Ngân hàng
Nhà băng rầm rộ báo lãi; Cảnh báo tình trạng lợi dụng ví Momo để đánh bạc
T.L - 23/01/2022 15:44
Lợi dụng ví Momo để đánh bạc, ngân hàng án binh chờ hướng dẫn gói cấp bù lãi suất, rầm rộ báo lãi, song sóng cổ phiếu khó quay lại… là tâm điểm ngân hàng tuần qua.

Nhu cầu rút tiền qua ATM giảm mạnh, ngân hàng không lo nghẽn ATM

Mặc dù chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, song tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khu công nghiệp, lượng khách hàng rút tiền tại các máy ATM khá thưa thớt.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Tiền mặt của Vietcombank cho hay, tần suất tiếp quỹ trung bình của Vietcombank hiện là 2 ngày/lần/máy.

“Nhu cầu rút tiền của khách hàng năm nay không nhiều như các năm trước, hoạt động tiếp quỹ của Vietcombank vẫn diễn ra bình thường. Ngay tại cả các khu công nghiệp, nhu cầu cũng chỉ tăng nhẹ, thay vì tăng gấp 3 - 4 lần như những năm chưa xảy ra dịch bệnh”, ông Tuấn cho hay.

Cũng giống như Vietcombank, nhiều ngân hàng thương mại khác cho biết, dịp Tết năm nay, tần suất tiếp quỹ ATM giảm mạnh. Có những năm ngân hàng phải tăng tốc độ tiếp quỹ lên 2-3 lần/ATM/ngày, thì hiện nay, cách ngày mới phải tiếp quỹ một lần, lượng tiếp quỹ cũng không nhiều như trước.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2021, giao dịch rút tiền mặt qua ATM giảm 5% so với năm trước. Covid-19 cùng giãn cách xã hội trên diện rộng trong năm 2021 đã khiến người dân thay đổi mạnh mẽ thói quen chi tiêu tiền mặt.

Bên cạnh sự thay đổi thói quen của người dân, có nhiều yếu tố khiến giao dịch rút tiền qua ATM giảm, như thu nhập người dân sụt giảm, việc đi lại hạn chế, sức cầu trong nước cũng thấp hơn nhiều năm trước...

Ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho hay, ngành ngân hàng đã chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng mọi nhu cầu tiền mặt cuối năm của người dân. Tuy nhiên, ông Dũng dự đoán, nhu cầu rút tiền mặt tại cây ATM vào dịp cuối năm nay sẽ không lớn như mọi năm, do người dân có xu hướng thanh toán bằng thẻ và thanh toán điện tử.

Thanh toán không tiền mặt phát triển đang giảm tải rất lớn cho hệ thống ngân hàng về lưu thông, bảo quản tiền mặt cũng như duy tu, bảo dưỡng hệ thống máy ATM.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank - ngân hàng thương mại đảm trách khoảng 1/3 lượng tiền mặt trong lưu thông của cả nước - cho hay, chi phí để vận hành tiền mặt cũng như số lượng lao động để phục vụ các giao dịch về lưu thông tiền mặt chiếm một chi phí tương đối lớn với Agribank. Vì vậy, thanh toán không dùng tiền mặt phát triển sẽ giúp Ngân hàng tiết kiệm rất nhiều chi phí.

Theo phản ánh của một số ngân hàng thương mại, hiện nay, cơ cấu một số mệnh giá nhỏ có ít hơn so với loại tiền lớn. Tuy nhiên, với lượng tiền mặt dồi dào như hiện nay, các ngân hàng đảm bảo dư thừa lượng tiền mặt đáp ứng mọi nhu cầu tiền mặt cho khách hàng trước và sau Tết. Hiện tại, các ngân hàng đều có hệ thống giám sát việc tiếp, nạp quỹ ở các máy ATM, theo dõi thường xuyên tình trạng tồn quỹ, nên sẽ không để xảy ra hiện tượng khan hiếm, thiếu tiền tại ATM.

 Bà Nguyễn Thị Hồng Quyên, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho hay, năm 2021, số lượng giao dịch thực hiện qua hệ thống NAPAS tăng 94% về số lượng giao dịch và tăng 131% về giá trị giao dịch so với năm 2020.

Năm 2022: Lợi nhuận ngân hàng vẫn tốt, nhưng sóng cổ phiếu khó quay lại

Theo các chuyên gia phân tích, việc tăng vốn, nới room ngoại, chuyển sàn có thể dẫn dắt cổ phiếu ngân hàng, song năm 2022, cổ phiếu ngân hàng khó có sóng ngành mà sẽ có sự phân hóa mạnh.

