Chị Nguyễn Thị Thùy Mỵ và chồng - anh Michael Phan - cùng nhau sáng lập và gây dựng thương hiệu Love&Spice |
Khởi đầu từ tình yêu
“Bạn sẽ không thể tìm ra một sản phẩm làm bạn vừa khóc, vừa cười như tương ớt của chúng tôi”, Nguyễn Thị Thùy Mỵ hào hứng chia sẻ cùng phóng viên Báo Đầu tư.
Với tên gọi “cay quá đã”, “cay như quỷ”…, những chai tương ớt của Love&Spice đủ khiến khách hàng bật cười khi lần đầu tiếp xúc, để rồi sau đó, họ phải xuýt xoa, thậm chí chảy nước mắt vì độ cay của sản phẩm.
Thùy Mỵ tiết lộ, sản phẩm của Love&Spice được sản xuất bằng nguồn hạt giống của những loại ớt cay nhất thế giới. Start-up nhập khẩu các hạt giống này trực tiếp từ Mỹ để đảm bảo hương vị sản phẩm đạt độ siêu cay tiêu chuẩn, tính theo bậc thang Scoville.
Dòng tương ớt “nhẹ nhàng” nhất của Love&Spice có độ cay khoảng 350.000 đơn vị Scoville, tức cay gấp 6 lần ớt hiểm (ớt thóc). Trong khi đó, dòng cay nhất được sản xuất từ họ ớt Reaper, giống ớt phát triển trong phòng thí nghiệm với độ cay lên tới 2,2 triệu đơn vị Scoville, 10 năm liên tục (2013 - 2023) đạt kỷ lục Guinness thế giới.
Thùy Mỵ kể, nhà đầu tư thiên thần đầu tiên của Love&Spice từng phải luyện tập suốt 1 năm để hoàn thành chặng đua 42 km trong 7 giờ đồng hồ và trở thành marathoner top 1% thế giới, khi đó, các điều khoản rót vốn mới có hiệu lực. Nếu không, start-up sẵn sàng hoàn trả lại tiền cho nhà đầu tư.
“Cuộc sống của chúng ta hướng đến sự cân bằng giữa tiền và sức khỏe. Tôi muốn tìm những nhà đầu tư giúp start-up phát triển hơn, nhưng chúng tôi cũng sẽ giúp họ khỏe mạnh hơn”, Nhà sáng lập Love&Spice nói.
Câu chuyện rất thú vị về thương hiệu tương ớt siêu cay Love&Spice được phát triển bởi tình yêu ngọt ngào của vợ chồng anh Michael Phan và chị Thùy Mỵ, cùng tình yêu với mảnh đất Việt Nam và nền nông nghiệp quê nhà.
Michael Phan mang một nửa dòng máu Việt. Sau khi kết hôn cùng Thùy Mỵ, anh quyết định rời Mỹ về Việt Nam. Vốn là người rất thích ăn cay, nhưng Michael Phan không thể tìm được sản phẩm tương ớt siêu cay như ý ở Việt Nam. Tại Mỹ, tương ớt siêu cay rất phổ biến, thậm chí, có sản phẩm được bán với giá từ 100 USD mỗi chai trên Amazon.
Nhìn thấy phân khúc thị trường còn bị bỏ trống, Michael Phan và Thùy Mỵ quyết định khởi nghiệp sản xuất tương ớt. Họ đầu tư hàng trăm triệu đồng để nhập khẩu hạt giống, sau đó gửi đi trồng thử trên một số dạng địa hình. Thùy Mỵ nhận ra, ớt trồng ở vùng cao cho trái to hơn, nhưng không có nhiều mùi thơm; còn trồng ở vùng thấp, thì cây hay bị úng rễ. Cuối cùng, họ chọn gây dựng vùng nguyên liệu ở Đồng Nai, nơi vừa có khí hậu nắng, gió phù hợp, vừa tiện cho mô hình sản xuất khép kín từ trang trại đến bàn ăn.
Để có được những cây ớt ra trái chín đỏ mọng và những mẻ tương ớt đậm vị cay nồng, Thùy Mỵ và chồng dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu, học hỏi kiến thức. Nhưng, mọi chuyện không hề dễ dàng, bởi trước đó, họ đều chưa từng làm công việc liên quan đến trồng trọt và sản xuất.
Thùy Mỵ kể, chị không bao giờ quên hình ảnh trang trại ngập trong cơn mưa lớn, hơn 10.000 cây ớt bị úng rễ, phải vứt bỏ hoàn toàn; càng không quên nỗi nót xa khi tự mình đổ bỏ 1 tấn ớt vì sản phẩm lỗi, hay trong quá trình ủ ớt lên men, chồng chị bị bỏng một bên cánh tay khi mở thùng ủ và khí gas phun trào...
Khó khăn là thế, song vợ chồng chị luôn lạc quan. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Thùy Mỵ nhiều lần nói rằng, mình đã gặp may trong hành trình khởi nghiệp. Kể cả việc gây dựng Love&Spice đúng lúc Covid-19 bùng phát, chị cũng cho là may mắn, vì nhờ giãn cách xã hội, mà chị có thể tập trung toàn bộ sức lực và tâm trí vào trang trại trồng ớt, không bị xao nhãng bởi những hoạt động bên ngoài. Covid-19 cũng thúc đẩy xu hướng mua sắm online, nên Love&Spice chỉ cần tập trung vào sản xuất, không tốn chi phí thuê mặt bằng bán hàng.
