Tài chính - Chứng khoán
Nhà đầu tư ngoại chưa hết lo lắng với nới room
Hồng Sơn - 07/11/2016 09:48
Thông tin về việc các “ông lớn” như Vinamilk, Sabeco, FPT... tiếp tục được bán phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu 100% vốn tại các doanh nghiệp này được các nhà đầu tư đón nhận khá hồ hởi.

Tuy nhiên, vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài là sau khi nới room thì rất có thể sở hữu thực tế của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty niêm yết sẽ vượt 51% và như vậy theo quy định tại Điều 23, Luật Đầu tư năm 2014, thì doanh nghiệp được xem là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Khi đó, họ có thể gặp khó khăn và các rào cản khác, đặc biệt là về thương mại và thông lệ kinh doanh áp dụng cho các doanh nghiệp FDI.

Trao đổi về vấn đề này tại Hội nghị Nhà đầu tư nước ngoài do StoxPlus và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (Hose) tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, các nhà đầu tư thường thắc mắc rằng, dường như các quy định của pháp luật hiện hành (Luật Đầu tư năm 2014 và Nghị định số 60 - PV) về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài có xung đột nhau, gây khó khăn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, đây là quy định về 2 vấn đề khác nhau.

Việc nới room theo Nghị định 60 được triển khai khá chậm và còn nhiều rào cản pháp lý khác

Cụ thể, Luật Đầu tư năm 2014 quy định doanh nghiệp FDI là doanh nghiệp có phần vốn của nhà đầu tư nước ngoài trên 51% và khi doanh nghiệp đó góp vốn bằng các hình thức khác nhau để thành lập doanh nghiệp khác, thì doanh nghiệp đó được coi là có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, Nghị định 60 là quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty niêm yết. Trước đây, tỷ lệ này là 49%, nhưng theo quy định mới thì được nới room và có thể lên tới 100%.

Theo phản ánh của các nhà đầu tư nước ngoài, hiện nay, việc nới room theo Nghị định 60 được triển khai khá chậm và còn nhiều rào cản pháp lý khác. Về vấn đề này, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán nhà nước) cho rằng, nguyên nhân là doanh nghiệp chưa nhìn thấy lợi ích của việc nới room, e ngại về quản trị doanh nghiệp khi có nhà đầu tư nước ngoài, lo ngại bị thâu tóm… Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài thực sự chỉ quan tâm tới việc nới room tại một số doanh nghiệp mà họ nhìn nhận thấy có nhiều lợi ích.

Theo khảo sát của StoxPlus, trung bình hiện nay một doanh nghiệp đăng ký 19 ngành nghề kinh doanh, cá biệt có doanh nghiệp đăng ký hàng trăm ngành nghề. Đây là trở ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài khi doanh nghiệp thực hiện nới room, bởi có thể có ngành nghề trong danh mục điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, dù doanh nghiệp không kinh doanh lĩnh vực đó.

Ông Tuấn cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật trên Hệ thống Thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài danh mục điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài. “Nếu ngành nghề đăng ký kinh doanh không có trong danh mục điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, thì áp dụng như với nhà đầu tư trong nước”, ông Tuấn nói.

Liên quan đến vấn đề này, theo bà Bình, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang phối hợp với các bộ, ngành chức năng đề xuất giảm bớt danh mục điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, trong 2 năm tới, sẽ hoàn thiện việc sửa Luật Chứng khoán và ban hành các văn bản hướng dẫn luật.

Tin liên quan
Tin khác