Bà Trần Thị Khánh Hiền - GĐ Khối Phân tích VNDirect cho rằng, năm 2022, thị trường chứng khoán vẫn sẽ chứng kiến thanh khoản tốt nhơ sự tham gia nhiệt tình của nhà đầu trong nước, lượng tài khoản mở mới tăng cao. 

Đối với ngành ngân hàng, khả năng lợi nhuận năm 2022 vẫn tăng trưởng tốt nhưng chỉ ở mức 19%, thấp hơn mức tăng trưởng năm 2022. Việc tăng vốn, nới room ngoại, chuyển sàn có thể dẫn dắt cổ phiếu ngân hàng. Tuy vậy, theo bà Hiền, năm 2022, khó có sóng ngành ngân hàng. Thay vào đó, cổ phiếu ngân hàng sẽ có sự phân hóa, cơ hội không đồng đều.

Theo đó, ngân hàng nào có khả năng tăng trưởng mạnh tín dụng và thu nhập ngoài lãi, có chất lượng tài sản tốt thì sẽ có lợi thế.   

“Về cổ phiếu ngân hàng, hiện định giá cổ phiếu ngân hàng thấp hơn khoảng 15% của đỉnh năm 2021. Vừa qua, khi dòng tiền tập trung quá nhiều vào BĐS, cổ phiếu vừa và nhỏ khiến định giá nhóm này lên rất cao, thì điều này lại đưa định giá NH trở nên hợp lý, hiện P/B khoảng 2 lần. Tỷ lệ sinh lời của các ngân hàng niêm yết là khoảng 18-20%. Nếu so với các ngân hàng khu vực thì ngân hàng Việt Nam khá hấp dẫn, do đó dư địa ngân hàng Việt Nam được định giá lại, có dư địa tăng trưởng còn khá lớn”, Bà Hiền nhận định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Danh Lương - thành viên HĐQT độc lập ABBank nhận định, năm 2022 và các năm tới, xu hướng của ngành đang có sự lạc quan nhất định, cùng với sự phục hồi của doanh nghiệp. Gói kích cầu quy mô lớn cùng hành lang chính sách được cải thiện sẽ hỗ trợ cho lợi nhuận ngân hàng.  

Mặc dù biên lợi nhuận thuần (NIM) của các ngân hàng năm 2022 khó có thể cải thiện  song dư địa tăng thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng rất tốt. Bên cạnh đó, tỷ lệ chi phí hoạt động (CIR) của các ngân hàng có xu hướng giảm khá mạnh trong năm 2021 nhờ chuyển đổi số.

Nợ xấu là rủi ro đáng kể nhất trong năm 2022. Tuy nhiên, ở thời điểm này, các ngân hàng Việt Nam đã khỏe hơn nhiều so với các lần khủng hoảng trước khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu nhiều ngân hàng rất cao, nhiều bank đạt trên 200%. Và khá nhiều ngân hàng trích lập 50-60% lợi nhuận trước dự phòng, để chuẩn bị cho việc nợ xấu có thể cao hơn nữa trong năm 2022. 

Rộ tình trạng lợi dụng ví điện tử Momo để đánh bạc, Ngân hàng Nhà nước lên tiếng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản trả lời phản ánh của người dân về tình trạng lợi dụng ví điện tử Momo để tổ chức đánh bạc trá hình.

NHNN cho hay, hiện nay, dịch vụ ví điện tử do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng mang lại nhiều tiện ích, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, như bất kỳ dịch vụ nào khác, dịch vụ ví điện tử cũng có thể bị lợi dụng cho hoạt động bất hợp pháp, trong đó có hoạt động đánh bạc như thông tin đã phản ánh.

Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành (Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước…) luôn phối hợp chặt chẽ để xử lý tình trạng lợi dụng dịch vụ ví điện tử để cá độ, đánh bạc và cung cấp trò chơi điện tử trên mạng bất hợp pháp.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên theo dõi, kịp thời cảnh báo, chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán về phương thức thủ đoạn tội phạm và các biện pháp phòng ngừa.

