Doanh nghiệp
Nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng giá, sản xuất kinh doanh thêm khó
Thế Hoàng - 05/06/2022 09:24
Nguy cơ về gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị leo thang; giá cước vận tải, nguyên liệu ở mức cao đang tạo thêm khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh đang phải đối mặt với những khó khăn về giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng quá mạnh.

Bộ Công thương cho biết, giá cả các mặt hàng chiến lược, thiết yếu (xăng dầu, khí đốt) và giá các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất (than, gỗ, phân bón, titan, nhôm…) vẫn ở mức cao tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.

Theo đó, nguy cơ về gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị leo thang; giá cước vận tải ở mức cao tạo thêm khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Xung đột Nga-Ukraine tác động lớn đến chuỗi cung ứng nói chung và giá dầu thô từ Nga, đẩy giá thành ở các thị trường đó lên làm gia tăng áp lực lên thị trường thế giới, các loại hàng hóa như xăng dầu, phân bón, lương thực ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của Việt Nam, nhất là những ngành sử dụng nguyên liệu đầu vào như hóa chất, phân bón...

Mặc dù kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với Nga và Ukraine không lớn, song đây cũng là 2 quốc gia cung cấp nguồn nguyên liệu cơ bản, các loại nông sản như lúa mì, nguyên liệu như than, phân bón, các sản phẩm kim loại... nên khi xung đột kéo dài sẽ tác động đến giá cả trên thị trường toàn cầu, nhất là giá nguyên liệu đầu vào gia tăng.

Ngoài ra, việc triển khai các gói kích thích kinh tế của Chính phủ sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế nhưng cũng đồng thời gia tăng áp lực lạm phát.

5 tháng đầu năm 2022, chi nhập khẩu nhiều mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu đầu đã tăng rất mạnh. Trong đó, nhập khẩu các nhóm hàng năng lượng tăng cao, một phần do sản lượng nhập khẩu tăng, một phần do nguồn cung khan hiếm nên giá nhập khẩu tăng.

Kim ngạch nhập khẩu than đá tăng tới 109,8% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện than; xăng dầu các loại tăng 123,2%; dầu thô tăng 46,8%; Khí đốt hoá lỏng tăng 65,2%...

Nhập khẩu một số mặt hàng khác cũng tăng mạnh như: lúa mỳ tăng 39,5% (chủ yếu do sự tăng về giá); nguyên phụ liệu thuốc lá tăng 72,4%; hóa chất tăng 30,2%; phân bón tăng 48% (riêng ure tăng 107,9%); cao su các loại tăng 32,9%; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 28,6%; phôi thép tăng 39%...

Trước những dự báo sản xuất kinh doanh, xuất khẩu còn gặp khó do tác động từ nguyên nhân kể trên, Bộ Công thương chỉ đạo các đơn vị sản xuất bám sát diễn biến thị trường, nhu cầu thị trường, thúc đẩy sản xuất trong nước, thay thế cho nhu cầu nhập khẩu trong bối cảnh mặt bằng giá cả thế giới tăng cao.

Bộ cũng chỉ đạo các Thương vụ tích cực tìm kiếm, cung cấp và cập nhật thường xuyên danh sách các nhà phân phối, sản xuất xuất khẩu nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày, máy tính và các nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất của ngành hóa chất, đồ gỗ, sắt thép...

Rà soát, đánh giá nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng chiến lược như phân bón, xăng dầu, than,... để có biện pháp điều hành phù hợp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, vừa tận dụng được cơ hội về giá để xuất khẩu và đảm bảo nguồn cung đủ cho nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước đặc biệt trong trường hợp giá cả nguyên vật liệu tăng quá cao.

Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá

Ở bình diện chung, doanh nghiệp trong các ngành cần phối hợp, chia sẻ thông tin, nguồn lực, thị trường, sử dụng tối đa nguồn lực của từng đơn vị dịch vụ; phát huy nội lực, tăng cường và ưu tiên sử dụng các dịch vụ của nhau để thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu dùng nội địa.

Tin liên quan
Tin khác