- Doanh nhân Hồ Quốc Lực, CEO Thực phẩm Sao Ta: Thành công chỉ dành cho người nỗ lực siêng học, siêng làm
- CEO hệ thống Nhà sách Tân Việt Nguyễn Kim Thoa: Hãy yêu sách như hơi thở
- CEO JobsGO Phạm Thanh Hải: Giờ là lúc sải bước nhanh hơn
- CEO Travelogy Việt Nam Vũ Văn Tuyên: Đi tìm giá trị lớn lao hơn tiền bạc
Nguyễn Minh Tâm, nhà sáng lập, CEO Wecare 247 |
Đỡ gánh nặng cho người nhà bệnh nhân
Từng “ăn cơm bệnh viện suốt quãng thời gian tuổi thơ”, Minh Tâm tin tưởng vào năng lực chuyên môn của đội ngũ bác sĩ khám, chữa bệnh ở các bệnh viện công, nhưng luôn trăn trở về chất lượng dịch vụ chăm sóc người bệnh. Đến khi có người thân là bệnh nhân tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), Tâm nhận ra thị trường cung cấp dịch vụ chăm sóc người bệnh đã tồn tại từ lâu, nhưng chủ yếu là tự phát, thông qua các đầu mối cá nhân.
May mắn khi có nhiều thành viên trong gia đình làm việc trong ngành y tế hỗ trợ kết nối, Tâm đã khảo sát, tìm hiểu nhu cầu chăm sóc người bệnh ở một số bệnh viện và cho đây là thị trường tiềm năng trước khi thành lập Wecare 247 vào tháng 11/2017. Đến tháng 8/2018, Wecare 247 phát triển mảng dịch vụ người nuôi bệnh - kết nối và hình thành một đội ngũ người nuôi bệnh lành nghề.
“Làm sao để chất lượng dịch vụ ở bệnh viện công có thể tốt bằng hoặc hơn bệnh viện tư? Đây là vấn đề cần nhiều thời gian để cải thiện khi đã có nhiều đơn vị, cá nhân nỗ lực đưa lực lượng chăm sóc người bệnh tự phát vào nề nếp nhưng không thành công. Việc này đòi hỏi đội ngũ thực hiện phải tâm huyết và có sức chịu đựng”, Tâm chia sẻ.
Sau 3 năm phát triển, đội ngũ Wecare 247 đặt trọng tâm vào cụm từ “niềm tin”. Nghĩa là, mọi công việc họ thực hiện đều phải xoay quanh mục tiêu tạo niềm tin cho cả phía khách hàng cũng như người nuôi bệnh. Đây là trụ cột quyết định thành công của mô hình này, nhưng đã bị xói mòn trong nhiều năm qua.
Tâm quan sát thấy, bên cạnh những lo lắng về bệnh tật, những người cao tuổi luôn tồn tại những vướng bận về tinh thần. Họ thấy cô đơn và trống vắng khi con cái bận rộn với công việc riêng, khó thu xếp việc chăm sóc họ. Khi cô đơn kéo dài, sẽ dẫn đến trầm cảm, sa sút trí tuệ và suy yếu cơ thể, nhất là khi đang mang bệnh.
Với mỗi gia đình, khi nhà có người bệnh, mọi việc hàng ngày đều đảo lộn. Nếu có người thân phải nhập viện, nhiều người quá bận rộn nên phải sử dụng các dịch vụ chăm sóc người bệnh tự phát ngoài bệnh viện. Kéo theo đó là nhiều vấn đề về bảo kê, mất an ninh trật tự dễ xảy ra.
Trước thực tế trên, Wecare 247 đã cung cấp dịch vụ hỗ trợ chăm sóc theo giờ, từ 8 đến 12 tiếng mỗi ngày với thời gian linh hoạt, đội ngũ nhân viên chăm sóc được đào tạo bài bản. Khách hàng có thể đặt niềm tin vào Wecare 247 với hợp đồng pháp lý minh bạch, bảo hiểm rủi ro lên đến 2,4 tỷ đồng.
Kiến tạo niềm tin
“Chất lượng dịch vụ sẽ kiến tạo niềm tin, làm nên sự khác biệt giữa Wecare 247 với các mô hình tương tự đang có mặt trên thị trường”, nhà sáng lập Wecare 247 nói.
Theo đó, Wecare 247 đang phối hợp với các bệnh viện lớn tại TP.HCM như Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Gia Định… để đào tạo người chăm sóc người bệnh, cũng như đặt quầy dịch vụ tại các bệnh viện này.
Cùng với đó, đội ngũ trưởng khoa, giảng viên tại các bệnh viện sẽ hỗ trợ việc đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người chăm sóc bệnh nhân, với chi phí trung bình cho một người có đủ kỹ năng chăm sóc cho khách hàng khoảng 5 triệu đồng. Wecare 247 sẽ tuyển dụng ứng viên, sàng lọc và đào tạo. Ứng viên không đạt tiêu chuẩn sau đào tạo sẽ tiếp tục được huấn luyện cho đến khi có thể nhận công việc.
“Với các bệnh viện mà chúng tôi đã ký kết hợp tác, điều dưỡng trong tất cả các khoa đều kiểm tra, đánh giá chất lượng nhân viên chăm sóc từ Wecare247 mỗi tuần một lần”, Tâm cho biết thêm.
Wecare 247 hiện có khoảng 1.000 người chăm sóc bệnh nhân và ký hợp đồng cộng tác như mô hình Grab với các tài xế. Theo đó, Công ty sẽ là phía thu tiền dịch vụ từ khách hàng, sau đó chiết khấu với người nuôi bệnh nhân, tránh trường hợp giữa khách hàng và người nhận chăm sóc có thoả thuận riêng và quyền lợi khó được đảm bảo khi xảy ra vấn đề.
Từ khi thành lập đến nay, việc tìm kiếm, đào tạo và quản lý đội ngũ nhân viên chăm sóc sức khoẻ người bệnh vẫn luôn là bài toán khó. Đội ngũ này đã tồn tại ở Việt Nam nhiều năm qua nhưng mang tính tự phát, dựa trên các mối quan hệ cá nhân, chưa có tính cam kết cao. Họ là những người lớn tuổi ở quê lên TP.HCM chăm sóc người thân và được giới thiệu ở lại làm việc.
“Chính vì không được ai quản lý, đào tạo và hỗ trợ , nên họ bị áp lực với cò mồi, bảo kê và dễ gây nên mất an ninh trật tự. Wecare 247 ra đời giúp bảo vệ quyền lợi của họ, giúp họ được đào tạo và có tay nghề”, Tâm nói.
Mô hình như Wecare 247 không phải mới trên thị trường. Tuy nhiên, theo Tâm, để có một đơn vị đứng ra trong vai trò chủ quản, tìm người chăm sóc bệnh nhân, cũng như chịu các trách nhiệm liên quan như Wecare 247, thì chưa có nhiều. Đây là lý do giúp công ty khởi nghiệp còn non trẻ về tuổi đời này duy trì tăng trưởng liên tục từ 10-20%/tháng.