Người sáng lập Dự án là Nguyễn Nhã Quyên, Giám đốc Phát triển thị trường của Alpha Vision cho biết, bên cạnh đầu tư vào các dự án, các nhóm khởi nghiệp, Founder Incubator sẽ tập trung đầu tư đào tạo thế hệ doanh nhân khởi nghiệp tiếp theo, như một cách tự tạo nguồn cung cho Alpha Vision.
Tư duy sinh tồn
Duy Linh, tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh Đại học Hoa Sen, là một trong 5 người đầu tiên tham gia Founder Incubator của Alpha Vision. Trước đó, Linh từng làm tiếp thị cho Công ty Liên Thành, nhân viên kinh doanh cho Tạp chí Saigoneer Online.
Giám đốc phát triển thị trường Nguyễn Nhã Quyên |
Bản thân muốn kinh doanh riêng, nhưng Linh không đủ tự tin khởi nghiệp sau những công việc đã trải qua. Sau gần hai tháng tham gia Founder Incubator, Linh đã có cái nhìn ngày càng rõ ràng hơn về việc chuẩn bị cho việc kinh doanh riêng, từ vận hành cho đến cách tiếp cận thị trường.
Cũng giống như Linh, Viết Tiến, sinh viên năm cuối ngành PR của Đại học HUFLIT cũng đam mê khởi nghiệp. Tiến cho biết, hiện anh tham gia hầu hết các công đoạn từ lên định hướng mô hình kinh doanh, lên kế hoạch tiếp thị cho đến chạy sự kiện. Các công việc được phân cho từng ngày, từng tuần để kiểm soát tiến độ.
Theo Nhã Quyên, bản chất của Founder Incubator là môi trường để rèn luyện doanh nhân khởi nghiệp có thể thích ứng với mọi hoàn cảnh, nắm rõ các mảng công việc cần thiết để vận hành một doanh nghiệp. Chương trình kéo dài 18 tháng, bao gồm 2 tháng thử thách, 14 tháng làm việc toàn thời gian có lương. Hai tháng cuối các ứng viên sẽ phải nghiên cứu và xây dựng đề án kinh doanh mới để gọi đầu tư từ chính Alpha Vision và các nhà đầu tư trong hệ thống.
Tùy vào tiềm năng dự án, Alpha Vision và các nhà đầu tư trong hệ thống sẽ đầu tư từ 5.000 USD cho đến dưới 50.000 USD. Trong năm sau, Founder Incubator dự kiến mở khoảng 3 đợt “chiêu sinh” với số lượng khoảng 30 người/lần.
Alpha Vision được thành lập bởi ông Nguyễn Ngọc Nam, có vốn đầu tư là 4 triệu USD. Quỹ đầu tư vào các công ty không phân biệt ngành nghề, nhưng có điểm chung là sử dụng nền tảng công nghệ và truyền thông đem lại giá trị cho doanh nghiệp.
Hai năm qua, Alpha Vision đã đầu tư vào 6 công ty ở Việt Nam, tập trung vào nhiều mảng kinh doanh trong nhóm công nghệ và truyền thông. Những ứng viên trong chương trình sẽ thực tập tại các phòng ban của các công ty, những dự án khởi nghiệp do Alpha Vision đầu tư.
Điểm khác biệt là Founder Incubator nhắm vào đối tượng là những người đam mê khởi nghiệp từ giai đoạn chưa có ý tưởng và quan trọng hơn là đưa vào tư duy của họ về việc dự án tạo ra vẫn có thể phát triển, kể cả khi không có quỹ đầu tư.
Như một thử thách trong 2 tháng đầu, Founder Incubator khóa đầu tiên đã đưa ra yêu cầu mỗi nhóm học viên trong 3 ngày phải vận hành một hoạt động kinh doanh bất kỳ để thu về ít nhất là 1 triệu đồng tiền lời. Điều kiện ràng buộc là không được bỏ tiền vốn đầu tư ban đầu.
“Khá nhiều bạn trẻ ngày nay nghĩ khởi nghiệp đi liền với phải có tiền đầu tư, đây là điều chưa đúng. Tư duy này khiến họ bị động về nguồn vốn và rất dễ bỏ cuộc khi gặp rắc rối về tài chính”, Nhã Quyên cho biết.
