Thông tin tại Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam 2023 do Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức ngày 16/11, ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc Công ty KPMG Việt Nam, đánh giá thị trường bất động sản nói chung và bất động sản công nghiệp nói riêng đang hưởng lợi rất lớn từ dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Riêng trong 9 tháng đầu năm 2023, vốn FDI vào Việt Nam ghi nhận tăng 7,7%. Đây là con số đáng khích lệ do nền kinh tế Vệt Nam trải qua quá trình khó khăn nhất từ trước đến nay.
“Chúng tôi còn kỳ vọng nhà đầu tư Hoa Kỳ tham gia nhiều hơn từ chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden”, ông Ái nói đồng thời nhìn nhận, vốn FDI sẽ tập trung mạnh ở công nghiệp chế biến chế tạo, tài chính ngân hàng, bán buôn, bán lẻ, kinh doanh bất động sản.
Ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc Công ty KPMG Việt Nam phát biểu tại tại Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam 2023. Ảnh: L.T |
Ông Ái cho rằng nhìn vào tương lai, Việt Nam vẫn đang tiếp tục thể hiện vị thế của mình là một điểm đến đầu tư hấp dẫn, với sự bùng nổ của số lượng doanh nghiệp quốc tế di dời hoạt động sản xuất sang đến đây.
Đặc biệt, sự gia tăng số lượng dự án và góp vốn, mua cổ phần mới đăng ký trong hơn nửa đầu năm 2023 phản ánh sự quan tâm và tin tưởng liên tục của các nhà đầu tư nước ngoài vào tiềm năng thị trường và môi trường kinh doanh của Việt Nam trong dài hạn.
Trao đổi thêm với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn về xu hướng vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Công Ái đánh giá với tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước và môi trường chính trị ổn định, dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong dài hạn, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất.
Điều này dẫn đến gia tăng nhu cầu đối với bất động sản công nghiệp và cơ sở hạ tầng logistics tại các tỉnh lân cận xung quanh Hà Nội và TP.HCM, nơi quỹ đất vẫn còn tương đối nhiều.
Trong xu hướng này, các nhà phát triển bất động sản công nghiệp cũng không bỏ lỡ cơ hội. Trong đó, họ rút ngắn thời gian tham gia thị trường thông qua hoạt động M&A.
“Các thương vụ M&A gần đây tập trung nhiều ở các phân khúc bất động sản dân dụng, nhưng với bất động sản công nghiệp và hạ tầng logistics cũng ghi nhận sự quan tâm rất lớn”, ông Ái nói.
Về khẩu vị M&A trong mảng khu công nghiệp nói riêng và thị trường bất động sản nói chung, ông Ái cho biết đã có nhiều sự khác biệt so với các giai đoạn trước.
Trước đây, khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thường đòi hỏi pháp lý phải hoàn hảo, nhưng gần đây cùng với việc bên bán là các doanh nghiệp Việt Nam đã đưa ra các mức giá phù hợp, đồng thời cũng nỗ lực trong việc chịu trách nhiệm trong việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý nên có những deal mà nhà đầu tư nước ngoài đã chấp nhận được mức rủi ro nhất định, tức là khẩu vị rủi ro đã được tăng cao hơn một chút.
“Tôi cho rằng, xu hướng này sẽ tiếp tục trong cuối năm nay và đầu năm sau”, ông nói đồng thời cho biết có hai lý do chính dẫn đến xu hướng này.
Thứ nhất, là các nhà đầu tư trong nước đã đến lúc phải bán đi một số dự án với mức giá chấp nhận được; thứ hai là nhà đầu tư nước ngoài đã sẵn sàng hơn trong việc tham gia thị trường, bởi họ hiểu chờ đợi hơn để có được một mức giá tốt hơn nữa thì chắc cũng khó.
Với những phân tích trên, Phó tổng giám đốc Công ty KPMG Việt Nam dự báo trong quý IV/2023 và nửa đầu năm 2024 thị trường sẽ ghi nhận thêm nhiều thương vụ M&A hơn.