Về phía các tổ chức trung gian thanh toán, các tổ chức này cũng đã tích cực rà soát phát hiện nhiều trường hợp lợi dụng thương hiệu và hoạt động ví điện tử để thực hiện các hoạt động bất hợp pháp (cờ bạc, lừa đảo…) và cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Thông tin về các trường hợp lợi dụng ví điện tử để đánh bạc như phản ánh, trong đó bao gồm trang https://chanlemomo.win/ và các tài khoản liên quan cũng đã được tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phản ánh đến cơ quan chức năng để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Những năm gần đây, hàng loạt đường dây đánh bạc, sàn tiền ảo, sàn ngoại hối (forex) lừa đảo sử dụng ví điện tử vào mục đích phi pháp khiến cơ quan chức năng lo ngại.

Theo đánh giá của NHNN, mặc dù mang lại rất nhiều tiện ích, song ví điện tử cũng đang có dấu hiệu bị lợi dụng cho các hoạt động bất hợp pháp (đánh bạc online, cá độ bóng đá, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…). Chính vì vậy, NHNN đang nghiên cứu sửa Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012 theo hướng bổ sung 4 nhóm đối tượng rủi ro cao vào diện bắt buộc báo cáo, trong đó có trung gian thanh toán.

Được biết, dù Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012 chưa đưa các trung gian thanh toán vào đối tượng báo cáo, song do đánh giá rủi ro cao của ví điện tử, NHNN từ lâu đã yêu cầu các trung gian thanh toán phải thực hiện quy định nội bộ về phòng chống rửa tiền. Tuy vậy, việc chính thức đưa vào đối tượng phải báo cáo theo luật sẽ giúp các trung gian thanh toán nâng cao hơn trách nhiệm giám sát của mình.

Theo đại diện NHNN, ví điện tử đang có dấu hiệu bị lợi dụng trong nhiều hoạt động bất hợp pháp. Minh chứng là liên tiếp các đường dây đánh bạc bị triệt phá gần đây đều sử dụng ví điện tử. Vì vậy, các ví điện tử cần nghiêm túc nhìn lại chính mình xem việc tuân thủ pháp luật đã tốt hay chưa, đã nhận rõ hết các rủi ro hay chưa.

Ví điện tử từ lâu đã được Lực lượng Đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) nhận định có tính rủi ro rất cao, đồng thời khuyến nghị các quốc gia cần đưa các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (đặc biệt là cung ứng dịch vụ ví điện tử) vào danh sách đối tượng phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Thực tế, hiện nay, các quy định về ví điện tử của NHNN đã tương đối thông thoáng, nên ví điện tử mới có tốc độ phát triển như vũ bão thời gian qua. Thống kê của NHNN cho thấy, hiện cả nước có  90 triệu tài khoản ví.

Như vậy, quy mô tài khoản ví đã lớn gấp đôi quy mô khách hàng của một ngân hàng cỡ lớn. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng của ví điện tử những năm qua thường lên tới 3 con số, cao hơn rất nhiều lần so với tăng trưởng của thẻ ngân hàng, giao dịch Internet banking. Đáng nói là, trên 90% ví điện tử đã có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài

Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế tốt hơn trong năm 2022

Chuyên gia kinh tế - tài chính Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, những hệ quả mà đại dịch Covid-19 gây ra dần được khắc phục, tác động từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội cùng nền kinh tế trong nước có nhiều tín hiệu khả quan trong năm 2022 sẽ tác động tốt tới tăng trưởng tín dụng ngân hàng thời gian tới.

Theo chuyên gia này, dù nền kinh tế đang tiếp tục mở cửa một số ngành, lĩnh vực sau thời gian dài giãn cách, nhưng doanh nghiệp chưa thể hồi phục ngay sau ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Tuy vậy, nhiều khả năng, tăng trưởng tín dụng của doanh nghiệp sẽ trở lại ngay trong quý đầu năm, thay vì giảm như nhiều năm trước đó một phần do hoạt động sản xuất, kinh doanh dần hồi phục sau thời gian dài giãn cách.

Đại dịch được kiểm soát tốt, môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, nền kinh tế Việt Nam có chiều hướng tăng trưởng khả quan trong năm 2022 sẽ tác động tích cực lên tăng trưởng tín dụng ngân hàng thời gian tới. Do đó, nhiều khả năng hoạt động cho vay của ngân hàng sẽ tăng trưởng cao hơn mục tiêu 14% mà ngành này đặt ra trong năm 2022 nếu chính sách tiền tệ được nới thêm để tiếp tục hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sau dịch.

