Nhà đầu tư nước ngoài được thành lập công ty 100% vốn nước ngoài đối với dịch vụ kho bãi phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa. Trong ảnh: Cảng Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: A.Q |
Nhà đầu tư Hoa Kỳ liên tiếp “đổ bộ”
Chỉ trong tháng 9 và 10/2022, một loạt doanh nghiệp Hoa Kỳ liên tiếp “đổ bộ” vào Bình Dương để tìm cơ hội hợp tác đầu tư vào lĩnh vực logistics. Đầu tiên là việc Tập đoàn Warburg Pincus (Hoa Kỳ) đã gặp lãnh đạo tỉnh Bình Dương vào cuối tháng 9/2022 để bàn thảo về kế hoạch đầu tư Dự án Trung tâm Thương mại điện tử xuyên biên giới.
Dự án này được Warburg Pincus và đối tác liên doanh Becamex IDC lên kế hoạch xây dựng với quy mô 75 ha tại Thành phố mới Bình Dương. Trung tâm bao gồm các khu nhà xưởng công nghệ cao, kho chứa hàng vận chuyển bằng đường hàng không, kho thương mại điện tử xuyên biên giới, kho ngoại quan…
Trong cuộc gặp với lãnh đạo tỉnh Bình Dương, ông Charles R. Kaye, Tổng giám đốc toàn cầu của Tập đoàn Warburg Pincus mong muốn chính quyền tỉnh Bình Dương tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp sớm triển khai Dự án nhằm xây dựng hệ sinh thái tích hợp chuỗi cung ứng, tạo điểm nhấn để thu hút đầu tư vào Bình Dương.
Ngay sau đó, vào cuối tháng 10/2022, một đoàn doanh nghiệp của Hoa Kỳ đã đến Bình Dương tìm hiểu về việc phát triển logistics tại đây. Nhận thấy cơ hội có thể thu hút doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào lĩnh vực này, tỉnh Bình Dương đã tổ chức ngay một hội nghị chuyên đề đầu tư vào ngành logistics với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến để kết nối với các đối tác Hoa Kỳ chưa sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Ngay sau hội nghị, có khoảng 100 nhà đầu tư Hoa Kỳ bày tỏ mong muốn kết nối giao thương, tìm cơ hội đầu tư vào ngành logistics trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Việc các doanh nghiệp Hoa Kỳ “đổ bộ” tìm cơ hội đầu tư vào logistics tại Bình Dương là điều dễ nhận thấy, bởi với lợi thế là tỉnh công nghiệp phát triển nhất khu vực phía Nam và là một trong những địa phương nằm trong tốp đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Bình Dương là mảnh đất “màu mỡ” cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, khai thác dịch vụ logistics. Hơn nữa, việc Tập đoàn Warburg Pincus đã lên kế hoạch xây dựng Trung tâm Thương mại điện tử xuyên biên giới tại Bình Dương là cơ sở để các doanh nghiệp Hoa Kỳ tự tin đầu tư vào lĩnh vực này.
Lợi thế của doanh nghiệp Hoa Kỳ
Tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ được tổ chức mới đây, bà Susan Burns, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM cho biết, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đạt 113 tỷ USD trong năm 2021 và kết quả năm 2022 chắc chắn sẽ cao hơn. Việt Nam đã trở thành một mắt xích chủ chốt trong chuỗi cung ứng, đóng vai trò quan trọng thiết yếu đối với nền kinh tế Hoa Kỳ. Việt Nam hiện là thị trường lớn thứ 8 đối với các sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ, trong khi Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam.
Ông Ditlev Blicher, Giám đốc điều hành Maersk khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Bà Susan Burns cho biết, logistics là một trong 3 lĩnh vực mà doanh nghiệp Hoa Kỳ nhìn thấy cơ hội đầu tư rất lớn tại Việt Nam, sau năng lượng sạch và y tế.
Đối với lĩnh vực logistics, khi đầu tư vào Việt Nam, với tiềm lực tài chính mạnh và hiểu biết các quy định của Hoa Kỳ, doanh nghiệp Hoa Kỳ có lợi thế hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp Việt Nam với đa phần là các công ty logistics quy mô nhỏ và vừa.
Đơn cử, các quy định của Ủy ban Hàng hải Liên bang Mỹ (FMC) liên quan đến hoạt động giao nhận hàng container đến Hoa Kỳ rất chặt chẽ, đòi hỏi sự am hiểu quy định sở tại, tính chuyên nghiệp rất cao mới tránh được rủi ro về thuế, phí và tiền phạt tại nơi giao hàng cũng như các điểm chuyển tải. Do vậy, khi đầu tư vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam, doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ có nhiều thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Hoa Kỳ.
Nếu như trước đây, lĩnh vực logistics còn hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài, thì nay, theo biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ở một số khâu trong chuỗi cung ứng logistics, doanh nghiệp nước ngoài được thành lập công ty 100% vốn nước ngoài. Chẳng hạn, với dịch vụ kho bãi, dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa, dịch vụ chuyển phát, nhà đầu tư nước ngoài được thành lập công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Do vậy, đây là các điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam.
Nhận thấy cơ hội đầu tư lớn vào lĩnh vực logistics, thời gian qua, các “ông lớn” trong ngành đã lên kế hoạch tiến sâu hơn vào thị trường Việt Nam. Sau thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) trị giá 3,6 tỷ USD giữa Maersk và LF Logistics, Hãng vận tải Maersk bắt đầu lên chiến lược tiến vào thị trường Việt Nam.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam mới đây, ông Ditlev Blicher, Giám đốc điều hành Maersk khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, việc sáp nhập giữa hai công ty đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng tại khu vực, trong đó có Việt Nam.