VEPR lo ngại về sự tăng trưởng của thị trường bất động sản |
VEPR vừa công bố báo cáo kinh tế quý III/2015 kèm khuyến nghị mà ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VERP muốn nhấn mạnh, đó là, hiện thời kinh tế thực tạm chấp nhận được, có bước tiến, nhưng rủi ro chính hiện nay đang tích lũy dần trong khu vực tiền tệ những bước đầu tiên, cho dù CPI tăng chậm trong 9 tháng đầu năm 2015, giảm tuyệt đối trong tháng 9.
Báo cáo của VERP viết: Cần lưu ý là xu hướng lạm phát thấp không chỉ xảy ra ởViệt Nam mà đang khá phổ biến ở các thị trường mới nổi do tác động của giá hàng hóa và năng lượng, ví dụ Thái Lan (-1,07%), Trung Quốc (2%), Singapore (-0,8%), Phillipines (0,4%), Malaysia (3,1%). Giá năng lượng suy giảm được cho là đã tác động mạnh đến mặt bằng giá ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Các dự báo về giá năng lượng cho năm 2016-2017 đều thuận lợi cho việc giữ ổn định mặt bằng giá trong nước. Thị trường xuất khẩu gạo khó khăn do dư cung trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt mở bán kho gạo dự trữ của Thái Lan, dẫn đến giá lương thực trong tháng 9 giảm 2,23% so với đầu năm.
“Những yếu tố của phía cung chỉ báo xu hướng lạm phát thấp trong một, hai quý tiếp theo dù mặt bằng giá có thể chịu áp lực vào thời điểm Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, VERP cho rằng, tốc độ tăng cung tiền đang vượt xa GDP danh nghĩa sẽ tạo ra rủi ro cho mặt bằng giá trong năm 2016. Chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức cùng mức tỷ giá kém cạnh tranh có thể đang tích lũy những rủi ro gây bất ổn về giá trong ngắn hạn”, báo cáo của VEPR viết.
Phân tích về nhu cầu tăng cao trên thị trường vốn - tín dụng, tính đến tháng 9, tổng dư nợ tín dụng tăng 10,78% so với đầu năm, cao hơn nhiều so với tốc độ 7% cùng kỳ năm 2014, các chuyên gia của VEPR đang cho rằng, tăng trưởng tín dụng có tốc độ cao hơn huy động đã tạo sức ép lên mặt bằng lãi suất huy động.
“Một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm tăng 0,2-0,5% lên sát mức trần 5,5% quy định tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng. Chúng tôi cho rằng, tăng trưởng tín dụng quá cao so với tăng trưởng GDP danh nghĩa sẽ sớm gây sức ép nên mặt bằng giá và các mức lãi suất. Nền kinh tế đang có nhiều nét tương đồng với thời điểm 2009 khi lạm phát thấp và nền kinh tế đã có hững dấu hiệu hồi phục sau suy thoái nhờ các biện pháp nới lỏng tiền tệ. Kinh nghiệm quá khứ cho thấy lạm phát ở mức thấp có thể nhanh chóng đổi chiều nếu cung tiền không được kiểm soát chặt chẽ”, báo cáo của VEPR lưu ý.
Đây cũng là lý do Báo cáo của VEPR nhấn mạnh đến những rủi ro tiềm ẩn trong khu vực tài chính và các thị trường tài sản. Nhất là khi tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu nóng, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa có thể dẫn tới nguy cơ bùng nổ lạm phát và bong bóng tài sản trong giai đoạn sau.
“Chúng tôi đề xuất chính sách tiền tệ cần thận trọng hơn, kiểm soát chặt chẽ cung tiền phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa”, các chuyên gia VEPR khuyến nghị. Về cơ chế tỷ giá, các chuyên gia xây dựng báo cáo cho rằng, cơ chế tỷ giá hiện không phù hợp với hoàn cảnh mới của kinh tế trong nước cũng như thế giới.
“Cơ chế tỷ giá điều chỉnh thiếu linh hoạt, không có khả năng bảo vệ ổn định vĩ mô nội tại và khu vực sản xuất trong nước, đặc biệt trong trường hợp dòng vốn nóng chảy vào Việt Nam sau hiệp định TPP như trường hợp gia nhập WTO năm 2007. Ngoài ra, thị trường tài chính thế giới có thể sẽ chứng kiến những cú sốc lớn khi Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác đang điều chỉnh mạnh mẽ”, báo cáo nhấn mạnh.
Trong phần khuyến nghị, VEPR cũng nhấn mạnh cần thận trọng với sự tăng trưởng của thị trường bất động sản và ngăn ngừa sự hình thành bong bóng bất động sản có tính chu kỳ.
“Tín dụng cho bất động sản đang có xu hướng tăng cao, các giao dịch đang tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp và mặt bằng giá có xu hướng tăng gây lo ngại về sự phát triển bền vững của thị trường. Chúng tôi cho rằng, khi thị trường đã phục hồi, cần điều chỉnh lại chủ trương khuyến khích cho vay bất động sản”, VEPR khuyến nghị.