Theo ông Watanabe Nobuhiro, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM, một trong những yếu tố nổi bật khác biệt để định vị Việt Nam đối với những quốc gia khác là tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định được củng cố bởi nền tảng chính trị ổn định.
Trong gần 3 thập kỷ gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình luôn đạt mức 6% và Việt Nam đã đạt được tỷ lệ tăng trưởng dương năm vừa qua kể cả làn sóng Covid-19 kéo dài từ lâu.
“Khu vực phía Nam Việt Nam, trong đó có TP.HCM đang là động lực phát triển kinh tế của cả nước và đóng một phải trò quan trọng trong việc đón nhận vốn FDI vào cho cả nước”, ông Watanabe Nobuhiro chia sẻ theo hình thức trực tuyến tại Lễ công bố Chương trình hợp tác và triển khai các hoạt động năm 2022 do Trung tâm xúc tiến đầu tư phía Nam (IPCS) tổ chức sáng 1/3.
Toàn cảnh Lễ công bố Chương trình hợp tác và triển khai các hoạt động năm 2022 do IPCS tổ chức sáng 1/3 (Ảnh: Lê Toàn). |
Nhật Bản và Việt Nam đã phát triển mối quan hệ thật sâu sắc hơn trong những năm vừa qua và hai nước đang là có quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng.
Một trong những ví dụ điển hình của tình hữu nghị giữa hai nước là cùng nhau hợp tác nỗ lực chống lại đại dịch.
Kể từ tháng 6/2021 đến nay, Nhật Bản đã cung cấp cho Việt Nam tổng cộng khoảng 7.3 triệu liều vắc-xin phòng chống vi- rút Corona và Việt Nam đã cung cấp hàng ngàn khẩu trang đến nhân dân Nhật Bản khi Nhật Bản trong lúc khẩn cấp.
Những lĩnh vực kinh tế và thương mại lẽ đương nhiên một trong những trụ cột chính của mối quan hệ của Nhật Bản và Việt Nam.
Hiện, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ 2 trong lĩnh vực FDI đối với Việt Nam.
Vào tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm chính thức Nhật Bản và là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Thủ tướng Kushida Fumio tiếp đón.
Chuyến thăm đã gặt hái được những thành công rất to lớn. Riêng những lĩnh vực kinh doanh và đầu tư, đã đạt những thành tựu nổi bật.
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính từ ngày 22-25/11 theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio một lần nữa khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới (Ảnh: VGP). |
Trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, JETRO đã tổ chức Hội nghị đầu tư tại Tokyo.
Tại hội nghị này, 45 biên bản ghi nhớ (MOUs) được ký kết giữa các công ty, tập đoàn của hai quốc gia với tổng trị giá 1.2 tỷ USD.
Các biên bản ghi nhớ này thể hiện rõ sự tin tưởng của nhà đầu tư Nhật Bản đối với Việt Nam và tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam trong tương lai.
Cuộc khảo sát do JETRO thực hiện năm ngoái cũng khẳng định điều này, khi khoảng một nửa số doanh nghiệp, tập đoàn và doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam tham gia khảo sát cho biết, sẽ có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới.
“Năm 2023, sẽ đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam. Tôi tin rằng, đây sẽ là động lực rất lớn nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ kinh tế và kinh doanh giữa hai nước”, ông Watanabe Nobuhiro chia sẻ.
Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam: AEON xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai sau Nhật Bản (Ảnh: Lê Toàn). |
Khi nhắc đến nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam, Tập đoàn AEON là câu chuyện đầu tư thú vị. Bắt đầu tìm hiểu thị trường Việt Nam từ năm 2009, ba năm sau đó, Công ty TNHH AEON Việt Nam được thành lập.
Đến nay, AEON Việt Nam hiện có mặt tại 6 tỉnh thành với 6 trung tâm mua sắm, trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị, 25 siêu thị, 41 cửa hàng chuyên doanh; một kênh thương mại điện tử và một trung tâm phân phối.
Tập đoàn này đã đề ra Chính sách “5 Cải cách” trong chiến lược phát triển kinh doanh trung hạn đến năm 2025 và một trong số đó là tăng tốc chuyển dịch, đẩy mạnh đầu tư nguồn lực sang thị trường châu Á.
“AEON xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai sau Nhật Bản và sẽ tăng tốc phát triển kinh doanh, đẩy mạnh đa dạng hóa các mô hình bán lẻ ở thị trường Việt Nam”, ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam nói.
Về một số kế hoạch đang được thực hiện, vị này cho biết, sẽ có thêm nhiều trung tâm mua sắm, trung tâm bách hoá tổng hợp và siêu thị, cửa hàng tiện lợi được mở tại các tỉnh thành.
Thêm vào đó, Tập đoàn bán lẻ đến từ Nhật Bản này sẽ xây dựng mạng lưới phân phối bằng cách sử dụng kĩ thuật số, tạo ra hệ thống phân phối dành riêng cho các chủng loại sản phẩm ở các vùng nhiệt độ khác nhau.