1.
Bữa nay tôi không thấy vui, vì đang trong bữa ăn tối thì nghe mấy cú điện thoại toàn chuyện trời ơi đất hỡi.
Có thể chuỗi bực bội của tôi là do phải nghe cuộc gọi của một cô thuộc phòng chăm sóc khách hàng của hãng cung cấp internet. Cô hỏi có đúng là tôi ở căn hộ abc ở tỉnh n không. Sau khi được tôi xác nhận, cô nói không hiểu sao thấy tôi ít xài internet, vậy lý do gì mà tôi ít xài vậy, lý do gì mà tôi ít ở đó vậy. Tôi nghe xong, tự nhiên thấy máu dồn lên não. Lý do gì thì kệ tía tôi, ô hay. Tiền tôi đã đóng đủ cả năm rồi, tôi xài ít hay thậm chí chẳng xài 1 giọt internet nào có ảnh hưởng tới ông bà nào hay sao, mà cô lại phải chăm sóc khách hàng tới mức xen cả vào đời tư của người khác vô cớ vậy. Tôi nghe thấy bên đầu dây kia ấm ớ, giọng thỏ thẻ oanh vàng điệu tới chối tai lúng búng nói câu gì đó rồi dập máy.
Nhưng ngay sau đó, tôi ngồi ngẫm nghĩ về các chuyện đã qua, nhất là câu hỏi: “Vì sao chị ít về nhà mình như vậy?”. Và cũng suy nghĩ về khái niệm “nhà”.
Chúng ta thường nói, cuối tuần về nhà vườn ở ngoại ô, hoặc đi về căn hộ nghỉ dưỡng ở biển Mũi Né, Vũng Tàu, Long Hải… Cũng dùng động từ “về”, nhưng các căn nhà, căn hộ đó chưa bao giờ đầy đủ tất cả các món đồ quen dùng hàng ngày của chủ nhân. Khi cần gì, vẫn lại phải trở về đúng ngôi nhà “vợ cái con cột” để tìm kiếm, sử dụng. Dù vậy, mấy nơi kia vẫn gọi là “nhà của mình”, chứ đâu có thể gọi bằng “nhà của người khác” được!
Vì các tính chất riêng biệt ấy, mà căn nhà vườn có khi mấy tháng mùa mưa không xài tới ký điện nào. Có cần gì đâu, khi cậu giữ vườn nói, mưa ngập hết cả lên rồi, đâu cắm máy bơm để bơm nước tưới cây mà xài tới điện! Chiều tối, người giữ vườn đóng cổng lại, cả khu tối thùi lùi, làm gì có ai thắp ngọn đèn nào để mà đồng hồ điện có cớ mà quay.
Cũng như căn hộ nghỉ dưỡng ở biển kia, tháng đôi lần các chủ nhân mới lục tục cuối tuần kéo về chơi 1 - 2 ngày, rồi lại lên xe quay trở về thành phố. Trong sân chung cư những ngày cuối tuần, tôi bắt gặp nhiều chiếc xe biển số TP.HCM đưa đại gia đình tới ở. Rồi chiều Chủ nhật, cả gia đình đứng chật thang máy, với lỉnh kỉnh đồ đạc, quần áo dơ, chăn drap gối nệm dơ, mang về giặt.
Chỉ xẹt ngang qua nhà như thế, hỏi sao mà ít xài internet. Họ cũng như tôi, về nghỉ dưỡng chứ đâu phải về để ngồi máy tính, điện thoại truy cập internet tối ngày trong phòng.
Câu hỏi “Vì sao ít xài?” nghe vô duyên chết đi được, nhưng ngẫm lại, cũng khiến tôi có ý tưởng viết bài báo này. Như vậy, lại trở thành có chút duyên ngầm!
2.
Tuy nhiên, ở ngay trong căn nhà mà chúng ta đang sống hiện hữu, cũng có thể chỉ là chỗ nghỉ chân vài tiếng đồng hồ phục vụ cho sự tắm và ngủ. Bởi lẽ, những người đang ở lứa tuổi đi làm, thì luôn trong khoảnh khắc “vội vã trở về, vội vã ra đi”. Tôi đã từng làm một việc khá ngớ ngẩn, là ghi vào trong sổ tay 10 ngày, thời gian nào ở cơ quan và thời gian nào ở nhà. Có nhiều lúc bằng nhau, có nhiều lúc cũng vênh nhau, dù không nhiều lắm.
Đã bao giờ mọi người nghĩ, từ lâu rồi, có vài góc trong nhà nào đó mình chẳng có thời gian ngó mắt tới. Những cuốn sách trong giá sách để ngay ngắn chỉ chứa bụi, chứ không thấy bàn tay sắp xếp lại của chủ nhân. Thậm chí, có nhiều bộ quần áo vẫn chưa kịp cắt bảng giá tiền bấm ghim trong đó, vì sáng nào cũng hối hả kiếm đồ nào ít phải ủi, nên chưa rờ tới. Vội vã tới mức, thực sự người ta không nghĩ vì sao bản thân lại phải vội vã đến vậy!
Nên, mọi khái niệm chỉ là tương đối. Yêu thương, ghét bỏ, oán hờn cũng nên nhẹ nhõm bỏ qua. Bởi tới như căn nhà, là chốn đi về thân thuộc nhất của mỗi cá nhân, đôi khi cũng chỉ là nơi dừng chân đỡ mỏi mà thôi. Đừng quan trọng hóa điều gì, thì có lẽ mọi thứ sẽ tới, như nó vốn phải thế, như cuộc sống vốn như thế!