Ông Oliver Massmann, Giám đốc Công ty luật Duane Morris Việt Nam kiến nghị tại tọa đàm. Ảnh: Lê Quân |
Băn khoăn đầu mối PPP
Tọa đàm trực tuyến “Luật PPP có đủ hấp dẫn nhà đầu tư ngoại?” diễn ra hôm nay 13/5 tại Hà Nội ghi nhận ý kiến đóng góp sắc đáng từ 10 tổ chức quốc tế và công ty luật nước ngoài.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng vẫn khoảng cách trong phương pháp tiếp cận giữa các cơ quan Chính phủ và các bên đối tác nước ngoài về đầu tư theo PPP. Dù các hình thức đầu tư như Xây dựng – Vận hành - Chuyển giao (BOT), BT và BTO tồn tại gần 20 năm, nhưng khung pháp lý cho các dự án PPP trong các lĩnh vực không phải là lĩnh vực năng lượng truyền thống vẫn chưa được phát triển hoàn thiện.
Bản thân Nghị định PPP (Nghị định số 63/2018/NĐ-CP - PV) không giải quyết triệt để một số vấn đề then chốt về phân bổ rủi ro và các vấn đề thương mại dẫn đến việc không chắc chắn của các cơ quan thực hiện, làm chậm tiến độ ký kết hợp đồng dự án và triển khai dự án trên thực tế.
Bên cạnh đó, việc thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng cũng khiến các nhà đầu tư lúng túng. Nghị định số 63 đã đưa ra một chương trình được lập kế hoạch giám sát tập trung để quản lý các dự án PPP, tập trung vào Ban Chỉ đạo liên Bộ về đầu tư theo hình thức PPP dưới sự lãnh đạo của Phó Thủ tướng, nhưng đến dự luật PPP, nội dung dẫn chiếu đến Ban Chỉ đạo này đã được bỏ và thay vào đó là các quy định về thành lập “Hội đồng thẩm định” trung ương để đánh giá dự án PPP với các thành phần khác nhau, tùy quy mô và mức độ phê duyệt của dự án. “Chưa rõ liệu Hội đồng thẩm định có cùng tồn tại với Ban chỉ đạo không?”, đại diện EuroCham băn khoăn.
Về vấn đề này, ông Oliver Massmann, Giám đốc Công ty luật Duane Morris Việt Nam kiến nghị cần thiết lập cơ chế một cửa cho dự án PPP để nhà đầu tư có thể giải quyết các thủ tục và bất kỳ điều gì liên quan đến PPP.
“Việt Nam đã ký các cam kết bảo hộ đầu tư với các đối tác quốc tế, trong đó có EU và các đối tác CPTPP. Theo đó, nếu xảy ra vấn đề với Chính phủ trong quá trình triển khai dự án PPP, nhà đầu tư có quyền khởi kiện”, luật sư Massmann cảnh báo.
Ghi nhận những điểm tích cực về làm rõ lĩnh vực đủ điều kiện đầu tư theo PPP, ngôn ngữ sử dụng trong lựa chọn nhà đầu tư…, luật sư Massmann cho rằng dự luật còn nhiều điểm cần làm rõ và khắc phục.
Các điều kiện để cân đối ngoại tệ tại điều 82 trong dự luật là rất hạn chế vì chỉ các dự án quy mô lớn được ưu tiên và có thể đáp ứng các điều kiện của các hình thức đầu tư theo phương thức PPP. Do đó, phạm vi áp dụng cân đối ngoại tệ này sẽ cần được mở rộng cho tất cả các dự án PPP, hoặc ít nhất là cho các dự án điện và dự án lưới điện vì nhu cầu về ngoại tệ liên quan đến các dự án BOT và doanh thu thuế quan liên quan trong lĩnh vực năng lượng được dự báo tăng mạnh đến năm 2030, có thể đạt 23 tỷ USD/năm vào năm 2030.
Ngoài ra, việc áp trần bảo đảm cân đối ngoại tệ là 30% doanh thu của dự án bằng tiền đồng Việt Nam sau khi trừ số chi tiêu bằng đồng Việt Nam, cũng là một hạn chế, luật sư Massmann nêu.
Chỉ kiểm toán tài chính công, tài sản công
Giải đáp các kiến nghị của nhà đầu tư và chuyên gia, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết trước đây Nghị định số 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã được mở rộng đầu tư theo nhiều lĩnh vực, nhưng việc thu hút đầu tư theo Nghị định này trên thực tế không phủ rộng.
Do vậy, chủ trương xây dựng luật PPP là thu gọn lại các lĩnh vực thu hút đầu tư PPP và dành nguồn lực để đầu tư vào các lĩnh vực thiết yếu. Do đó, dự thảo luật đang thiết kế thu hút đầu tư vào 5 lĩnh vực, bao gồm: giao thông vận tải; nhà máy điện, hệ thống truyền tải điện; thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải; y tế và giáo dục - đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin.
Về mức độ tham gia của cơ quan kiểm toán vào dự án PPP theo pháp luật Việt Nam, ông Trương cho hay, cơ quan kiểm toán chỉ kiểm toán tài chính công, tài sản công và kiểm toán đầu ra, chứ không can thiệp vào tài sản tư và tài chính tư của nhà đầu tư.
Còn về ngưỡng đảm bảo tiền gửi ngoại tệ, Chính phủ quyết định việc cấp bảo đảm cân đối ngoại tệ cho từng dự án. “Chúng tôi đã nhiều lần trao đổi với Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này và quan điểm của Chính phủ là giữ nguyên hạn mức bảo đảm cân đối ngoại tệ tối đa là 30%”, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu nói.