Tripod “bén duyên” Đồng Nai
Sự kiện đáng chú ý trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại tỉnh Đồng Nai trong quý I/2023 là việc Tập đoàn Tripod (Đài Loan) đã cơ bản hoàn tất thương vụ nhận chuyển nhượng Công ty TNHH FICT Việt Nam tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2.
Công ty TNHH FICT Việt Nam, tiền thân là Công ty TNHH Sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam, chuyên sản xuất bảng mạch điện tử thuộc Tập đoàn Fujitsu (Nhật Bản). Sau 27 năm hoạt động tại Đồng Nai, Fujitsu đã đầu tư gần 200 triệu USD (tăng gần 4 lần) so với vốn đăng ký ban đầu để mở rộng dây chuyền sản xuất. Sau khi được mua lại, FICT Việt Nam bước vào một hành trình mới.
Có thể thấy, thương vụ Tập đoàn Tripod mua lại Công ty TNHH FICT Việt Nam diễn ra trong thời gian khá ngắn. Hai bên bắt đầu các cuộc đàm phán từ đầu năm 2023 và chỉ sau khoảng 3 tháng, mọi việc đã đi đến các khâu cuối cùng.
Được biết, trước khi đi đến quyết định mua lại dự án của Công ty TNHH FICT Việt Nam tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, Tripod đã rốt ráo tìm kiếm địa điểm đầu tư tại Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Vào cuối tháng 11/2022, phía Tripod đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Long An để bàn thảo về việc đầu tư nhà máy tại địa phương. Thông tin đến lãnh đạo tỉnh Long An, ông Michael Lu, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu và phát triển của Tripod cho biết, Tập đoàn đang có nhu cầu đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam với mục tiêu đi vào hoạt động trong năm 2024. Khi đến với Long An, Tập đoàn hy vọng sẽ đầu tư lâu dài tại đây.
Đến đầu tháng 3/2023, Tập đoàn Tripod lại tìm đến Bà Rịa - Vũng Tàu với hy vọng có thể tìm được địa điểm mở nhà máy. Trong cuộc gặp với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu , ông Michael Lu chia sẻ, Tripod đang có kế hoạch mở rộng và phát triển ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao (sản xuất bo mạch điện tử), dự kiến đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Khi tìm hiểu môi trường đầu tư tại đây, doanh nghiệp cũng đặt câu hỏi về các quy định, môi trường đầu tư, điều kiện cơ sở vật chất và chính sách ưu đãi đầu tư.
Về các chính sách ưu đãi đầu tư, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Công Vinh cho biết, tỉnh không xây dựng chính sách ưu đãi riêng, mà triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác giải phóng mặt bằng, giải quyết thủ tục hành chính và đào tạo, cung ứng lao động tay nghề cao theo nhu cầu. Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu còn có những chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại đây.
Đầu tư thêm 200 triệu USD mở rộng nhà máy
Tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng sau cùng, Tripod quyết định nhận chuyển nhượng Công ty TNHH FICT Việt Nam tại Đồng Nai.
Sau khi tiếp nhận nhà máy của Công ty TNHH FICT Việt Nam tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, Tập đoàn Tripod dự kiến đầu tư thêm khoảng 200 triệu USD để mua máy móc, thiết bị hiện đại nhằm mở rộng nhà máy, nâng công suất cung ứng sản phẩm cho thị trường khu vực châu Âu và châu Mỹ.
Tập đoàn này cũng nhắm đến những dòng sản phẩm cao cấp hơn cho nhiều thị trường trên toàn cầu. Với doanh thu hàng tỷ USD/năm và là một trong 10 tập đoàn điện tử lớn nhất thế giới, Tripod hứa hẹn sẽ đầu tư lớn hơn nữa vào nhà máy ở Đồng Nai.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai cho biết, việc các doanh nghiệp FDI đầu tư những dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường là phù hợp với chủ trương của tỉnh. Kết quả mới nhất là quý I/2023, Đồng Nai thu hút được 7 trong tổng số 16 dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, với vốn đầu tư đăng ký là 30,46 triệu USD, chiếm 58% tổng vốn đăng ký cấp mới.
“Trong những năm tới, khi quy hoạch tỉnh Đồng Nai hoàn thành, các khu công nghiệp theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho các nhà đầu tư triển khai, Dự án Cảng Phước An cho tàu trọng tải 60.000 tấn đi vào hoạt động và giai đoạn I của Dự án Sân bay quốc tế Long Thành hoàn thành thì tỉnh Đồng Nai sẽ thu hút thêm nhiều dự án của các tập đoàn lớn trên thế giới”, ông Nguyên nhấn mạnh.