Dự án dự kiến được thực hiện trong thời gian thực hiện 2018 – 2020 với diện tích xây dựng khoảng 10 ha, tổng vốn đầu tư 13 tỷ đồng.
Dự án có mục tiêu thu gom, xử lý nước thải, chất thải công nghiệp và nguy hại. Thoát nước và xử lý nước thải. Thu gom, xử lý các loại rác thải không độc hại và độc hại. Tái chế phế liệu. Xử lý ô nhiễm và hoạt động quản lý chất thải khác.
Ảnh minh họa |
Công ty CP Đầu tư Công nghệ Môi trường GFC cho biết, Dự án sẽ áp dụng công nghệ tổng hợp trên cơ sở kế thừa và phát huy những ưu điểm của các nhà máy xử lý chất thải ở Việt Nam kết hợp với công nghệ tiên tiến của thế giới, gồm 3 nhóm công nghệ chính: Công nghệ tách lọc - phân loại; công nghệ Nhiệt phân nhiệt độ thấp tạo nhiên liệu dầu, khí, cacbon sạch; Công nghệ đốt - thiêu hủy. Nếu dự án đi vào hoạt động, quá trình vận hành nhà máy sẽ thường xuyên được đo đạc, giám sát với tần suất 4 lần/năm theo đúng quy định của Chính phủ, Bộ TN&MT về các cam kế bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị thông tin, hiện trên tỉnh Quảng Trị chưa có đơn vị nào đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại để giải quyết những vấn đề cấp bách về tái chế và xử lý chất thải công nghiệp phát sinh, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tận dụng triệt để và tiết kiệm các nguồn tài nguyên. Mặt khác, địa điểm đề xuất xây dựng nhà máy phù hợp, vì thế UBND tỉnh Quảng Trị ủng hộ chủ trương cho Công ty CP Đầu tư Công nghệ Môi trường GFC được phép tiến hành quy hoạch.
Cũng theo Phó chủ tịch Hà Sỹ Đồng, với dự án nói trên, phía chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Công nghệ môi trường GFC cần nghiên cứu, khảo sát thực tế kỹ hơn cũng như cập nhật số liệu liên quan đến đất đai, môi trường, tác động kinh tế xã hội để lập hồ sơ chi tiết. Bên cạnh đó, các Sở, ngành, địa phương liên quan phải giúp đỡ, hướng dẫn công ty hoàn thiện các bước thực hiện nội dung tiếp theo của dự án theo đúng quy định.