Dịch vụ bưu chính - viễn thông thuộc ngành nghề kinh doanh tiếp cận có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài. |
Chọn - bỏ rạch ròi
Dự thảo Danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài đã hoàn tất, vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ.
Trong số này, có 15 ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận, gồm kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền nhà nước trong lĩnh vực thương mại; hoạt động báo chí và hoạt động thu thập tin tức dưới mọi hình thức; các dịch vụ hành chính tư pháp, bao gồm dịch vụ giám định tư pháp, dịch vụ thừa phát lại, dịch vụ đấu giá tài sản, dịch vụ công chứng, dịch vụ của quản tài viên...
Số ngành, nghề kinh doanh tiếp cận có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài trong Dự thảo có 51 ngành. Có thể nhắc tới ngành cung cấp dịch vụ phát thanh và truyền hình; bảo hiểm, ngân hàng, môi giới, kinh doanh chứng khoán và các dịch vụ có liên quan khác; dịch vụ bưu chính, viễn thông...
Đặc biệt, các ngành, nghề kinh doanh mới chưa thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam tại thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành cũng được đưa vào danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
“Chỉ cần không có tên trong danh sách này, với các ngành, nghề còn lại, nhà đầu tư nước ngoài được quyền tiếp cận thị trường không khác gì nhà đầu tư trong nước. Đây là lần đầu tiên, các nhà đầu tư tiên liệu được một cách rõ ràng về cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam như vậy”, bà Trịnh Thúy Hằng, chuyên gia Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phân tích.
Phải nói rõ, danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài là những ngành, nghề mà điều ước quốc tế về đầu tư và pháp luật Việt Nam có quy định phân biệt đối xử về điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, hiện được quy định rải rác ở nhiều văn bản như các hiệp định thương mại, các văn bản luật, pháp lệnh...
Lâu nay, khi quyết định đầu tư, góp vốn, mua cổ phần ở các doanh nghiệp Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải định vị mình thuộc nhóm đối tượng nào, từ đó tự tìm kiếm các văn bản, nghiên cứu các điều kiện tiếp cận thị trường, quy trình thực hiện.
Trao đổi về việc này, nhiều công ty tư vấn đầu tư thừa nhận, việc này không chỉ mất thời gian, mà còn khá rủi ro với nhà đầu tư. Nhiều khi, để xác định được tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài, cơ quan đăng ký đầu tư đã phải trình hỏi ý kiến nhiều cơ quan chuyên môn, đối chiếu nhiều văn bản, cam kết của Việt Nam với các đối tác... trước khi đưa ra con số cuối cùng.
“Đã có nhà đầu tư Nhật Bản lường trước khó khăn, làm thủ tục trước 1 năm, nhưng cuối cùng vẫn lỡ cơ hội vì chờ đợi quá lâu ý kiến từ các cơ quan có liên quan. Có danh mục, việc này có thể sẽ không còn”, một luật sư tư vấn đầu tư cho biết.
Nhà đầu tư được chọn điều kiện thuận lợi nhất
Theo quy định của Luật Đầu tư 2020, điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm 6 nội dung.
Đó là tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế; hình thức đầu tư; phạm vi hoạt động đầu tư; năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Có thể thấy, trong không ít trường hợp, một nhà đầu tư có thể là đối tượng điều chỉnh của nhiều quy định, điều ước quốc tế, tương đương sẽ có nhiều điều kiện phải tuân thủ, không dễ chốt được phương án nào là tối ưu.
Bài toán này cũng đã được giải trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư vừa được trình Chính phủ. Phương án đề xuất là cho phép nhà đầu tư chọn điều kiện thuận lợi hơn.
Cụ thể, trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của các điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác nhau về điều kiện tiếp cận thị trường đối với một ngành, nghề quy định tại Danh mục, thì nhà đầu tư được quyền lựa chọn áp dụng điều kiện theo một trong các điều ước đó (tất nhiên, trừ khi các điều ước quốc tế có liên quan có quy định khác). Nhưng khi đã chọn áp dụng theo điều ước nào, thì nhà đầu tư nước ngoài phải tuân thủ cả quyền và nghĩa vụ theo quy định của điều ước quốc tế đó.
Nếu nhà đầu tư nước ngoài thuộc vùng lãnh thổ không phải là thành viên WTO, thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam được áp dụng điều kiện đầu tư như quy định đối với nhà đầu tư thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên WTO, trừ trường hợp pháp luật và điều ước quốc tế giữa Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ đó có quy định khác.
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng điều chỉnh của điều ước quốc tế về đầu tư mà điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư đó theo điều ước quốc tế về đầu tư đó thuận lợi hơn cho nhà đầu tư so với quy định của pháp luật Việt Nam, thì nhà đầu tư được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường theo điều ước quốc tế về đầu tư đó.
Đặc biệt, đối với những ngành, nghề mà Việt Nam chưa cam kết về đối xử quốc gia theo điều ước quốc tế về đầu tư và pháp luật Việt Nam cũng không có quy định về phân biệt đối xử đối với nhà đầu tư nước ngoài, thì nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư đã có quy định cụ thể, hướng dẫn thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế không phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi thành viên, cổ đông tại cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế, trừ các trường hợp thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư.
Tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không phải thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư đã thực hiện trước thời điểm nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.