Hơn 300 khách mời là các CEO, nhà quản lý doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng, tài chính và các nhà đầu tư tư nhân đã có mặt tại Hội nghị bất động sản 2016 với chủ đề “Kịch bản và Hành động” sáng nay (17/5) tại Hà Nội do Tạp chí Nhịp cầu Đầu tư tổ chức. Có khá nhiều thông tin dự báo về thị trường được chia sẻ.
Những thay đổi tích cực từ Luật Nhà ở sửa đổi cho phép người nước ngoài và Việt kiểu sở hữu bất động sản tại Việt Nam và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi có hiệu lực từ tháng 7/2015 cùng góp phần tạo nên cú hích cho thị trường nhà đất. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu lạc quan, thì việc Ngân hàng Nhà nước đang cân nhắc việc siết lại các quy định về cho vay bất động sản cũng khiến nhà đầu tư e dè. Ngoài ra, còn rất nhiều dấu hiệu đáng lo lắng khác dù thị trường bất động sản Việt Nam đã thuận lợi hơn trong vòng 2-3 năm qua.
Bất động sản nghỉ dưỡng được cho là phân khúc sẽ được hưởng lợi trong năm 2016 |
Ông David Clarkin, đồng Giám đốc điều hành Sapphire, cho hay: “Có một điểm tôi nghe rất nhiều về việc đầu tư bất động sản ở Việt Nam là thiếu tính minh bạch. Khi nhà đầu tư đến Việt Nam với cố gắng tìm hiểu những thị trường chính như Hà Nội, TP.HCM về vấn đề pháp lý của đất đai, mua đất ra sao, có thể xin được dự án như thế nào, quy trình thủ tục gì nhưng thường không dễ dàng”.
Trong khi đó, những vấn đề liên quan đến tính sở hữu lại là yếu tố chính tác động đến cơ hội đầu tư mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Với sự ra đời của những dự án mới, các tòa nhà cao tầng ở TP.HCM, đất sạch còn nhiều không và làm thế nào để có được mảnh đất đó? Trong cuộc chơi này không có sự bình đẳng khi một số nhà đầu tư lại dễ dàng có được mảnh đất vị trí vàng đó, trong khi các nhà đầu tư khác thì lại không hề biết đến. Liệu có sân chơi bình đẳng trong một thị trường khi thị trường chỉ dành cho một vài người chơi? Ông David Clarkin đặt câu hỏi.
Ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho hay, các nhà phát triển dự án tiên phong cần cung cấp, chia sẻ thông tin, trao đổi năng lực với nhau.
“Trước đây, có rất nhiều đánh giá về đóng góp của ngành bất động sản cho GDP, với nhiều nhà đầu tư lớn của nước ngoài hiện diện ở đây như LG, Samsung. Tôi nghĩ bất động sản là ngành đặc thù, nhưng phải nhận thức được chúng ta đang ở đâu. Không cố gắng hào hứng thái quá, hay bi quan thái quá đối với các danh mục đầu tư”, ông Marc Townsend nói.
Khách hàng có nhiều lựa chọn khi hàng loạt dự án được chào bán |
Vấn đề tiềm ẩn về bong bóng bất động sản vẫn được các nhà đầu tư, chuyên gia cảnh báo. Theo ông Marc Townsend, CBRE rất lo ngại về bong bóng bất động sản. Các vấn đề về lạm phát, lãi suất đang khá thuận lợi cho người mua, trong tương lai trung hạn, chúng ta cũng thấy thị trường có thể tăng trưởng thêm. Tuy nhiên, thị trường hiện nay nguồn cung hơi quá nhiều.
Theo thống kê, hiện trên cả nước gần 4.000 dự án triển khai, quá lớn so với nhu cầu, trong khi đó chiến lược quốc gia mỗi năm chỉ tăng 1 m2 /người. Gốc cung – cầu là yếu tố quyết định sự ổn định của thị trường, hiện chỉ có các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương là phát triển bất động sản có vấn đề. Do đó, các địa phương xác định cung - cầu của mình để quyết định cho nhà đầu tư làm dự án hay không, tránh gây ra tình trạng bong bóng. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành cho rằng, bất cứ tài sản nào cũng có bong bóng nên không có gì đáng lo lắng.