Từ khi thuộc sở hữu 100% vốn nhà nước, hoạt động của Ocean Bank đã có nhiều khởi sắc. Ảnh: Đức Thanh |
Sẽ sớm bán cho nhà đầu tư nước ngoài
NHNN vừa có báo cáo gửi Quốc hội về kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019. Trong đó, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, hệ thống ngân hàng đã đạt được những kết quả quan trọng theo đúng mục tiêu, lộ trình đề ra, tạo sự ổn định, an toàn cho hệ thống.
NHNN cho biết đã trình Thủ tướng phương án chuyển nhượng và cơ cấu lại Ocean Bank để sau đó chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, phương án cơ cấu lại CBBank, DongABank, GPBank đang được khẩn trương hoàn thiện để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật.
Cách đây khoảng một năm, ông Đỗ Thanh Sơn, Chủ tịch HĐTV Ocean Bank cho biết, Ngân hàng đã hoàn tất giai đoạn I đàm phán với đối tác nước ngoài. Theo đó, sau khi đạt được bước tiến dài trong dự án làm việc, đàm phán với đối tác ngoại, Ocean Bank sẽ sớm chốt lại các vấn đề quan trọng còn lại trong năm 2018. Tuy nhiên, đến nay, việc chọn đối tác ngoại của Ocean Bank vẫn chưa hoàn tất.
Theo NHNN, việc cơ cấu lại 3 ngân hàng mua lại bắt buộc là một quá trình khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ, phải phối hợp chặt chẽ và lấy ý kiến của nhiều bộ, ngành cùng các cơ quan liên quan. Với thực trạng tài chính hiện nay của các ngân hàng, việc tìm kiếm nhà đầu tư có năng lực tài chính và năng lực quản trị tham gia xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng này gặp rất nhiều khó khăn và phụ thuộc vào kết quả đàm phán với các nhà đầu tư. Ngoài ra, việc xử lý, thu hồi nợ và tài sản đảm bảo của ngân hàng này cũng gặp nhiều khó khăn.
Cuối tháng 3/2019, lãnh đạo cao cấp Tập đoàn J Trust (Nhật Bản) đã làm việc với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ. Theo đó, ông Nobiru Adachi, Giám đốc điều hành của J Trust cho biết, Tập đoàn quan tâm việc tham gia cơ cấu lại CBBank. Về vấn đề này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ Việt Nam muốn tìm đối tác chuyển nhượng hoặc bán lại CBBank. Phó thủ tướng cũng đề nghị J Trust nghiên cứu, trao đổi với CBBank và NHNN về phương án chào bán, để trên cơ sở đó, NHNN trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, giải quyết.
Cùng thời điểm trên, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng có buổi làm việc với Chủ tịch Tập đoàn Clermont (Singapore). Clermont bày tỏ mong muốn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng thông qua việc tham gia quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam…
Trước đây, đã có một số nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu, đặt vấn đề, thậm chí đàm phán mua lại ngân hàng yếu kém của Việt Nam. Chẳng hạn, Tập đoàn UOB đàm phán mua lại GPBank, nhưng chưa đến đích. Nguyên nhân được cho là cổ đông GPBank không thống nhất về giá bán.
Đã đến lúc “buông” ngân hàng mua lại bắt buộc
Thống đốc Lê Minh Hưng từng cho biết, ưu tiên hàng đầu trong tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 là tập trung xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý để tháo gỡ và hỗ trợ các ngân hàng thương mại và nhà đầu tư. Đó cũng chính là lý do để các nhà đầu tư ngoại quan tâm nhiều hơn, với triển vọng tạo động lực, nguồn lực vực dậy CBBank, Ocean Bank và GPBank.
Hơn 4 năm, kể từ khi chính thức thuộc sở hữu 100% vốn nhà nước (ngày 5/3/2015), với sự hỗ trợ toàn diện từ Vietcombank, CBBank đã và đang từng bước trở lại thị trường cùng niềm tin vượt gian khó, vượt giới hạn những khó khăn nội tại.
Tính đến 31/12/2018, CBBank huy động vốn thị trường 1 đạt gần 29.000 tỷ đồng, tăng trên 3.000 tỷ đồng so với năm 2017. Đến cuối năm 2018, hơn 5.000 tỷ đồng nợ xấu đã được thu hồi.
Với Ocean Bank, ông Đỗ Thanh Sơn khẳng định, năm 2018, Ngân hàng về cơ bản đã hoàn thành nghĩa vụ mà NHNN giao phó, Đề án Tái cơ cấu về cơ bản đã hoàn tất. Theo đó, tổng nguồn vốn huy động năm 2018 tăng gần 4%, số dư huy động tiền gửi khách hàng bán lẻ tăng 6% so với đầu năm. Năm 2019, Ocean Bank tiếp tục tập trung thu hồi triệt để các khoản nợ có vấn đề.
