Đầu tư
Nhà đầu tư lo chính sách ưu đãi thiếu minh bạch
Nguyên Đức - 17/08/2018 08:48
Không hẳn do chính sách, mà nhiều khi do thực thi, nên các cơ chế ưu đãi dành cho nhà đầu tư thiếu sự minh bạch, thiếu tính nhất quán và khó tiên lượng. Tất cả khiến nhà đầu tư e ngại.
TIN LIÊN QUAN

Sự e ngại của nhà đầu tư

Vina Pioneer là một công ty Hàn Quốc, đang đầu tư sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất và in túi nhựa các loại tại tỉnh Hưng Yên. Mọi việc kinh doanh đều thuận lợi. Tuy nhiên, gần đây, doanh nghiệp này bất ngờ nhận được thông báo về việc chấm dứt ưu đãi một cách đơn phương, dù vẫn đang còn thời hạn ưu đãi. Mặc dù Vina Pioneer đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác nhận là vẫn nằm trong khu vực được hưởng ưu đãi đầu tư, song các sở, ngành chức năng của Hưng Yên cương quyết rằng, doanh nghiệp không thuộc đối tượng được ưu đãi.

.

Câu chuyện của Vina Pioneer đã được đích thân ông Kim Heung Soo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) viện dẫn để cho rằng, những quyết định mang tính hành chính như vậy ảnh hưởng rất lớn đến nhà đầu tư.

“Những trường hợp như thế không phải là vấn đề của riêng doanh nghiệp nào. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đều xem đây là vấn đề rất nghiêm trọng. Nhận thấy, ưu đãi đang được hưởng có thể bị chấm dứt đột ngột, nên họ cho rằng, cần phải giảm đầu tư hoặc tìm kiếm đối sách khác”, ông Him Heung Soo nói.

Đúng là, câu chuyện này không phải của riêng doanh nghiệp nào. Mặc dù các chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam được đánh giá là rất tốt và qua đó đã góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành một điển hình thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), song sự thiếu nhất quán của chính sách và cả những khác biệt trong thực thi đã khiến một bộ phận nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn.

Đã từng có thời gian, nhất là giai đoạn 2009 - 2013, khi Việt Nam “cắt” chính sách ưu đãi đầu tư cho các dự án mở rộng, sau đó lại “mở” khi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi được thông qua vào tháng 6/2013, rất nhiều doanh nghiệp đã gặp vướng mắc liên quan đến ưu đãi đầu tư cho phần dự án mở rộng.

Cả Bosch, Unilever, rồi PepsiCo, Sanofi… đều gặp tình trạng tương tự, nhiều lần phải “thưa lên, gửi xuống” tới các cơ quan chức năng Việt Nam để có câu trả lời cuối cùng về việc có được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư hay không. Sự thay đổi trong các quy định về địa bàn ưu đãi đầu tư cũng khiến một số doanh nghiệp gặp khó.

Câu chuyện không chỉ có vậy. Trong một văn bản vừa được gửi tới Ủy ban Kinh tế của Quốc hội liên quan đến các chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, thời gian qua, có tình trạng một số chính sách ưu đãi được ban hành, nhưng không có quy định hoặc quy định không minh bạch về điều kiện và thủ tục để được hưởng ưu đãi. Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn vướng mắc trong việc xin xác nhận đối tượng được hưởng ưu đãi.

Thậm chí, theo VCCI, có trường hợp chính sách trao quyền tùy nghi quá lớn cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, tạo cơ hội cho tham nhũng, tiêu cực, doanh nghiệp phải chung chi để được xác nhận đủ điều kiện được ưu đãi. Kết quả là, chính sách ưu đãi không phát huy được tác dụng, làm nản lòng những doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực được khuyến khích

Đòi hỏi sự minh bạch

Việt Nam đang chuẩn bị tổng kết 30 năm thu hút FDI và theo kế hoạch, sẽ có một định hướng chiến lược mới về thu hút FDI được xây dựng, kèm theo đó là những sửa đổi liên quan đến chính sách ưu đãi đầu tư nhằm thực hiện hiệu quả chiến lược mới đó.

Trong giai đoạn tới, Việt Nam cần có chính sách để thu hút đầu tư của các tập đoàn lớn, các Dự án công nghệ cao, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đã có rất nhiều đề xuất liên quan đến chính sách ưu đãi đầu tư này. Trong đó, theo VCCI, “các chính sách ưu đãi đầu tư cần hết sức chú ý đến việc bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng về điều kiện, tiêu chí, thủ tục để được hưởng ưu đãi”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, tổng giám đốc của một doanh nghiệp lớn của nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam đồng tình với đề xuất này. Theo đó, trong giai đoạn tới, Việt Nam cần có chính sách để thu hút đầu tư của các tập đoàn lớn, các dự án công nghệ cao, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Những chính sách ưu đãi đầu tư như hiện nay của Việt Nam cũng đã tốt rồi. Nếu có sửa đổi, thì tôi cho rằng, những quy định mới phải thuận lợi hơn các quy định cũ. Còn nếu ngược lại, thì sẽ ảnh hưởng đến năng lực dự báo tương lai của nhà đầu tư, đến các kế hoạch sản xuất - kinh doanh của họ tại Việt Nam và như vậy sẽ khiến họ nản lòng”, vị này nói.

Vị tổng giám đốc này nhấn mạnh, điều quan trọng nhất mà các nhà đầu tư mong muốn là chính sách phải minh bạch, nhất quán và dễ tiên lượng.

Cũng liên quan đến việc xây dựng các chính sách ưu đãi đầu tư giai đoạn tới, VCCI cho rằng, việc ưu đãi đầu tư có thể được coi là biện pháp “mồi”, nhằm tạo lập, thu hút nhà đầu tư trong một giai đoạn nhất định. Sau một thời gian, nếu lĩnh vực, địa bàn đó đã có làn sóng đầu tư tốt, thì cần giảm bớt chính sách ưu đãi; nếu lĩnh vực, địa bàn đó không có nhiều nhà đầu tư, tức là biện pháp ưu đãi không hiệu quả, thì cần được nâng cấp hoặc điều chỉnh cho phù hợp hơn.

“Nên đưa ra nguyên tắc là, các quy định về ưu đãi đầu tư chỉ có hiệu lực trong tối đa 5 năm kể từ khi ban hành (tức là chỉ áp dụng cho những dự án được cấp phép đầu tư hoặc bắt đầu nộp hồ sơ xin cấp phép đầu tư trong thời hạn đó). Sau 5 năm, biện pháp ưu đãi đầu tư phải được gia hạn, hoặc nếu không sẽ tự động hết hiệu lực, không áp dụng cho các dự án mới nữa”, VCCI bày tỏ quan điểm.

Tin liên quan
Tin khác