Nhà lãnh đạo với tư duy đổi mới
Là một trong những người có may mắn được tiếp xúc, tham dự các cuộc họp, làm việc do nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười chỉ đạo hay báo cáo trực tiếp một số công việc với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ khi làm Vụ phó Vụ Công nghiệp A của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cảm nhận, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là người rất sâu sắc, am hiểu và quan tâm đến phát triển kinh tế đất nước.
Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Nhật Bản Tomiichi Murayama trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản ngày 18-19/4/1995. Ảnh: TTXVN |
Những năm 80 của thế kỷ XX, khi có chủ trương thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), xây dựng Luật Đầu tư nước ngoài, việc đề xuất cho phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài là rất táo bạo, mới mẻ, bởi ngay cả các quốc gia đã mở cửa cho đầu tư nước ngoài sớm hơn như Thái Lan cũng chưa có hình thức đó. Do vậy, trong nước còn nhiều ý kiến khác nhau. Khi đó, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã sớm khẳng định cần phải làm, với tư duy mở vẫn có thể quản lý được, mở mới tạo đột phá, thu hút đầu tư vào Việt Nam.
Trong bối cảnh chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường, một số ý kiến đặt vấn đề có nên duy trì ngành kế hoạch hay không? Nhiều cán bộ kinh tế kế hoạch lo ngại. Khi đó, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, với cái nhìn dài hạn, vẫn khẳng định, muốn phát triển kinh tế - xã hội, thì luôn phải làm việc có kế hoạch, có định hướng phát triển rõ ràng. Ông nhấn mạnh, ngành kế hoạch phải làm tốt hai yếu tố gắn với chữ “cơ” là cơ cấu kinh tế và cơ chế chính sách để phát triển kinh tế.
Năm 1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã lựa chọn một nhân sự am hiểu về ngành kế hoạch, có tư duy kinh tế sắc sảo, đó là ông Phan Văn Khải, khi đó là Chủ tịch UBND TP.HCM đảm đương cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Các lãnh đạo của Ủy ban là ông Phan Văn Khải, ông Đậu Ngọc Xuân thường xuyên nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười.
Những năm 1990, trong bối cảnh các nước XHCN dần tan rã, phương Tây cấm vận, nước ta chuẩn bị làm kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (1991 - 1995), các nguồn lực truyền thống để xây dựng, phát triển đất nước coi như không còn. Khi đó, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã làm việc với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cả một tuần liên tục, trong đó dành 3 ngày để bàn về công nghiệp. Nhiều vấn đề cốt lõi, mang tính chiến lược được nêu ra bàn thảo, như việc phát huy nội lực như thế nào? Kinh tế nông nghiệp có vai trò gì? Thậm chí đề cập vấn đề khai thác tiềm năng của khu vực kinh tế tư nhân ra sao? Về ngoại lực, nêu vấn đề mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài sao cho hiệu quả? Khi chuẩn bị văn kiện trình Đại hội VII, những vấn đề phát huy nội lực, ngoại lực như thế nào đã được đưa vào.
Tầm nhìn dài hạn
Không chỉ quan tâm tới xây dựng một môi trường, cơ chế, chính sách trong nước tốt để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, với quan điểm thu hút nguồn lực phát triển đất nước, chuẩn bị kế hoạch 1991 - 1995 và kế hoạch 10 năm, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII năm 1991, Đảng ta đã đưa ra quan điểm “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước”, đồng thời tích cực vận động các quốc gia từng có quan hệ truyền thống với Việt Nam ủng hộ sự nghiệp đổi mới của chúng ta. Đồng thời, thông qua các quốc gia này, tiếp tục mở rộng quan hệ, vận động họ tác động để Mỹ dỡ bỏ cấm vận, tiến tới bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Năm 1993, Tổng Bí thư Đỗ Mười đưa ra chương trình mở rộng quan hệ với các đảng cầm quyền ở các nước và đến thăm, làm việc, trao đổi với họ như Hàn Quốc, Nhật Bản, một số nước châu Âu.
Lễ đón Tổng bí thư Đỗ Mười thăm chính thức New Zealand (tháng 7/1995) - Ảnh: TTXVN |
Đồng chí Đỗ Mười đã cùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo và trực tiếp thực hiện nhiều chuyến thăm, làm việc, kết nối quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á, Nam Á, một số nước châu Âu… như Singapore, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Australia, New Zealand… Một số nước Đông Nam Á đã sớm có doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam.
Tổng thống Hàn Quốc Kim Young-sam hội đàm với Tổng bí thư Đỗ Mười tại Seoul, Hàn Quốc (tháng 4/1995) - Ảnh: TTXVN |
Với hướng đi đúng đắn và hoạt động tích cực đó, năm 1994 - 1995, Việt Nam bắt đầu đón nhận nhiều kết quả tích cực từ quá trình vận động, mở rộng quan hệ quốc tế, như việc Mỹ bỏ cấm vận năm 1994, bình thường hóa quan hệ với Việt Nam năm 1995; Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995, ký Hiệp định khung với Liên minh châu Âu...
“Trong nhiều chuyến đi thăm và làm việc, mở rộng quan hệ đó của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, tôi được giao tham gia chuẩn bị nội dung, soạn thảo tài liệu phục vụ trao đổi, hợp tác dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư và Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tôi nhận thấy, Tổng Bí thư Đỗ Mười đặc biệt quan tâm tới tầm nhìn dài hạn, chuẩn bị các kế hoạch 5 năm, 10 năm và xa hơn”, nguyên Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhớ lại.
Khi làm việc với Thủ tướng Nhật Bản lúc đó, ngài Tomiichi Murayama - Chủ tịch Đảng Xã hội Nhật Bản, Tổng Bí thư Đỗ Mười rất quân tâm tới việc học hỏi chiến lược phát triển của Nhật Bản, một quốc gia phát triển từng trải qua những thời kỳ rất khó khăn. Khi đề xuất với Thủ tướng Nhật Bản, cảm nhận sự chân tình, cởi mở của Tổng Bí thư Đỗ Mười, Thủ tướng Tomiichi Murayama đã nhất trí ngay việc cử một đoàn chuyên gia đầu ngành của Nhật Bản tới Việt Nam hỗ trợ, tham vấn chính sách, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Theo nguyên Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, đây là một sự đổi mới thực sự về tư duy của Tổng Bí thư, khi những suy nghĩ về sự khác biệt về chế độ chính trị, trình độ phát triển còn khá phổ biến, thì Tổng Bí thư đã lựa chọn và lắng nghe những ý kiến cởi mở, khoa học từ các chuyên gia bạn.
Sớm tham gia hoạt động cách mạng và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, được tôi luyện, trưởng thành qua các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Đỗ Mười đã từng trải qua nhiều cương vị công tác, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Trong những năm giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng (6/1991-12/1997), với kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đồng chí Đỗ Mười đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đoàn kết, thống nhất, lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đồng chí đã được trao tặng Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng.