Sức khỏe doanh nghiệp
Nhà Đà Nẵng phiêu lưu với đầu tư chứng khoán
Khắc Lâm - 14/06/2022 08:45
Danh mục đầu tư chứng khoán của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng đang được duy trì ở mức cao và chiếm gần 1/3 tổng tài sản.
Năm 2021, Nhà Đà Nẵng ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm với doanh thu đạt 509,4 tỷ đồng, giảm 40,7% so với năm 2020.

Kết thúc quý đầu năm 2022, báo cáo tài chính của Nhà Đà Nẵng cho biết, doanh thu thuần chỉ đạt 144,28 triệu đồng, giảm đến 99,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, doanh thu bất động sản - hoạt động kinh doanh chính của Công ty âm 126 triệu đồng so với mức 49,7 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021 và được bù đắp bởi hoạt động cung cấp dịch vụ đạt 270 triệu đồng.

Hoạt động tài chính tiếp tục là “cứu cánh” cho Nhà Đà Nẵng khi đem về 30,7 tỷ đồng lợi nhuận, chủ yếu từ đầu tư chứng khoán. Khoản lãi từ hoạt động tài chính đã giúp Công ty bù đắp các khoản chi phí để ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 23,5 tỷ đồng sau quý đầu năm. Tuy vậy, mức lợi nhuận này đã giảm 51,3% so với cùng kỳ chủ yếu do khoản lợi nhuận từ đầu tư năm nay giảm mạnh.

Tính tới ngày 31/3/2022, tổng tài sản của Nhà Đà Nẵng đã giảm 7,3% so với đầu năm, xuống mức 1.522 tỷ đồng. Tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn lên đến 1.000,6 tỷ đồng, chiếm gần 2/3 tổng tài sản. Trong đó, danh mục đầu tư chứng khoán kinh doanh với giá gốc 479,2 tỷ đồng, chiếm 31% tổng tài sản.

Thuyết minh của Nhà Đà Nẵng cho thấy, trong quý đầu năm, Công ty đã bán hết cổ phiếu FLC, DGC, đồng thời mua mạnh hơn 42 tỷ đồng cổ phiếu MBB. Các khoản đầu tư lớn nhất tại thời điểm cuối quý I/2022 của doanh nghiệp này (theo giá trị hợp lý) lần lượt là SHB (194,6 tỷ đồng), TCB (93,7 tỷ đồng), VHM (74,4 tỷ đồng), MBB (42,8 tỷ đồng) và VNM (21,5 tỷ đồng)... Giá trị trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán đến cuối quý 1/2022 là 14,4 tỷ đồng.

Trong hơn một năm trở lại đây, danh mục đầu tư chứng khoán kinh doanh của Nhà Đà Nẵng liên tục gia tăng về giá trị. Đại diện Ban lãnh đạo Công ty cho biết, đây là sự chủ động của Công ty trong việc tận dụng điều kiện thuận lợi của thị trường chứng khoán để gia tăng lợi nhuận cho khoản tiền tích lũy. Thực tế hoạt động đầu tư đã đem về kết quả khả quan với 70,2 tỷ đồng lợi nhuận năm 2021 sau khi khấu trừ các khoản lỗ và trích lập dự phòng.

Tuy vậy, việc gia tăng danh mục đầu tư tài chính cũng ẩn chứa nhiều yếu tố rủi ro trong bối cảnh thị trường chứng khoán năm 2022 được đánh giá đã khó khăn hơn rất nhiều với những đợt biến động sụt giảm giá mạnh. Chẳng hạn, thị giá nhiều cổ phiếu trong danh mục đầu tư đầu quý của Nhà Đà Nẵng như SHB, TCB, MBB… đã giảm giá hàng chục phần trăm tính đến đầu tháng 6/2022.

Một điều đáng nói là, trong khi danh mục đầu tư được mở rộng, thì từ năm 2021 đến nay, ở lĩnh vực kinh doanh chính là bất động sản, Nhà Đà Nẵng không ghi nhận triển khai thêm dự án mới nào. Ngoài Dự án Khu phức hợp Monarchy - Block B đang bước vào giai đoạn bàn giao sản phẩm cuối cùng, báo cáo tài chính của Công ty chỉ ghi nhận 16 tỷ đồng giá trị dở dang dài hạn tại Dự án A2.2 Phan Đăng Lưu - giữ nguyên trong cả năm 2021.

Năm 2021, Nhà Đà Nẵng đã ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm với doanh thu đạt 509,4 tỷ đồng, giảm 40,7% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế thu về 251,8 tỷ đồng, giảm 21,6% dù doanh thu tài chính tăng mạnh. Với tình hình hiện nay, bức tranh kinh doanh của Công ty dự báo còn tiếp tục kém khả quan hơn.

Trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên, Ban lãnh đạo Nhà Đà Nẵng dự kiến đặt kế hoạch kinh doanh năm 2022 với tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế cùng giảm trên 50% so với thực hiện năm 2021, lần lượt ở mức 358,8 tỷ đồng và 107,25 tỷ đồng. Đáng chú ý, Ban lãnh đạo Công ty dự kiến tái cơ cấu danh mục đầu tư chứng khoán để giảm thiểu rủi ro từ thị trường tài chính năm 2022.

Tin liên quan
Tin khác