Đầu tư
Nhà đầu tư chạy đua rót tiền vào trường đua, nhưng vẫn phải chờ... nghị định
Nguyên Đức - 12/07/2016 08:09
Ngày càng nhiều nhà đầu tư quan tâm xây dựng các trường đua ở Việt Nam, trong khi đó các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Nhà đầu tư chạy đua

Thông tin chi tiết chưa được tiết lộ, song Tập đoàn Matrix Holdings Limited (Hồng Kong) đang lên kế hoạch đầu tư một trường đua ngựa ở Đà Nẵng. Dự án chưa được “chốt” về quy mô, song nhiều khả năng sẽ được xây dựng ở Khu thể thao phức hợp Hòa Xuân, với mục tiêu nhân giống, nuôi dưỡng và huấn luyện ngựa dùng trong thi đấu, cũng như khai thác các dịch vụ tiện ích đi kèm, như cá cược, khu vui chơi giải trí…

Trong khi đó, trung tuần tháng 6/2016, Công ty Golden Turf Club Pty Ltd cũng đã nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Trường đua ngựa Phú Yên. Dự án theo kế hoạch được triển khai trên diện tích hơn 134 ha tại An Phú (TP. Tuy Hòa) và xã An Chấn (huyện Tuy An), với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD. Golden Turf dự kiến xây dựng một sân vận động đạt chuẩn cao cấp, có khán đài, đường đua ngựa, đua chó ở bên trong và khu du lịch cao cấp phục vụ trường đua. Giai đoạn I của Dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2017, còn toàn bộ Dự án là năm 2019.

Happy Land, trường đua xe chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, đã được Công ty cổ phần Tập đoàn Khang Thông đưa vào vận hành cuối tháng 4 năm nay.

Không phải là đua chó, đua ngựa, nhưng cuối tháng 4 vừa qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Khang Thông cũng đã đưa vào vận hành trường đua xe Happy Land, một trong những hạng mục đầu tiên của Dự án Khu phức hợp giải trí Khang Thông (Happy Land) tại huyện Bến Lức, Long An, có tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD. Đây có thể nói là trường đua xe chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, với mục tiêu mang lại môi trường đua xe hợp pháp cho những người yêu các bộ môn thể thao tốc độ.

Không chỉ các dự án trên, sau thông tin cách đây 3 năm về việc Chính phủ sẽ “hợp pháp hóa” chuyện kinh doanh cá cược bằng một nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế, ngày càng nhiều nhà đầu tư quan tâm các dự án liên quan đến lĩnh vực này.

Giữa năm ngoái, Công ty TNHH Thể thao Việt - Úc đã đề xuất lên lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Dự án Tích hợp và trường đua ngựa quốc tế, với quy mô 150 ha, vốn đầu tư dự kiến khoảng 158 triệu USD. Theo đề xuất của công ty này, Dự án sẽ được phát triển thành một khu phức hợp đua ngựa quốc tế, phát triển nhà ở, khu thể thao, chăm sóc sức khỏe...

Trước đó, dư luận đã nhắc tới các dự án trường đua ở Vĩnh Phúc, Hà Nội, rồi Bình Phước, Lâm Đồng… Các dự án này đều có quy mô 50-100 triệu USD và các nhà đầu tư đều có vẻ rất hứng khởi trước việc Chính phủ sẽ hợp pháp hóa chuyện kinh doanh cá cược. Tuy nhiên, tới nay, nghị định này vẫn chưa thể ban hành.

Vẫn phải chờ nghị định

Cần phải nhắc lại rằng, giống như kinh doanh casino, hay kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh cá cược đua chó, đua ngựa và cả đặt cược bóng đá quốc tế là ngành kinh doanh nhạy cảm. Dù không cho phép, nhưng bằng nhiều hình thức khác nhau, chuyện cá cược vẫn tồn tại ở Việt Nam, vừa không quản lý được, lại thất thu ngân sách.

Cũng chính vì thế, để quản lý hoạt động này, Chính phủ đã hối thúc việc xây dựng một nghị định về kinh doanh cá cược. Năm 2013, Dự thảo Nghị định đã được đưa ra lấy ý kiến công luận và một trong những quy định mấu chốt, đó là mức đặt cược tối thiểu cho một lần là 10.000 đồng và mỗi người chỉ được đặt cược tối đa 1 triệu đồng/sản phẩm/ngày.

Tuy nhiên, dự thảo quy định trên đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Người cho rằng, mức đặt cược quá thấp sẽ không… “khuyến khích” người mê đỏ đen và có điều kiện tiền bạc tham gia, bởi họ sẽ vẫn tìm cách chơi bên ngoài. Như vậy có nghĩa sẽ không đưa được hoạt động này vào khuôn khổ, không hạn chế được tình trạng cá cược ngoài xã hội, không hạn chế được chảy máu ngoại tệ. Người dân vẫn sẽ tiếp tục ra nước ngoài đánh bạc, vẫn tiếp tục cá độ bóng đá xuyên biên giới qua hệ thống Internet.

Người lại nói, mức khống chế 10.000 đồng chẳng khác gì... khuyến khích cả xã hội tham gia cá cược. Vì trong túi ai chẳng có dăm bảy chục ngàn đồng để có thể tham gia đặt cược. Nhiều quan điểm đề xuất phải nâng mức đặt cược cao hơn, khoảng gấp 5 lần so với Dự thảo Nghị định.

Tuy nhiên, đó là chuyện từ năm 2013. Năm ngoái, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng Đề án Thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế, đồng thời xây dựng riêng nghị định về kinh doanh lĩnh vực này. Theo đó, nghị định về kinh doanh cá cược đua chó, đua ngựa sẽ được tách riêng ra. Tuy nhiên, từ đó tới nay, chưa có nhiều thông tin liên quan đến hai dự thảo nghị định này.

Cuối tháng 6 vừa qua, khi rà soát và góp ý các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã bày tỏ một số quan điểm liên quan đến Dự thảo Nghị định về kinh doanh cá cược đua ngựa, đua chó… Theo đó, VCCI cho rằng, cần xem xét tính cần thiết của việc quy định luôn trong nghị định này mức đặt cược tối thiểu và tối đa, mà thay vào đó, để đảm bảo tính hợp lý của các mức đặt cược, thì nên điều chỉnh theo từng thời kỳ.

Liên quan tới quy định về điều kiện và quy trình chọn nhà đầu tư thực hiện dự án trường đua ngựa, đua chó, VCCI cho rằng, khái niệm “năng lực quản trị tốt, năng lực tài chính vững mạnh” là định tính, không rõ ràng. “Nếu không quy định cụ thể thì sẽ rất khó đánh giá và tạo dư địa cho nhũng nhiễu, hoặc thi hành thiếu thống nhất”, các chuyên gia của VCCI bày tỏ quan điểm.

Theo Dự thảo Nghị định, các nhà đầu tư muốn thực hiện dự án trong lĩnh vực này “phải có năng lực quản trị tốt, năng lực tài chính vững mạnh và có mức vốn đầu tư tối thiểu là 1.000 tỷ đồng đối với hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa và tối thiểu là 300 tỷ đồng đối với hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó…”.

Tuy nhiên, đấy mới chỉ là quan điểm của VCCI. Với lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm này, sẽ phải rất cân nhắc mỗi điều khoản. Và điều đó có nghĩa, dù các nhà đầu tư các trường đua chó, đua ngựa đã sẵn sàng vào vạch xuất phát, nhưng còn chưa biết đến bao giờ mới nhận được “phát súng lệnh” để thực sự nhảy vào “cuộc đua”.

Tin liên quan
Tin khác