về TNGT trên tuyến QL1, đồng thời thúc đẩy phát triển KTX- XH của hai tỉnh Phú Yên – Khánh Hòa nói riêng và khu vực Nam Trung bộ nói chung.