Tất nhiên, trong hai năm qua, chính sách tiền tệ đã nới lỏng, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Cụ thể, NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành kể từ khi Covid-19 xảy ra đầu năm 2020 đến nay. Theo đó, NHNN đã giảm lãi suất, với tổng mức giảm 1,5-2,0%/năm đối với lãi suất điều hành, giảm 0,6-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 4,5%/năm). Nhờ vậy, các ngân hàng có điều kiện giảm lãi vay.

Lãi suất cho vay của Việt Nam đã giảm, nhưng so với các nước trong khu vực, mặt bằng lãi suất hiện vẫn chưa ngang với mặt bằng lãi suất của khu vực. Với xu hướng thị trường sắp tới, nhiều khả năng, mặt bằng lãi suất sẽ tăng trở lại.

Nếu mặt bằng lãi suất tăng trở lại, nhất là với lãi suất cho vay, thì tất yếu sẽ tác động tới khả năng phục hồi của nhiều doanh nghiệp. Vì thế, chính sách tiền tệ cần tập trung theo hướng hỗ trợ nhiều hơn nữa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2022.

Gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng: Ngân hàng “án binh” chờ hướng dẫn

Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội gần 350.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022 và 2023, trong đó có gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng và doanh nghiệp có khả năng trả nợ, phục hồi. Theo ước tính của các chuyên gia, với gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng, tổng tín dụng ưu đãi bơm ra nền kinh tế trong 2 năm có thể lên tới 2 triệu tỷ đồng.

Thông tin về gói hỗ trợ lãi suất được các doanh nghiệp hết sức kỳ vọng. Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May 10 cho hay, nguồn vốn rẻ là điều cần thiết nhất đối với doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi hiện nay.

Dù vậy, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, hiện tại, các ngân hàng thương mại vẫn chưa thể triển khai, mà đang chờ hướng dẫn.

“Triển khai gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, đây là tiền hỗ trợ từ ngân sách, nguồn cho vay là từ nguồn huy động của người dân, nên cũng phải triển khai rất thận trọng”, ông Hùng nói.

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, cơ quan này đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm vào một số đối tượng nhất định, đồng thời soạn thảo thông tư hướng dẫn chi tiết. Các ngân hàng thương mại nhà nước sẽ là lực lượng chủ lực triển khai gói hỗ trợ này.

Mặc dù chưa có thông tin về điều kiện, đối tượng cho vay hỗ trợ lãi suất, song Ngân hàng Nhà nước khẳng định, sẽ không hạ chuẩn tín dụng, đồng thời Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng tín dụng hàng năm.

“Ngân hàng Nhà nước giữ quan điểm không hạ điều kiện cấp tín dụng, đồng thời kiểm soát cung tín dụng hàng năm, bao gồm cả gói hỗ trợ lãi suất. Tôi cho rằng, đây là giải pháp rất đúng đắn, bởi việc này vừa tránh nợ xấu, vừa kiểm soát được lạm phát”, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận xét.

Doanh nghiệp và ngân hàng đang rất quan tâm tới tình hình lãi suất cùng thông tin về gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng, bởi nguồn vốn rẻ là rất cần thiết với doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi hiện nay.  

Cũng như gói hỗ trợ lãi suất năm 2009, lực lượng ngân hàng thương mại nhà nước sẽ tiếp tục là lực lượng chủ đạo để triển khai gói hỗ trợ năm 2022 - 2023. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một ngân hàng thương mại nhà nước cho hay, nếu đối tượng vay ưu đãi không được quy định rõ ràng, ngân hàng sẽ không dám mạnh tay giải ngân, bởi sợ các hệ lụy phát sinh sau này.

Liên quan đến đối tượng được vay vốn từ gói hỗ trợ lãi suất, TS. Phạm Thế Anh (Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách) cho rằng, thách thức lớn nhất của gói hỗ trợ lãi suất là cho vay đúng đối tượng và kiểm soát được nợ xấu, nhất là với những khách hàng mới. Chính vì vậy, giải pháp khả thi nhất, theo chuyên gia này, là ngân hàng thương mại sàng lọc khách hàng và hỗ trợ lãi suất cho chính các khách hàng hiện hữu của ngân hàng (đương nhiên là khách hàng đó phải đạt tiêu chí để nhận hỗ trợ).

Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, gói hỗ trợ lãi suất sẽ nhắm vào các khách hàng vay mới để kích thích tăng trưởng kinh tế. Cho dù là khách hàng hiện hữu hay khách hàng mới, thì điểm chung là khách hàng phải “khỏe” thì mới đủ điều kiện vay vốn.

