Chuyện làng, chuyện phố
Nhà cũ!
Đinh Thu Hiền - 21/06/2020 13:31
Căn nhà cũ dù lớn hay nhỏ, cũng đều từng lưu giữ rất nhiều kỷ niệm mà có khi bạn sẽ mang theo suốt cả cuộc đời.

1. 

Sáng nay, khi đang ngồi trong 1 quán cà phê nhìn ra biển, tôi rảnh rang coi lại điện thoại. Và đột nhiên tìm thấy những bức hình chụp căn nhà cũ đã 7 năm trước. Từng góc sân, từng chậu cây kiểng, từng bông hoa địa lan nở dưới tán cây sứ trắng hiện lên, quá đẹp và rất đỗi bình yên.

Căn nhà ấy, gia đình tôi xây dựng cách nay đã hơn chục năm. Chúng tôi đã từng kỳ vọng sẽ sống trong căn nhà này tới suốt cuộc đời. Nhưng, vạn vật biến thiên, con người cũng thay đổi suy nghĩ. Trước đây, mọi thành viên trong gia đình đều luôn thích nhà rộng rãi, ở nơi yên tĩnh nhất, nhưng càng ngày thì thấy, vì yên quá nên buồn, vì rộng quá mà thành vắng vẻ.

Con người là loài động vật cấp cao nhất, nên thật sự là khó chiều. Khi đường phố đông nghẹt người vào giờ tan tầm, thì ai cũng than vãn kêu gào đủ thứ chuyện. Nhưng khi đường phố vắng tanh vắng ngắt như đợt cách ly do dịch bệnh vừa qua, mọi người lại chỉ mong sao cho nhịp sống hối hả, gấp gáp, đông đúc của đô thị quay trở lại.

Đặc tính của con người là thích giao lưu. Chính vì vậy, người ta chỉ muốn ra quán cà phê để gặp gỡ nhau, chẳng ai khoái uống cà phê một mình ở nhà để nhìn 4 bức tường. Các quán ăn cũng vậy, dù cho bất cứ bà nội trợ nào cũng hiểu, mua đồ ăn về nấu nướng thì rẻ gấp nhiều lần ra ngoài nhà hàng, nhưng các quán ăn thì vẫn đông xếp lớp như cá mòi.

Bởi vậy, nơi ở nào quá yên tĩnh và rộng rãi, thì ai cũng thích, nhưng với điều kiện nhà đông người. Khung cảnh xung quanh đã vắng vẻ, thành viên trong gia đình lại quá ít, thì lại dễ khiến người ta rơi vào trạng thái trầm mặc. Đặc biệt, những ngày cô giúp việc về quê, chủ nhân đi làm về xong lao vào lau nhà, tưới cây, chăm sóc thú cưng, thì mới thấy, ôi nhà rộng mệt quá. Vậy là trong khi người ta cố gắng tiết kiệm để đổi từ nhà nhỏ sang nhà lớn, thì gia đình tôi làm ngược lại, từ nhà lớn xuống nhà nhỏ. Số tiền dư ra, mua đủ miếng đất làm vườn ngoại thành và 1 căn hộ nghỉ dưỡng ngoài biển. Khỏe re. Ai cũng thấy vui vẻ, thoải mái.

Nhưng, nhìn lại những tấm hình chụp căn nhà cũ, tự nhiên cũng thấy bùi ngùi. Đã là kỷ niệm, thì buồn hay vui, cũng đều có giá trị riêng của nó. Nên nhà cũ luôn nằm ở góc riêng của ký ức, rất trân trọng. Trong suốt cuộc đời, đâu có nhiều căn nhà đến mức quên đi được! Chỉ luôn là cảm xúc nhớ, mà thôi.

2. 

Tôi có anh bạn đang tất bật trong những ngày vừa đi làm, vừa xây nhà. Anh nói, đã chờ tới ngày này từ lâu lắm rồi. Bao nhiêu năm nay, vợ chồng anh ở chung với ba mẹ vợ, vì có 2 đứa con nhỏ cần sự hỗ trợ của ông bà ngoại.

Vợ chồng anh đi làm suốt, việc chăm sóc các con đã có ông bà đảm nhiệm, nên ở chung là giải pháp tốt. Nhưng vì ở bên nhà vợ, nên anh bạn cảm thấy vẫn không thoải mái. Anh nói dù không có phân biệt gì, dù rất thương ba mẹ vợ, và ông bà cũng tôn trọng chàng rể, nhưng anh vẫn luôn muốn xây căn nhà riêng để vợ chồng con cái có không gian thoải mái hơn. Các con cũng đã lớn rồi, thành phố nơi anh sinh sống cũng nhỏ thôi, chỉ cần chạy xe chút xíu cũng đã gặp nhau, nên cuối cùng vợ chồng anh đã xây căn nhà đầu tiên trong đời.

Những ngày này, anh và bà xã đóng gói dần dần đồ đạc để sẵn cho cuộc dịch chuyển. Cứ mỗi lần dọn dẹp món đồ nào xong, bà xã anh chụp lại góc nhà đó, để lưu giữ làm kỷ niệm. Còn anh thì nói, anh luôn nhớ con hẻm vào nhà và cánh cổng mà ngay cả về rất khuya, trời tối lắm, vẫn có thể cảm giác được mọi vật để lái xe vào trong sân.

Phải là thân quen tới mức nào, thì mới sẵn phản xạ như thế. Và tất nhiên, rời xa những thói quen, không phải ai cũng dễ dàng thích nghi và chấp nhận được ngay.

Người cũ, có thể vì có người mới mà quên. Nhưng nhà cũ, thì có nhà mới rồi, cũng vẫn mang theo nhiều nỗi nhớ.

Tin liên quan
Tin khác