Tại GPBank, ông Hồ Hữu Minh, thành viên HĐTV phụ trách điều hành hoạt động HĐTV ngân hàng này cho hay, năm 2018 là năm thứ 3, GPBank triển khai thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu theo chủ trương của Chính phủ và NHNN.
Có thể thấy, việc các nhà đầu nước ngoài muốn tham gia quá trình tái cơ cấu tại hệ thống ngân hàng Việt Nam không còn là câu chuyện mới. Tuy nhiên, để sở hữu được 100% vốn của ngân hàng yếu kém trong nước không phải là chuyện dễ. Thực tế, Ocean Bank, GPBank cũng đã được nhắc tới khi có đối tác nước ngoài muốn mua lại.
Cụ thể, thời điểm đầu năm 2018, khi thông tin chính thức được đại diện NHNN công bố, thì đối tác ngoại đã ở giai đoạn II của quá trình tìm hiểu. Nhưng đến nay, các thương vụ này vẫn chưa được tiết lộ và lộ trình vẫn còn ở phía trước.
TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế Thủ tưởng Chính phủ cho rằng, việc đẩy mạnh tái cơ cấu 3 ngân hàng mua lại bắt buộc là mục tiêu được ngành ngân hàng đặt ra những năm qua và cả năm nay. Song theo ông Lịch, đã đến lúc, NHNN nên “buông” 3 ngân hàng trên và điều đó là hết sức cần thiết để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các nhà băng này.
Theo TS. Trần Du Lịch, cũng phải nhìn nhận một điều rằng, giải pháp mua lại 3 ngân hàng yếu kém (Ocean Bank, CBBank, GPBank) chỉ là nhất thời để cứu các ngân hàng này tránh khỏi nguy cơ đổ vỡ, tác động xấu đến toàn hệ thống, nhưng đến một lúc nào đó, cần phải có phương án giải quyết.
Các chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, việc thu hút thêm vốn ngoại sẽ tạo điều kiện tốt để đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc 3 ngân hàng nói trên. Đồng thời, các nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội tham gia chi phối các ngân hàng Việt Nam, thậm chí là mua đứt 100% vốn trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam sẽ dừng cấp phép thành lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài.
Phát biểu tại Diễn đàn Mua bán và sáp nhập Việt Nam 2018, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: “Sắp tới, Chính phủ sẽ hết sức hạn chế hoặc có thể không cấp thêm giấy phép cho ngân hàng 100% vốn nước ngoài”. Vì vậy, việc tham gia tái cơ cấu 3 ngân hàng trên sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia sâu rộng vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam.
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, tăng vốn điều lệ là phương án nhanh nhất giúp 3 ngân hàng này phục hồi hoạt động, nhưng lại cần nguồn lực lớn từ Nhà nước, nên chưa thể thực hiện khi ngân sách còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, NHNN ưu tiên phương án bán cho nhà đầu tư mới hoặc sáp nhập, hợp nhất thông qua việc yêu cầu 3 ngân hàng này tìm kiếm đối tác có tài chính tốt, có kinh nghiệm quản trị, điều hành tham gia cơ cấu lại.
Tuy vậy, giới phân tích tài chính cho rằng, có những nhà đầu tư nước ngoài phải chờ đến gần đây mới xúc tiến kế hoạch tham gia, vì họ chờ Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực (từ ngày 15/1/2018).
Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 11 - năm 2019:
Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 11 - năm 2019 do Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào thứ Ba, ngày 6/8/2019.
Với chủ đề “Thay đổi để bứt phá/Going for breakthrough”, Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 sẽ bàn thảo các cơ hội M&A trong kỷ nguyên mới, những thay đổi cần có để thị trường M&A Việt Nam thực sự bứt phá, đem lại lợi ích cho các thành viên tham gia.
Diễn đàn có các hoạt động chính: Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế; Vinh danh thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2018 - 2019; Tiệc tối kết nối đầu tư; Phát hành Đặc san Toàn cảnh thị trường M&A 2019 (tiếng Việt - Anh); Khoá đào tạo quốc tế Chiến lược M&A để tăng trưởng đột phá.
Trân trọng mời quý nhà đầu tư, doanh nghiệp đăng ký tham dự Diễn đàn:
Hotline: (024) 2246 6968 | Email: maf@avm.vn | www.mavietnamforum.com