Để đảm bảo tính công khai, minh bạch, TS. Lê Xuân Nghĩa đề xuất, Bộ Tài chính nên là cơ quan phê duyệt đối tượng doanh nghiệp nào được cấp bù lãi suất, bởi Bộ Tài chính rất hiểu “sức khỏe” của doanh nghiệp thông qua tình hình nộp thuế. Khi Bộ Tài chính gửi danh sách doanh nghiệp đủ điều kiện cấp bù, nếu đủ điều kiện cho vay, các ngân hàng thương mại sẽ cho vay với lãi suất bình thường. Còn phần cấp bù lãi suất, doanh nghiệp nhận tại Bộ Tài chính. Như vậy, ngân hàng mới dám mạnh dạn cho vay và cũng tránh được lo ngại “sân trước - sân sau”.

Nhiều ngân hàng chuẩn bị bán thêm vốn cho đối tác ngoại

 Nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại nhà nước được tăng vốn điều lệ trong bối cảnh các ngân hàng có hệ số an toàn vốn ở mức thấp, làm hạn chế phát triển kinh doanh, đặc biệt là hạn chế tăng trưởng tín dụng, lãnh đạo Vietcombank đề xuất cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được giữ lại lợi nhuận, trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, đồng thời, tăng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 35%.

Vietcombank cũng kế hoạch chào bán riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ. Ngân hàng này cho biết, đối tượng phát hành hướng đến là đối tác chiến lược Ngân hàng Mizuho, để giữ tỷ lệ sở hữu tối thiểu 15% (dự kiến hơn 46,1 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 0,92% tổng số cổ phiếu sau phát hành) trên cơ sở quyết định đầu tư của Ngân hàng Mizuho. Đồng thời, Vietcombank cũng phát hành cho các nhà đầu tư khác, có thể gồm cả Mizuho, dự kiến gần 261,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 5,19% tổng số cổ phiếu sau phát hành.

Theo Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, room ngoại còn lại của Vietcombank (6,4%) và BIDV (13,3%) cho thấy, các ngân hàng này vẫn còn dư địa để tăng vốn thông qua phương thức bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

BIDV dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới, tương đương 8,5% vốn điều lệ bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.

Trong khi đó, nhà đầu tư chiến lược của VietinBank (Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ) đang sở hữu 19,7%, gần bằng hạn mức quy định là 20%.

Năm 2022, không chỉ các “ông lớn”, mà nhiều ngân hàng thương mại cũng có dự định nới room ngoại. Chẳng hạn, VPBank đã có tờ trình xin ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,5% vốn điều lệ. Kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông của VPBank.  

OCB cũng đang lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu (5,1% tổng số cổ phần đang lưu hành) cho cổ đông nước ngoài. Theo đó, OCB đang tạm thời giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 22% nhằm chuẩn bị cho sự tham gia nhiều hơn của các cổ đông nước ngoài. Thương vụ sẽ hoàn thành trong năm 2022.

Việc xem xét tăng tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam là cần thiết, song phải đảm bảo hài hòa lợi ích, nhu cầu của các nhà đầu tư với vai trò quản lý nhà nước. Đồng thời, chính sách rõ ràng, nhất quán ngay từ đầu sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các ngân hàng đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, hội nhập quốc tế.

Mới đây, HĐQT Ngân hàng OCB đã thông qua việc triển khai phương án phát hành 882.341 cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác chiến lược là Ngân hàng Aozora, với giá chào bán 25.571 đồng/cổ phiếu. Đồng thời, phát hành 50 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ, nhân viên trong quý I/2022.  

Trong khi đó, Sacombank cho biết sẽ bán 32,5% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sau hoàn tất tái cơ cấu trong năm 2022. Tuy nhiên, việc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài phải được sự đồng ý của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Trong khi đó, LienVietPostBank cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ 66,7 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài. Hay SHB đã tạm khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 10% để tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.

Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, HDBank đang là một trong số ít ngân hàng được xem xét nới giới hạn sở hữu nước ngoài lên 49% theo lộ trình quy định trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Trên thị trường hiện nay, một số nhà băng còn nguyên room ngoại như Nam A Bank, VietCapitalBank, Kienlongbank, VietA Bank, SCB... Các ngân hàng này cũng có kế hoạch sớm hút thêm vốn ngoại, tăng năng lực tài chính.

Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, giới hạn về tỷ lệ sở hữu vốn nước ngoài tại các tổ chức tín dụng (tối đa 30%) đang làm khó cơ hội tìm kiếm cổ đông chiến lược của các ngân hàng thương mại.

