Sức khỏe doanh nghiệp
Nhà Đà Nẵng: Quyền lợi nhà đầu tư có đảm bảo khi 5 tiếng tổ chức ĐHĐCĐ cả lần 1 và lần 2
Duy Bắc - 27/06/2022 06:00
5 tiếng sau khi ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 lần 1 bất thành, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng (mã NDN - sàn HNX tổ chức ngay ĐHĐCĐ lần 2.

ĐHĐCĐ lần 2 tổ chức sau 5 tiếng tổ chức ĐHĐCĐ lần 1 bất thành

Đúng 9 h ngày 25/6, Nhà Đà Nẵng có 28 cổ đông và người được ủy quyền tham dự đại hội, đại diện cho 25.116.810 cổ phần, chiếm 35,05% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Căn cứ theo Khoản 1 điều 19 Điều lệ Nhà Đà Nẵng (Cuộc họp ĐHĐCĐ được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện cho ít nhất 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết), Đại hội đã không thể tổ chức.

Ngay sau đó, Công ty ra Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 lần thứ 1 không tổ chức được, ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 lần thứ 2 sẽ tổ chức lúc 14h ngày 25/6/2022, tức cách đại hội lần 1 là 5 tiếng.

Trong ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 lần thứ 2 cách lần 1 là 5 tiếng đã có 25.116.126 cổ phần đại diện của cổ đông và người được ủy quyền, tương ứng chiếm 35,05% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết và căn cứ theo Điều lệ Công ty ĐHĐCĐ lần 2 được tiến hành khi có ít nhất 33% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, đại hội lần 2 đã được tổ chức.

Điểm đáng lưu ý, trong ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 lần thứ 2 số lượng cổ phần tham dự bằng số cổ phần tham dự lần 1 và không có thêm cổ đông mới tham dự. Điều này cho thấy gần như nhóm cổ đông còn lại đại diện 64,95% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đã không được tham dự.

Quan sát trên cổng thông tin đại chúng của Nhà Đà Nẵng và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) không hề có bất cứ thông tin về việc triệu tập ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 lần thứ 2.

Như vậy, nếu nhà đầu tư không tham dự ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 lần 1 thì gần như không có bất cứ thông tin về thời gian, địa điểm tổ chức đại hội và đồng thời cũng không đủ thời gian để thu xếp công việc để tham dự.

Điểm đáng lưu ý, tỷ lệ nhóm cổ đông không tham dự đại diện tới 64,95% vốn điều lệ tại Công ty và có quyền phủ quyết, cũng như thông qua các định hướng và chiến lược của Công ty.

Có thể câu hỏi liệu quyền lợi nhà đầu tư không tham gia lần 1 liệu có được đảm bảo khi Công ty tiến hành đại hội lần 2 chỉ cách 5 tiếng so với lần 1?.

Được biết, trong năm 2022, Nhà Đà Nẵng đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu giảm 50% so với cùng kỳ về 358,77 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 57,4% so với thực hiện trong năm 2021 về 107,25 tỷ đồng.

Cựu Tổng giám đốc bị bắt tạm giam là cội nguồn của sự bất ổn

Ngày 7/12/2021, Cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Quang Trung, sinh năm 1960, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng về hành vi “vi phạm quy định về quản lý tài sản gây thất thoát lãng phí” theo Điều 219 BLHS.

Cơ quan Công an thực hiện khám xét nơi làm việc của ông Nguyễn Quang Trung tại 38 Nguyễn Chí Thanh, quận Hải Châu. (Nguồn: Công an Nhân dân).

Tháng 8/2021, Cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng nhận được kiến nghị khởi tố kèm hồ sơ của Thanh tra TP. Đà Nẵng về sai phạm của ông Nguyễn Quang Trung trong việc quản lý tài sản công tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng.

Cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân TP. Đà Nẵng tiến hành điều tra, bước đầu xác định ông Trung đã có hàng loạt sai phạm trong việc quản lý 7 công sản trên địa bàn thành phố.

Được biết, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng tiền thân là Công ty Phát triển Nhà, là doanh nghiệp nhà nước. Theo kết quả điều tra, ngày 27/4/2009, trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa 3 ngày, ông Nguyễn Quang Trung đã đại diện Công ty chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở tại số 186 Trần Phú với giá gần 2 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, công ty này đã không đấu giá bán tài sản, không tổ chức thực hiện việc chuyển nhượng công khai theo quy định của pháp luật, để gây thiệt hại cho nhà nước gần 1,5 tỷ đồng vào thời điểm 2009. Tổng giá trị thiệt hại liên quan đến việc quản lý 7 dự án tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Trước đó, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng cũng đã bị phát hiện bán hàng trăm căn hộ trái quy định tại Dự án Monachy (đường Trần Hưng Đạo, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà).

