Khu công nghiệp Long Đức |
Nói về mô hình khu, cụm công nghiệp chuyên ngành nhằm thu hút các nhà đầu tư của một quốc gia, vùng lãnh thổ, có lẽ không thể không nhắc tới Khu công nghiệp Long Đức (Đồng Nai), đi vào hoạt động từ năm 2013, có tổng diện tích 282 ha, chủ đầu tư là liên doanh giữa 3 tập đoàn của Nhật Bản và Công ty Donafood của Việt Nam. Sau khoảng 2 năm Khu công nghiệp Long Đức lấp đầy trên 60%, với 40 dự án của doanh nghiệp Nhật, tổng vốn đăng ký gần 900 triệu USD. Gần đây, chủ đầu tư Khu công nghiệp Long Đức đã đề xuất với tỉnh Đồng Nai được đầu tư hạ tầng giai đoạn II, đồng thời cam kết nhanh chóng lấp đầy diện tích của khu hiện hữu.
Không chỉ Khu công nghiệp Long Đức, mô hình khu, cụm công nghiệp dành riêng để thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng “nở rộ” ở một số địa phương khác, như Khu công nghiệp Việt Nhật tại TP.HCM hay Cụm công nghiệp Đá Bạc ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Với các doanh nghiệp đến từ Đài Loan, đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp là theo tâm lý “chim đầu đàn”. Nghĩa là, ở địa phương nào đã có doanh nghiệp “tầm cỡ” của Đài Loan đầu tư thành công, các doanh nghiệp khác sẽ nhanh chóng đầu tư vào. Đơn cử, đầu năm nay, 6 doanh nghiệp của Đài Loan đã đồng loạt ký biên bản ghi nhớ cho thuê đất tại khu chuyên ngành sản xuất xe đạp và linh kiện xe đạp do Công ty DDK Việt Nam đầu tư hạ tầng. Trước đó, tháng 10/2015, DDK Việt Nam đã thuê 80 ha đất tại Khu công nghiệp Bàu Bàng (Bình Dương) để làm khu công nghiệp chuyên ngành này. Dự kiến, DDK sẽ rót khoảng 250 triệu USD để đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút khoảng 60 doanh nghiệp cùng lĩnh vực.
Liên quan đến tâm lý “chim đầu đàn”, trong buổi xúc tiến đầu tư vào Bình Định được tổ chức gần đây, đại diện một doanh nghiệp của Đài Loan đã thẳng thắn cho rằng, muốn doanh nghiệp đầu tư vào thì tỉnh nên làm một khu chuyên ngành. Vị này đề xuất giới thiệu một nhà đầu tư trong lĩnh vực dệt may có vốn đăng ký khoảng 600 triệu USD, diện tích đất sử dụng khoảng 80 ha. Từ dự án ban đầu này, sẽ làm khu công nghiệp chuyên ngành trong lĩnh vực dệt may và sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp khác của Đài Loan đến đầu tư.
Trong khi đó, hiện chưa có mô hình khu, cụm công nghiệp chuyên ngành dành cho các doanh nghiệp của Hàn Quốc và đó cũng là lý do khiến nhiều nhà đầu tư phàn nàn. Gần đây, trong một cuộc kết nối doanh nghiệp được tổ chức tại TP.HCM, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đề xuất hình thành khu, cụm công nghiệp chuyên ngành, trước mắt là với ngành sản xuất thiết bị điện - điện tử.
Trong một lần trao đổi với Phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban Quản lý khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) cho biết, Ban đã quy hoạch một khu đất khoảng 10 ha nằm gần dự án của Samsung nhằm thu hút các dự án hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. Tuy chưa tiết lộ về các nhà đầu tư dự kiến vào khu này, song theo tìm hiểu, các dự án chủ yếu là của các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc và trong năm nay sẽ có một số dự án được cấp phép đầu tư.
Thực tế cho thấy, không chỉ các nhà đầu tư châu Á, gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác cũng quan tâm đến mô hình này. Cụ thể, tại Long An, Tập đoàn Trillions (Hoa Kỳ), đã quyết định đầu tư một tổ hợp dệt may có vốn đầu tư khoảng 250 triệu USD để thu hút các nhà đầu tư Hoa Kỳ và các nhà đầu tư khác của châu Á. Trước đó, nhà đầu tư này chỉ dự kiến làm tổ hợp có diện tích khoảng 30 ha với số vốn đầu tư khoảng 120 triệu USD.
Đầu năm nay, Công ty TPP Invest LLC (Hoa Kỳ) đã ký biên bản ghi nhớ thuê 200 ha tại Khu công nghiệp Bàu Bàng (Bình Dương) để thành lập Khu công nghiệp Việt - Mỹ. Theo đó, nhiều khả năng, mục tiêu của nhà đầu tư này chính là xây dựng một khu công nghiệp dành cho các ngành, lĩnh vực có thể hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Ngoài các doanh nghiệp của Hoa Kỳ, các nhà đầu tư đến từ châu Á không phải là quốc gia thành viên TPP cũng sẽ là đối tượng được mời gọi đầu tư.