Nhiều công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon có kế hoạch chuyển hướng đầu tư sản xuất thiết bị điện tử về Việt Nam. |
Việc đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam trong nhiều năm qua thường thông qua các công ty con đăng ký tại một số nước và khu vực khác. Nhiều doanh nghiệp Mỹ đầu tư khá lớn tại Việt Nam, nhưng chưa được tính trong con số thống kê, bởi đầu tư thông qua M&A hay các hoạt động nhượng quyền thương mại…
Trong 4 tháng đầu năm, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Mỹ nằm trong tốp 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng thương vụ M&A nhiều nhất. Các doanh nghiệp Mỹ có đến 101 lượt góp vốn, mua cổ phần các doanh nghiệp nội, với tổng vốn góp 68,58 triệu USD, tăng 9 lượt giao dịch và gần gấp đôi về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Mỹ chỉ có 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp phép vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký khoảng 25,5 triệu USD.
Chia sẻ về câu chuyện dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc, GS. Hà Tôn Vinh, chuyên gia kinh tế, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Stellar Management cho rằng, trong nền kinh tế toàn cầu hóa, các công ty đa quốc gia thường xuyên đi tìm những quốc gia có nền kinh tế và chính trị ổn định; nguồn nhân lực dồi dào, giá thấp và có tay nghề cao; các yếu tố sản xuất và cung cấp đầu vào đem lại lợi thế cạnh tranh… Việt Nam gần đây đã bắt đầu đáp ứng được nhiều đòi hỏi gắt gao của các tập đoàn đa quốc gia, nên việc họ tìm đến Việt Nam là một điều dễ hiểu.
“Sự phát triển của Trung Quốc hơn hai thập niên qua đã làm cho giá cả leo thang chóng mặt, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm cho việc sản xuất tại Trung Quốc trở nên bấp bênh hơn và lợi nhuận của các tập đoàn trên đà đi xuống…”, GS. Vinh nói và nhìn nhận, đại dịch Covid-19 có thể là giọt nước làm tràn ly, khiến các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Mỹ, đẩy nhanh hơn, quyết liệt hơn việc dịch chuyển đầu tư.
Minh chứng là, trong tháng 3 vừa qua, tức là thời điểm dịch Covid-19 đang diễn ra căng thẳng và phức tạp tại Mỹ, song phái đoàn 45 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực khoa học đời sống và y tế của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) đã đến Việt Nam tìm kiếm các cơ hội mở rộng hợp tác đầu tư, kinh doanh.
Ông Alexander Feldman, Chủ tịch USABC cho biết, lĩnh vực trang thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe và dược phẩm đang được doanh nghiệp Mỹ quan tâm thúc đẩy thủ tục để triển khai hợp tác. Nhiều công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon đã có kế hoạch chuyển hướng đầu tư sản xuất thiết bị điện tử về Việt Nam, có thể bằng hình thức đầu tư trực tiếp hoặc qua bên thứ ba. Một số tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Mỹ đã có kế hoạch tăng cường nhập khẩu hàng Việt Nam vào chuỗi cung ứng…
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Mỹ đề xuất các dự án hợp tác, tìm hiểu cơ hội đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo… Chẳng hạn, Facebook muốn triển khai Chương trình “Facebook vì Việt Nam” nhằm hỗ trợ hàng ngàn học sinh Việt Nam học tập online, với kho dữ liệu được Việt hóa, phù hợp với học sinh nhiều vùng miền.
Tập đoàn AES có các dự án “Kỹ sư năng lượng tương lai”, “Trường học an toàn cho trẻ em”, “Khúc xạ học đường”, “Giáo dục STEM”, cùng nhiều hoạt động hỗ trợ học bổng khác trị giá trên 1 tỷ đồng, với mong muốn nội địa hóa nguồn nhân lực làm việc tại Việt Nam.
Để thu hút thêm các doanh nghiệp lớn của Mỹ, theo GS. Hà Tôn Vinh, Việt Nam cần ưu tiên đẩy mạnh các chương trình quảng bá hình ảnh và thương hiệu Việt, nhấn mạnh đặc biệt đến các yếu tố nhân sự có trình độ, kinh nghiệm, tay nghề cao; các chính sách ưu đãi...
Ngoài ra, lãnh đạo Trung ương hay địa phương nên tìm cơ hội gặp gỡ trực tiếp, mời gọi các nhà đầu tư, sản xuất đến Việt Nam. Điều này chắc chắn sẽ khiến lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia yên tâm và tin tưởng vào các cam kết lâu dài hỗ trợ các dự án đầu tư của họ.
“Đây có lẽ là cơ hội hiếm có khó tìm để Việt Nam vươn lên, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, như câu người Mỹ thường nói: Nên rèn dao luyện kiếm khi thanh sắt còn nóng đỏ trong lò”, GS. Vinh nói.