Ngân hàng công bố kết quả kinh doanh năm 2021

Saigonbank báo lỗ gần 40 tỷ đồng trong quý IV/2021

Saigonbank (mã: SGB) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV với mức lỗ hợp nhất trước thuế hơn 40 tỷ đồng, giảm so với con số lỗ 56 tỷ đồng của cùng kỳ 2020. Theo đó, thu nhập lãi thuần, nguồn thu chính của Saigonbank trong quý IV/2021 giảm 5,9% so với cùng kỳ xuống còn 136 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2021, lãi thuần từ hoạt động chính của ngân hàng đạt 589 tỷ đồng, giảm 0,3%.

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối của Saigonbank trong quý cuối năm 2021 cũng giảm lần lượt 40% và 15% khi cả hai mảng này chỉ thu về 14 tỷ đồng trong năm qua.  Lũy kế cả năm 2021, Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối của Saigonbank  đạt lần lượt 28 tỷ đồng (giảm 26,1 tỷ đồng) và 40 tỷ đồng (tăng 26,6 tỷ đồng) so với năm 2020.  

Sau khi trừ 113 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro, Saigonbank lỗ hơn 40 tỷ trong quý IV/2021. Tuy nhiên, lũy kế cả năm 2021, ngân hàng vẫn lãi trước thuế 154 tỷ do kết quả kinh doanh tích cực trong 3 quý đầu năm 2021.

Lợi nhuận quý IV/2021 của ABBank giảm nhẹ do tăng trích dự phòng cao

Ngân hàng ABBank (ABB) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021, với lợi nhuận trước thuế quý này ghi nhận 360 tỷ đồng. Lũy kế cả năm đạt 1.959 tỷ đồng trước thuế, tăng 40% so 2020.

Như vậy, nếu so với kế hoạch tăng trưởng 44% được đề ra cho cả năm 2021, ABBank đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế đã đề ra.

Đến cuối năm 2021, tổng tài sản Ngân hàng tăng nhẹ 5% so với đầu năm, lên mức 121.695 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước gấp 4,4 lần đầu năm qua, đạt 4.400 tỷ đồng.  

Điều đáng chú ý là năm 2021 là năm đầu tiên năng suất lao động bình quân của mỗi nhân viên của ABBank đạt mức 511 triệu đồng/người - tương đương tăng 42% so với năm 2020, tăng từ 360 triệu đồng/người năm 2020.  

Lợi nhuận năm 2021 của Eximbank giảm gần 18%

 Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu (Eximbank, Mã: EIB) vừa có Nghị quyết thông qua đề xuất của ban điều hành về kế hoạch kinh doanh năm 2022 và công bố kết quả đạt được 2021.

Eximbank cho biết, kết thúc năm 2021, tổng tài sản năm ngân hàng đạt 166.000 tỷ đồng; huy động vốn đạt 138.600 tỷ đồng. Trong khi đó, dư nợ cấp tín dụng của Eximbank năm qua đạt 115.790 tỷ đồng, tăng đến 13% so cùng kỳ năm 2020. Theo lãnh đạo Eximbank, sở dĩ tín dụng của Ngân hàng tăng cao trong quý cuối năm 2021 là do nhu cầu vốn của khách hàng tăng.  

Theo lãnh đạo Eximbank do trong năm qua ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 thứ 4 nên Ngân hàng chưa xử lý và thu hồi được các khoản nợ xấu này. Vì thế, các khoản dự phòng chưa thể hoàn nhập nên lợi nhuận của Eximbank năm 2021 chỉ đạt mức 1.100 tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, tổng nợ xấu của Eximbank khoảng 2.400 tỷ đồng.  Kết quả, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của ngân hàng ước đạt 1.100 tỷ đồng, giảm gần 18% so với lợi nhuận trước thuế năm 2020 là 1.340 tỷ đồng. Thu nhập ngoài lãi cả năm dự kiến đạt 943 tỷ đồng.

Trước đó, Eximbank bất ngờ giảm mạnh kế hoạch lợi nhuận 2021 ngay sát giờ chốt sổ.  Cụ thể, lợi nhuận trước thuế mục tiêu cả năm được điều chỉnh giảm xuống còn 1.300 tỷ đồng, thấp hơn 40% so với kế hoạch ban đầu và giảm nhẹ 1,5% so với năm 2020.  

Tin liên quan
Tin khác