“Mỗi lần đối diện với những điều không mong muốn là một lần chúng tôi học thêm bài học kinh nghiệm mới. Chúng tôi nỗ lực vượt qua và rất tự hào, nên chưa bao giờ tự thấy gặp khó khăn cả”, Thùy Mỵ trải lòng.
Lan tỏa lối sống lành mạnh
Nguyễn Thị Thùy Mỵ (biệt danh Thị Hến) là gương mặt quen thuộc trong làng chạy marathon phong trào Việt Nam. Chị được nhiều người biết đến từ khi trở thành “Ironmom” (mẹ sắt) đầu tiên của Việt Nam vào năm 2019 (với thành tích hoàn thiện hạng mục thi cá nhân Full Ironman tại Đài Loan, gồm bơi 3,8 km, đạp xe 180 km, chạy 42 km). Chị cũng gây ấn tượng mạnh với màn cầu hôn anh Michael Phan, tại vạch đích giải đua Ironman 70.3 Đà Nẵng, tháng 5/2022.
Nếu ví hành trình phát triển Love&Spice là một chặng ultra marathon 100 km, thì Thùy Mỵ tự đánh giá, doanh nghiệp của họ đang đi tới mốc 42 km.
Hiện tại, sản phẩm tương ớt Love&Spice được bán với nhiều mức giá khác nhau, tùy theo cấp độ cay, thấp nhất là gần 100.000 đồng/chai 120 gram và cao nhất là 300.000 đồng/chai. Mức giá này thấp hơn so với mốc 400.000 đồng/chai ở thời điểm sản phẩm mới ra mắt. Nhà sáng lập vẫn nhớ, lúc đó, chị duy trì 2 nguyên tắc khi đưa sản phẩm ra thị trường: hoặc chỉ tặng, không bán; hoặc bán nguyên giá. Thậm chí, vì số lượng sản phẩm ít hơn so với nhu cầu, chị từng yêu cầu khách hàng hoàn thành đường chạy 10 km, thì mới được mua 1 chai; hoàn thành 20 km, thì được mua 2 chai. Có khách hàng muốn mua 3 chai, chị “giảm giá” từ 30 km xuống còn 21 km.
“Thể thao giúp cuộc sống của mình vui vẻ, lạc quan hơn và thêm niềm tin vào tình yêu. Tôi không chỉ muốn bán sản phẩm, mà còn muốn lan tỏa lối sống tích cực nhờ thói quen chạy - bơi - đạp xe tới mọi người”, Thùy Mỵ tâm sự.
Trong khi nhiều nhà sáng lập quá tập trung vào công việc, bỏ quên thời gian cho bản thân, thì mỗi buổi sáng, Thùy Mỵ vẫn dành từ 45 phút đến hơn 1 tiếng để chạy bộ.
Bên cạnh yêu cầu bắt buộc trong công việc, mỗi nhân viên của Love & Spice cũng cần đưa mục tiêu sức khỏe vào KPI (chỉ số đo lường hiệu quả công việc) của mình. Nhà sáng lập đích thân hướng dẫn và đặt mục tiêu cụ thể cho họ, tùy vào năng lực của từng cá nhân. Cuối năm, nhân viên nào đạt KPI thì được thưởng thêm, những người không đạt có thể phải rời khỏi doanh nghiệp.
“Vì nhiều lý do, có những nhân sự rời Love&Spice giữa chừng, nhưng các bạn ấy vẫn duy trì thói quen thể thao. Đó cũng được coi như món quà Công ty tặng các bạn, để xây dựng tương lai tốt hơn”, Thùy Mỵ chia sẻ.
Năm 2022, Love&Spice gọi vốn lần đầu tiên từ một nhà đầu tư thiên thần. Đội ngũ sáng lập cũng đang muốn tìm thêm những nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, cách start-up này tìm người cùng góp vốn khá đặc biệt. Theo đó, nhà đầu tư không chỉ là những người dư dả về tài chính, mà quan trọng hơn, họ cần sẵn sàng tham gia hoạt động thể thao, để hướng tới một lối sống khỏe khoắn.
Trong lúc chờ nhà đầu tư xuất hiện, đội ngũ Love&Spice vẫn nỗ lực từng ngày. Sắp tới, đơn hàng xuất khẩu chính ngạch đầu tiên của Love&Spice sẽ cập bến thị trường Đức. Cuối năm nay, start-up dự kiến ra mắt dòng sản phẩm giảm độ cay để mở rộng tệp khách hàng.
Khi được hỏi, liệu yêu cầu khắt khe của start-up có khiến công cuộc tìm kiếm nhà đầu tư trở nên khó khăn, Thùy Mỵ khẳng định: “Chưa gặp nhà đầu tư mong muốn, thì chúng tôi đi chậm hơn một chút. Nhưng tôi tin, bằng nhiệt huyết của hai vợ chồng cũng như đội ngũ nông dân 4.0 nòng cốt có cùng đam mê, sớm muộn gì, thiên thần phù hợp sẽ xuất hiện”.