Quay trở lại với việc tổ chức ĐHĐCĐ thường niên hàng năm, trước thời điểm ông Nguyễn Quang Trung bị bắt, chưa bao giờ Nhà Đà Năng tổ chức Đại hội cổ đông không thành công. Trong lần gần nhất năm 2021, có tới 61,46% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự.

Dấu hỏi thiếu dự án mới sau khi cựu Tổng giám đốc Nhà Đà Nẵng bị bắt

Trong quý I/2022, Nhà Đà Nẵng ghi nhận doanh thu đạt 0,14 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 23,46 tỷ đồng, lần lượt giảm 99,7% và 51,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 99% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 16,98 tỷ đồng về 0,18 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 62,4%, tương ứng giảm 38,71 tỷ đồng về 23,29 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 23,74 tỷ đồng về âm 7,42 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 38,6%, tương ứng giảm 1 tỷ đồng về 1,6 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Điểm đáng lưu ý, trong quý đầu năm lợi nhuận gộp chỉ ghi nhận 0,18 tỷ đồng, thấp hơn cả chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp là 1,6 tỷ đồng, Công ty chỉ có lãi nhờ hoạt động tài chính.

Công ty thuyết minh là, trong tổng 23,3 tỷ đồng doanh thu tài chính, có tới 13,9 tỷ đồng là lãi đầu tư chứng khoán; 9,1 tỷ đồng lãi tiền gửi, tiền vay; và 0,4 tỷ đồng cổ tức, lợi nhuận được chia.

Như vậy, trong kỳ, Công ty chỉ thoát lỗ nhờ hoạt động tài chính.

Cơ cấu doanh thu quý I/2022 của NDN (Nguồn: BCTC).

Bên cạnh đó, cơ cấu doanh thu hoạt động bất động sản sụt giảm mạnh, thậm chí doanh thu bất động sản âm 126 triệu đồng so với cùng kỳ 49,7 tỷ đồng.

Bên cạnh lợi nhuận lao dốc, trong quý I/2022, dòng tiền kinh doanh chính chỉ ghi nhận dương 33,8 tỷ đồng, thấp hơn so với cùng kỳ là 108,9 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 129,99 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 136,3 tỷ đồng.

Tính tới 31/3/2022, tổng tài sản của Nhà Đà Nẵng giảm 7,3% so với đầu năm, tương ứng giảm 119,9 tỷ đồng về 1.522 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 1.000,59 tỷ đồng, chiếm 65,7% tổng tài sản; tồn kho đạt 288,3 tỷ đồng, chiếm 18,9% tổng tài sản và các tài sản khác.

Đối với việc phát triển dự án mới, Công ty đang ghi nhận 16,1 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, tương đương so với đầu năm. Được biết, đây chủ yếu là dự án A2.2 Phan Đăng Lưu, dự án dự kiến triển khai khi dự án Khu phức hợp Monarchy – Block B đang bước vào giai đoạn bàn giao sản phẩm cuối cùng.

Trước đó, trong năm 2021, Nhà Đà Nẵng tiếp tục bàn giao tiếp dự án Khu phức hợp Monarchy – Block B dẫn tới tồn kho giảm từ 564,4 tỷ đồng về còn 271,9 tỷ đồng. Trong khi đó, dự án mới triển khai là công trình A2.2 Phan Đăng Lưu không thay đổi so với đầu năm khi ghi nhận 16 tỷ đồng.

Như vậy, Công ty không triển khai dự án nào tiếp tục từ năm 2021 tới nay. Được biết, Nhà Đà Nẵng là công ty phát triển dự án bất động sản, mỗi giai đoạn, Công ty sẽ triển khai một dự án mới.

Theo kế hoạch, Công ty đang bàn giao sản phẩm cuối Dự án Khu phức hợp Monarchy – Block B và sẽ triển khai Dự án A2.2 Phan Đăng Lưu để tạo lợi nhuận gối đầu cho Công ty. Tuy nhiên, kể từ khi cựu Tổng giám đốc bị bắt, tiến độ triển khai dự án mới của Công ty có dấu hiệu dừng lại.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/6, cổ phiếu NDN tăng 400 đồng lên 10.700 đồng/cổ phiếu.

Tin liên quan
Tin khác