Cảng Hòn La – PTSC Quảng Bình là chi nhánh trực thuộc Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam - PVN).
Lĩnh vực hoạt động chính của PTSC là cung cấp các loại hình dịch vụ kỹ thuật cho các ngành dầu khí, năng lượng, công nghiệp, trong đó có nhiều loại hình dịch vụ mang tính chiến lược, chất lượng cao, mũi nhọn, đã phát triển và được chuyên nghiệp hóa đạt trình độ quốc tế như EPCI công trình biển; EPC công trình công nghiệp; kho nổi chứa, xử lý và xuất dầu thô FSO/FPS0;...
Ngoài ra, vừa qua PTSC đã được bổ sung ngành sản xuất, truyền tải và phân phối điện.
Xác định dịch vụ căn cứ cảng là một trong những dịch vụ cốt lõi của mình, PTSC đã xây dựng chiến lược cụ thể, thực hiện công tác đầu tư các căn cứ cảng dọc từ Bắc vào Nam.
Hiện, doanh nghiệp này sở hữu, quản lý và khai thác 7 căn cứ cảng gồm cảng PTSC Đình Vũ Hải Phòng, cảng PTSC Nghi Sơn Thanh Hóa, cảng PTSC Hòn La Quảng Bình, cảng PTSC Sơn Trà Đà Nẵng, cảng PTSC Dung Quất Quảng Ngãi, cảng PTSC Phú Mỹ và cảng Hạ lưu Vũng Tàu.
Cảng PTSC Hòn La Quảng Bình (Nguồn: PTSC). |
Ông Hoàng Tuấn, Giám đốc chi nhánh PTSC tại Quảng Bình cho biết, cảng Hòn La được PTSC nhận chuyển nhượng từ tỉnh Quảng Bình, công bố và đưa vào khai thác từ ngày 28/11/2008 với chiều dài cầu cảng là 100m và hạ tầng cảng biển được thiết kế, xây dựng cho tàu có trọng tải đến 10.000DWT cập cầu làm hàng.
Cảng Hòn La có vị trí thuận lợi, nằm trong vịnh Hòn La, kín gió do được che chắn bởi đê chắn sóng nối đảo Hòn Cỏ, đảo Hòn La.
Về đường biển gần tuyến hàng hải ven biển khoảng 6 hải lý; cách tuyến hàng hải quốc tế trên biển đông 360 hải lý, nằm giữa hai cảng lớn Hải Phòng và Đà Nẵng.
Về đường bộ, cảng cách Quốc lộ 1A khoảng 4km, cách cửa khẩu Cha Lo biên giới Việt - Lào 150 km; cách biên giới Lào - Thái (Thà khẹt- NakhonPhanom) 301 km.
Ngoài ra cảng này còn nằm trong quy hoạch của khu công nghiệp Hòn La nên khoảng cách gần từ cảng đến các nhà máy trong khu công nghiệp, thuận lợi cho việc vận chuyển, xuất nhập hàng hóa.
Sau khi tiếp nhận, quản lý, khai thác cảng Hòn La, PTSC đã triển khai thực hiện đầu tư nối dài thêm 115m cầu cảng.
Ông Hoàng Tuấn, Giám đốc chi nhánh PTSC tại Quảng Bình phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình được tổ chức ở TP.HCM sáng 25/3 (Ảnh: Lê Toàn). |
Trong quá trình vận hành, PTSC đã không ngừng đầu tư thêm cơ sở vật chất hạ tầng như xây dựng thêm kho hàng, cân điện tử, nâng cấp, mở rộng bãi chứa, đầu tư phương tiện xếp dỡ với tổng mức đầu tư là hơn 323,7 tỷ đồng.
Hiện, cảng Hòn La có hệ thống cầu cảng dài 215m có thể tiếp nhận 02 tàu trọng tải 10.000DWT cùng lúc, 2 kho hàng 5.000m2, 88.000m2 bãi chứa và các trang thiết bị xe cẩu có sức nâng từ 50 tấn đến 180 tấn, các trang thiết bị làm hàng chuyên dụng khác, công suất thiết kế phục vụ xếp dỡ 1,26 triệu tấn hàng hóa qua cảng mỗi năm.