Kinh nghiệm từ thất bại
Sinh năm 1989, tốt nghiệp ngành du lịch khách sạn của Đại học HUFLIT, trước khi đầu quân cho Alpha Vision, Nhã Quyên từng thử sức mình với 3 công ty khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Về sau, mỗi công ty là một bài học cho chính cô và là động lực để Nhã Quyên đưa dự án “Founder Incubator” làm một trong số chương trình đầu tiên tiếp cận thị trường Việt Nam.
Dự án khởi nghiệp đầu tiên của Nhã Quyên là một công ty quảng cáo, tuy nhiên, sự bất đồng trong quan điểm kinh doanh giữa các nhà đồng sáng lập khiến cô không còn mặn mà với dự án một thời tâm huyết.
Dự án thứ hai là thành lập một website chuyên cung cấp các thông tin về các doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành công nghệ. Công ty cũng đóng cửa không lâu sau đó vì định hướng chưa rõ ràng, nguồn lực không nhiều, lại phân bố không phù hợp dẫn đến công ty bị “nhấn chìm” bởi những cơ hội xung quanh.
Rút kinh nghiệm từ những lần trước, dự án thứ ba của cô hợp tác với các nhà đầu tư trong lĩnh vực truyền thống, cùng xây dựng một số công ty về công nghệ. Tài chính tuy dồi dào, nhưng nhân lực vẫn bị hạn chế dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu phát triển quá nhanh của công ty.
Nhã Quyên rút ra rằng, cả ba dự án đều có rắc rối chung là yếu tố con người. Đội ngũ chưa có ý tưởng tốt, nhưng khâu thực thi ổn vẫn có thể phát triển lâu dài và xây dựng doanh nghiệp thành công. Còn ngược lại, ý tưởng tốt mà khâu thực thi kém thì khả năng thất bại rất cao.
Bên cạnh đó, theo Nhã Quyên, bản thân Alpha Vision cũng gặp tình trạng thiếu “hàng” để đầu tư như nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm khác ở thị trường Việt Nam, nên việc đào tạo các cá nhân đam mê khởi nghiệp cũng là hình thức tự cung “nguồn hàng” về dài hạn.
Thậm chí, khi những người đào tạo ra từ chương trình không tham gia vào hệ sinh thái của Alpha Vision, thì các công ty do họ dựng nên cũng được xem là các địa chỉ có tiềm năng hợp tác về lâu dài.
Dĩ nhiên, mô hình này vẫn có điểm hạn chế là Alpha Vision phải tốn nhiều thời gian, công sức, nguồn lực hơn là chỉ đầu tư tài chính đơn thuần. Bù lại, việc này giúp nâng cao tỷ kệ sống sót của các doanh nghiệp được đầu tư.
“Đối với Alpha Vision, con người luôn là cốt lõi của mọi vấn đề.”, Nhã Quyên cho biết.
Nhìn về tương lai, Nhã Quyên cho rằng, mục tiêu của cô cùng Alpha Vision là rút ngắn khoảng cách giữa các nhà đầu tư vào lĩnh vực truyền thống với các doanh nghiệp khởi nghiệp dùng công nghệ làm nền tảng.
Theo Nhã Quyên, nhiều nhà đầu tư truyền thống thấy được tiềm năng, tốc độ tăng trưởng doanh thu của các công ty dùng công nghệ làm nền tảng nhưng họ chưa hiểu rõ do những đặc thù khác biệt so với các hạng mục đầu tư khác, dẫn đến khó có niềm tin để đầu tư.
Cô tiết lộ, Alpha Vision đang thử nghiệm mô hình kết hợp giữa các chuyên gia trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp với các quỹ đầu tư không thuộc nhóm mạo hiểm và các công ty khởi nghiệp.
“Nếu trong hội đồng quản trị các công ty khởi nghiệp có chuyên gia 10 năm kinh nghiệm với nhiều mảng kinh doanh khác nhau, thì nhiều khả năng, niềm tin sẽ được cải thiện”, Nhã Quyên nói.