Đây là nguyên tắc chủ đạo trong xây dựng Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, sẽ thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69).
Nguyên tắc trên được cho là sẽ tạo nên cuộc cách mạng trong quản lý vốn đầu tư nhà nước, cũng như tạo động lực mới cho khu vực doanh nghiệp nhà nước. Điều này có nghĩa, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư sẽ được ở đúng vị trí.
Thứ nhất, là pháp nhân tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập, có tài sản độc lập và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình theo Luật Dân sự.
Thứ hai, được tổ chức và hoạt động theo quy định pháp luật chung về doanh nghiệp, trước hết là Luật Doanh nghiệp.
Còn Nhà nước sẽ trở về đúng vai trò là một nhà đầu tư chuyên nghiệp trong thị trường cạnh tranh, hội nhập.
Đây chính là những điều mà các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mong đợi từ rất lâu. Đây cũng chính là mục tiêu của yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện trong công tác quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đã được đặt ra tại Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Thực tế, Luật 69 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu đổi mới, hội nhập, cơ cấu lại doanh nghiệp có vốn nhà nước... Song, các quy định hiện hành vẫn chưa tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước như yêu cầu của Nghị quyết số 12-NQ/TW.
Việc xác định nội hàm quản lý đối với vốn nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp cũng chưa được xuyên suốt, còn đồng nhất vốn, tài sản của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư là vốn, tài sản của Nhà nước, dẫn tới cách hiểu khác nhau, hoạt động can thiệp trực tiếp vào hoạt động quản trị của doanh nghiệp. Việc thực hiện các quyền của chủ sở hữu Nhà nước với vai trò là nhà đầu tư vốn (góp vốn) vào doanh nghiệp chưa được thống nhất thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn.
Hệ quả là, những quy định mang tính hành chính đã can thiệp khá sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Việc đầu tư vốn, bao gồm cả bổ sung và rút vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa được quy định cụ thể, chưa tạo tính chủ động, kịp thời, linh hoạt... Ngay cả việc đánh giá xếp loại doanh nghiệp, cũng như việc đánh giá bảo toàn vốn của doanh nghiệp cũng trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp có vốn nhà nước khi đòi hỏi doanh nghiệp phải đảm bảo “trăm trận, trăm thắng”, không chấp nhận bất cứ khoản đầu tư mạo hiểm nào cho dù khu vực doanh nghiệp này là chủ thể chính trong việc thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao…
Những hạn chế, tồn tại trên được xác định là nguyên nhân gốc rễ dẫn tới sự thiếu năng động, sáng tạo của khu vực doanh nghiệp đang nắm giữ nguồn lực rất lớn của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh đòi hỏi những chuyển dịch lớn, theo xu hướng phát triển xanh, chuyển đối số…
Những thay đổi trong Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ tạo không gian phát triển mới cho khu vực doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, cũng như các doanh nghiệp có vốn nhà nước. Mặc dù vậy, vẫn phải nhấn mạnh rằng, việc cụ thể hóa từ nguyên tắc đến các điều khoản cụ thể đòi hỏi nỗ lực rất lớn, nhất là khi thời gian từ giờ tới tháng 10/2024 - thời điểm hoàn thiện trình Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp không còn nhiều.