Đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ 46,16% vốn điều lệ của PAN Group, trong đó Quỹ đầu tư Tael Two Partners Ltd. đang là cổ đông lớn nhất, với tỷ lệ nắm giữ gần 21%. Tiếp theo là Mutual Fund Elite nắm giữ 9,52%, Quỹ GIC của Chính phủ Singapore nắm giữ 4,95%; Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) nắm giữ 4,81%.
Nói về câu chuyện nới “room” của PAN Group, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PAN Group cho biết, PAN huy động vốn để chuyển thành công ty hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. Những cổ đông hiện tại của PAN Group là những tổ chức tài chính lớn, có uy tín trên thế giới, họ có cùng mục tiêu đồng hành lâu dài xây dựng một công ty Việt Nam, với những sản phẩm thương hiệu Việt.
PAN đang huy động vốn để chuyển thành công ty hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. Ảnh: Đ.T |
Theo đó, việc mở “room” chỉ nhằm bình đẳng quyền lợi giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước, chứ không ảnh hưởng gì đến mục tiêu của Công ty. “Nếu có một đối thủ cùng nghề nước ngoài nào có nhiều tiền muốn thâu tóm cũng không thể biến PAN Group thành công ty con được, vì các quy định hạn chế giao dịch của các bên liên quan trong công ty niêm yết”, ông Hưng khẳng định.
Trước khi PAN Group nới “room” chưa lâu, một doanh nghiệp cũng có liên quan nhiều đến ngành nông nghiệp là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã VNM, sàn HOSE) cũng đã nới “room” lên 100%. Vinamilk tuy là doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp, nhưng hoạt động nông nghiệp cũng chiếm vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp này. Vinamilk đang sở hữu đàn bò với số lượng hơn 120.000 con, cung cấp 750 tấn sữa tươi nguyên liệu/ngày. Dự kiến, Vinamilk sẽ đưa tổng số đàn bò của mình từ các trang trại và của các nông hộ lên khoảng 140.000 con vào năm 2017 và khoảng 160.000 - 180.000 con vào năm 2020.
Như vậy, sự mở cửa của PAN Group và Vinamilk được được kỳ vọng có thể tạo hiệu ứng cộng hưởng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp, bởi cổ phiếu của cả 2 doanh nghiệp này đều thuộc hàng “blue chips” trên sàn chứng khoán. Những doanh nghiệp tiên phong như PAN Group và Vinamilk khi nới “room” thành công có thể sẽ tạo sự tự tin cho các doanh nghiệp ngành nông nghiệp khác cởi mở hơn, cũng như học theo kinh nghiệm trong chính sách thu hút vốn để mở rộng quy mô và đầu tư chiều sâu. Đặc biệt, một trong những thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp nông nghiệp hiện nay là nhóm ngành này đang được sự quan tâm đặc biệt về chính sách.
Đánh giá về tiềm năng của doanh nghiệp nông nghiệp thời gian tới, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp và thực tế cho thấy, những doanh nghiệp có hướng đi đúng đã gặt hái thành công. Những đầu tàu về ứng dụng khoa học công nghệ cao, phát triển thị trường, tạo động lực phát triển cho nhiều vùng, địa phương đang nổi lên gồm: Vinamilk, Công ty cổ phần Đường Lam Sơn, Công ty TH Truemilk, Tập đoàn Việt - Úc... Ngoài ra, các tín hiệu gần đây cũng cho thấy, đang có xu hướng nhiều nhà đầu tư nước ngoài (từ Nhật Bản, Hàn Quốc...) và nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đang tìm hiểu cơ hội và mong muốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như Tập đoàn Vingroup, Công ty cổ phần Him Lam, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FLC...
Theo đó, để tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nông nghiệp phát triển, Ban Kinh tế Trung ương đã đưa ra những giải pháp thu hút đầu tư trong thời gian tới, nhân rộng các mô hình tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với từng ngành hàng, lĩnh vực. Hiện nay, Ban Kinh tế Trung ương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang rà soát, đề xuất hoàn thiện cơ chế nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng liên kết với tổ hợp tác; khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư các khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết với các viện, trường trong đầu tư xây dựng cơ sở nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ...