Ngân hàng - Bảo hiểm
Nhà băng nhỏ đồng loạt tăng vốn
Thùy Vinh - 30/10/2018 09:33
Thị trường khởi sắc, kết quả kinh doanh khả quan, nhiều ngân hàng nhỏ lên kế hoạch tăng vốn và niêm yết trên sàn chứng khoán.
TIN LIÊN QUAN

Đồng loạt lên kế hoạch tăng vốn

Ngân hàng Nhà nước vừa chấp thuận cho Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng, theo phương án tăng vốn đã được Đại hội đồng cổ đông ngân hàng này thông qua. Tại cuộc họp thường niên năm 2018, các cổ đông của nhà băng này đã thông qua 2 đợt tăng vốn điều lệ với quy mô lần lượt là 200 tỷ đồng và 500 tỷ đồng để tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 3.700 tỷ đồng.

.

Trong khi đó, Nam A Bank cũng vừa phát hành cổ phiếu trả cổ tức tăng vốn điều lệ. Phương án phát hành thực hiện theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2018 của nhà băng này. Phát hành cổ phiếu để trả cổ tức là một trong 2 hình thức của Nam A Bank nhằm tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng, từ mức 3.021 tỷ đồng hiện nay. 

Theo đó, Nam A Bank phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 11%, tổng số tiền tăng vốn là 332 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà băng này sẽ tăng vốn bằng việc phát hành cổ phiếu phổ thông với lượng chào bán hơn 164,6 triệu cổ phần, dự kiến thu về 1.646 tỷ đồng. Đối tượng phát hành là cổ đông hiện hữu (dự kiến 906 tỷ đồng); cán bộ, nhân viên ngân hàng (dự kiến hơn 45 tỷ đồng) và phát hành ra bên ngoài (khoảng 695 tỷ đồng). 

Tương tự, Vietbank cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ lên trên 4.256 tỷ đồng, từ mức 3.249 tỷ đồng hiện nay, thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động. Đây là phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ Vietbank thông qua ngày 26/4/2018 và được HĐQT sửa đổi, bổ sung vào ngày 14/6/2018. 

Theo kế hoạch của Vietbank, trong điều kiện bình thường thì trong 2 năm 2018 - 2019, Ngân hàng tăng vốn thêm 500 tỷ đồng/năm; năm 2020 tăng thêm 1.000 tỷ đồng. Nếu thực hiện đúng kế hoạch thì đến năm 2020, vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ đạt mức 5.300 tỷ đồng. 

Rốt ráo chuẩn bị lên sàn

Về kế hoạch niêm yết, Vietbank cho biết, trước mắt sẽ tăng vốn điều lệ và đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM và sẽ niêm yết trên sàn HoSE chậm nhất là năm 2020. 

Trong khi đó, Nam A Bank vừa có thông báo về việc chốt danh sách cổ đông để đăng ký giao dịch chứng khoán trên thị trường UPCoM trước khi niêm yết trên sàn HoSE. Theo đó, sau ngày 22/10, thủ tục chuyển nhượng cổ phiếu Nam A Bank tạm dừng để chuẩn bị cho viêc đăng ký giao dịch trên UPCoM. Ngày 24/10, Nam A Bank đã chốt danh sách cổ đông để đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn UPCoM.

Trong khi nhiều ngân hàng đã rầm rộ công bố lên sàn, thì một số nhà băng như VietA Bank, Vietbank, Saigonbank… vẫn chưa đăng ký giao dịch trên UPCoM. 

Theo Thông tư số 180/2015/TT-BTC ngày 13/11/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán, các công ty đại chúng có cổ phần chưa được niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán phải thực hiện đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống UPCoM không muộn hơn ngày 31/12/2016. 

Trong 2 năm qua, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tất cả các ngân hàng đều phải lên sàn chứng khoán, nhằm nâng cao tính minh bạch trong các giao dịch mua bán cổ phiếu cũng như thông tin minh bạch về các báo cáo tài chính. Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng đã nhiều lần có công văn nhắc nhở về chủ trương tất cả các ngân hàng thương mại phải niêm yết trên sàn chứng khoán. 

Trong khi đó, thay vì lên sàn UPCoM, một số nhà băng như TPBank, HDBank đã xin ý kiến cổ đông thông qua việc sớm niêm yết trên sàn chứng khoán chính thức là HoSE hoặc HNX.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn Vina Capital cho rằng, việc một số nhà băng có kế hoạch bỏ qua UPCoM để niêm yết trên sàn chính thức là động thái tốt, tác động lên cổ phiếu ngân hàng. Dẫu vậy, việc thực hiện của các ngân hàng còn phụ thuộc vào diễn biến thị trường, bởi việc niêm yết cần đợi thời điểm thích hợp mới có thể nâng cao thanh khoản cổ phiếu.

Tin liên quan
Tin khác