Năng lực nêu trên có thể đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng nhằm để phục vụ phát triển kinh tế địa phương, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với tỉnh Quảng Bình.
Trong quá trình thực hiện đầu tư và vận hành, khai thác cảng Hòn La, doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện cũng như sự chỉ đạo kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến mọi hoạt động của doanh nghiệp của lãnh đạo UBND tỉnh và các cơ quan, ban ngành địa phương.
Trải qua hơn 12 năm hoạt động, cảng Hòn La đã xếp dỡ thành công hơn 18 triệu tấn hàng hóa, sản lượng hàng hóa đều đạt và vượt công suất thiết kế từ 5% - 20%, doanh thu, lợi nhuận đều đạt kế hoạch.
Ông Vũ Đại Thắng, Bí thư tỉnh Quảng Bình phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Lê Toàn). |
Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ cho các khách hàng, nhà máy trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, cảng Hòn La đang cung cấp dịch vụ cho một số khách hàng quốc tế, như Công ty Panaust của Úc đang quản lý và khai thác mỏ quặng đồng tại Phu Kham- Lào.
Cảng Hòn La là cảng duy nhất đáp ứng được chất lượng dịch vụ theo yêu cầu và được phía đối tác sử dụng 100% dịch vụ cảng.
Đặc biệt trong năm 2021, cảng Hòn La đã mở rộng việc tham gia cung cấp dịch vụ xếp dỡ hàng hóa cho các dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Bình nói riêng và các dự án lân cận nói chung, như thực hiện xếp dỡ thành công thiết bị điện gió cho dự án điện gió BT1, BT2, BT3 tại tỉnh Quảng Bình và toàn bộ các dự án điện gió khác tại tỉnh Quảng Trị góp phần hoàn thành tiến độ đóng điện vào mạng lưới quốc gia trước 31/10/2021 của các chủ đầu tư.
Hiện tại cảng Hòn La đang tập trung xây dựng phương án và làm việc với các đối tác để sẵn sàng phục vụ xếp dỡ, lưu bãi và vận chuyển hàng thiết bị của dự án nhiệt điện Quảng Trạch 1.
Trong thời gian qua, với những nỗ lực không ngừng trên tất cả các phương diện, trong đó chú trọng đến công tác nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng năng suất xếp dỡ hàng hóa, các chính sách hỗ trợ khách hàng nên Cảng Hòn La đã đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng và được đánh giá cao.
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của vận tải biển trong nước và quốc tế kéo theo các tàu có trọng tải lớn dần dần sẽ thay thế các tàu có trọng tải nhỏ từ 10.000DWT trở xuống.
Ông Hoàng Tuấn còn cho biết, toàn bộ hồ sơ về thẩm định kết cấu cầu cảng, PCCC, đánh giá tác động môi trường đã hoàn thành và nguồn vốn duy tu vùng nước trước bến đã được thu xếp.
Cảng Hòn La đang nghiên cứu dự án khả thi nối dài thêm 100m cầu cảng về phía khu vực thượng lưu cảng trong giai đoạn 2024-2025.
Trước mắt cảng sẽ xây dựng bến cầu tạm tại khu vực này để phục vụ dự án nhiệt điện nhằm bảo đảm tiến độ cho dự án.
Chia sẻ tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Quảng Bình năm 2022 được tổ chức vào sáng 25/3 tại TP.HCM, ông Hoàng Tuấn đã kiến nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình xem xét hỗ trợ làm việc với Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải xây dựng kế hoạch nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện đầu tư nâng cấp tuyến luồng hàng hải Hòn La cho tàu 30.000 DWT.
Với năng lực và kinh nghiệm của mình, cảng Hòn La cam kết sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp mở rộng cảng, đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng và trang thiết bị phương tiện hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng trong tương lai, cùng đồng hành và phát triển với nền kinh tế của tỉnh Quảng Bình.